Kỳ Lâm (VNTB) Và qua sự “cuống cuồng” đó, càng cho thấy tính chất vô liêm sỉ của đội ngũ công chức thừa quyền hành mà thiếu tự trọng, chỉ mải mê lo “bợ” nhau như cách thức để làm hài lòng và bôi trơn đường công chính.
VNTB – Phó Chủ tịch Quận ăn bún cùng thói lạm dụng quyền lực |
Chủ tịch phường và Phó trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc được điều xuống để trông xe, để Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, bà Lê Mai Trang thoải mái… ăn bún!
Sự việc trưa ngày 7/7 gây xôn xao dư luận mạng xã hội khi chiếc xe của bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân chắc phần đường khúc cua (nơi nhiều người qua lại). Khi bị dân lên tiếng, thì bà Phó quận đã “điều cả hệ thống chính quyền phường” xuống trông xe và bắt người đôi co với bà Phó Quận phải xin lỗi.
Sự việc kéo dài 20 phút ghi lại toàn bộ cảnh “đôi co”, trong đó có cá nhân bà Phó Chủ tịch quận, tuy nhiên đáp lại, bà cho biết, xe đó không phải là xe của bà vì bà không phải người lái, nhưng lại “rút kinh nghiệm” vì thừa nhận để chiếc xe vậy là không đúng. Sự phân trần đầy mâu thuẫn của bà Phó quận càng cho thấy tính chất đúng của việc điều quân giữa xe ăn bún của bà, như người dân phản ảnh.
Hiện tượng này xảy ra không lâu sau khi Bộ quy tắc ứng xử của chính quyền Tp. Hà Nội được ban hành, trong đó đề cập đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức lịch sự, văn minh và có trình độ chuyên môn vững.
Thậm chí, trước đó vào năm 2009, chính quyền Thủ đô đã tiến hành thực hiện Quyết định số 40 của Thủ tướng chính phủ liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân.
Tuy nhiên, giữa nguyên tắc – quyết định trên giấy tờ với thực tiễn còn nhiều sai lệch. Và nặng nhất là thái độ quan liêu, xây dựng hình ảnh trên cơ sở quyền lực tuyệt đối chứ không phải là công bộc phục vụ nhân dân. Hệ thống ban ngành dưới cấp chỉ mang tính phục tùng tuyệt đối lãnh đạo, phục vụ tuyệt đối lãnh đạo thay vì chủ thể nhân dân mà trong các văn kiện và văn bản luật về hành chính có nêu ra.
Lẽ vì vậy mà LS Vũ Hải Trần đã lên tiếng bức xúc: Qua vụ này, dân rất mong Công an Phường cũng nhiệt tình, đến ngay hiện trường khi có việc báo mất trật tự trị an, hay có trộm cắp như trong vụ phục vụ bà quan lạm quyền này. Chứ đừng dân gọi thì đủng đỉnh, quan trên gọi thì cuống cuồng!
Và qua sự “cuống cuồng” đó, càng cho thấy tính chất vô liêm sỉ của đội ngũ công chức thừa quyền hành mà thiếu tự trọng, chỉ mải mê lo “bợ” nhau như cách thức để làm hài lòng và bôi trơn đường công chính. Thành ra, càng làm như thế, lại càng thấy quan điểm chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc về việc, cán bộ công chức phải biết “4 xin” đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” lại càng mang tính thiếu thực tế.
Nó cũng cho thấy, muốn đưa đội ngũ công chức vào “nề nếp”, thực hiện xu hướng “sát dân, gần dân, hiểu dân, phục vụ dân” thì phải có tính chế tài, trong đó loại bỏ các công chức không đủ thực lực và đạo đức ra khỏi bộ máy quản lý nhà nước thay vì điều chuyển như hiện nay. Bởi tính cách của một người lạm dụng quyền lực chính là sự tích lũy quyền lực trên cơ sở các chế tài của pháp luật dành cho họ, khi nào chế tài càng lỏng lẻo, sự lạm dụng và tích lũy càng mạnh bạo. Pháp luật không nghiêm, kỷ cương Đảng về mặt tổ chức không tốt, thì sự cầu vịn vào “lòng tự trọng, liêm sỉ” của đội ngũ công chức, để mong họ “hồi tâm chuyển ý” chỉ là sự mộng tưởng.
Trường hợp của bà Phó quận đi ăn bún so với trường hợp bà ĐBQH Châu Thị Thu Nga (ĐBQH Hà Nội – người bị khởi tố vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng; và là người đã chi 1,5 triệu USD cho doanh nghiệp vàng bạc ở Tp. Hà Nội để lo các thủ tục ứng cử ĐBQH khóa 13) thực ra không khác gì mấy, cũng chỉ là khi chế tài không đủ, thì lạm quyền lên ngôi. Dân bức xúc đến mấy thì chuyện đâu rồi sẽ trở về lại đấy mà thôi! Và rồi, sẽ đến cái ngày giống như cái cách mà nhà văn Nguyễn Công Hoan miêu tả qua câu truyện ngắn “Chính sách Thân dân”: Nhưng khốn thay, dân chẳng tin như thế cho. Đối với lời ngọt ngào của quan phụ mẫu này, người ta sợ như gà phải cáo. Trước kia, người ta bị nhiều vố cay đắng vì những lời ngọt ngào như thế rồi.