VNTB – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam có liên quan gì đến Chủ tịch nước?

VNTB – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam có liên quan gì đến Chủ tịch nước?

Sơn Trà

 

(VNTB) – Chiều 1-1-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, chúc mừng năm mới gia đình cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

 

Trước đó 24 tiếng, nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997 – 2022), chiều 31-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức gặp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành và tương đương từ Đà Nẵng vào công tác tại Quảng Nam ngày đầu tái lập tỉnh nay đã nghỉ hưu. Dự buổi gặp mặt này có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương.

Cũng trong ngày 31-12-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Tân (sinh năm 1979) về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Ông Tân là Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Ông Tân bị bắt vì liên quan đến “chuyến bay giải cứu”.

Ông Tân có học vị tiến sĩ luật, và được đồn đoán là có mối quan hệ thân tộc với bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Theo tin tức từ phía Bộ Công an, trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2021 – 2022), ông Tân đã ký hàng chục công văn thống nhất cho nhiều công ty tổ chức đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí trên địa bàn Quảng Nam.

Hồ sơ ghi nhận, những công ty này nhiều lần được tỉnh Quảng Nam thống nhất đón người nhập cảnh trên những chuyến bay từ các nước về sân bay quốc tế Đà Nẵng, sau đó đưa về cách ly ở các cơ sở lưu trú có thu phí. Ngoài ra, ông Tân cũng ký nhiều văn bản thành lập khu cách ly tập trung có thu phí đối với người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hội An (Quảng Nam).

Sở dĩ ông Tân thuận lợi trong hàng loạt văn bản trên vì ông đã biết ‘nương’ theo các chính sách lúc ấy để tạo nguồn thu ngân sách của tỉnh nhà, qua đó sẽ có luôn phần ‘lợi quả’ tương ứng.

Các chính sách ấy được ban hành từ ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng chính phủ, làm phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giữ chức trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.

Theo đó, cuối năm 2019 – đầu 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc và lan ra thế giới. Tại Việt Nam, chính sách chống dịch được đặt ra và kiên quyết thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trực tiếp. Ông chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu thì không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2,0 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Ngày 01 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Trước đó, từ giữa cuối tháng 3 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Kể từ đó, người lao động, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu (hay còn được gọi là chuyến bay hồi hương).

Khi đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên thế giới, Việt Nam tổ chức nhiều chuyến bay để giải cứu công dân mắc kẹt ở nước ngoài. Chuyến bay đón công dân đầu tiên có liên quan đến việc đưa công dân từ vùng dịch về Việt Nam là chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines sử dụng chuyên cơ Airbus 321, mang số hiệu HVN68, khởi hành lúc 21g55 ngày 9 tháng 2 năm 2020, đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước. Từ đó trở đi, một số hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng tham gia vào công tác đưa công dân về Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là người yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm 5 bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải.

Như vậy, với những sai phạm sau đó cho thấy không thể loại trừ trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Phúc – người trực tiếp yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)