Bến Nghé
(VNTB) – Phủi tay – theo nghĩa ở tự điển, đó là khẩu ngữ, coi như mình không có một chút trách nhiệm nào cả trước việc không hay do chính mình gây ra…
Sau tháng tư, 1975 đã có một thế hệ tuổi trẻ Sài Gòn đã nghe theo lời kêu gọi của chính quyền mới, để gia nhập lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng lại quê hương sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Dĩ nhiên không ít người trẻ muốn viết lại lý lịch đời mình. Tất cả là vì lý tưởng tươi đẹp mà các vị lãnh đạo khi ấy đã hứa hẹn cho đất nước mạnh giàu, dân chúng cơm no, áo ấm.
Bài viết này xin được nhắc về lát cắt một thế hệ tuổi trẻ thời hậu chiến từ bờ Nam Bến Hải trở vào đến Cà Mau.
Bài viết xin được riêng dành để nhắc nhớ đến nhà báo tự do Lê Tuấn – người đang vướng vòng lao lý trong một vụ án liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
“Em rất cảm tình với màu áo thanh niên xung phong, vì người thân của em đã từng tham gia đội ngũ tình nguyện này…” – Lê Tuấn đã có lần tâm sự như vậy.
Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên, một cựu thanh niên xung phong, kể:
“Cách đây hơn 44 năm, ngày 28-03-1976, hàng vạn thanh niên của thành phố Sài Gòn (đến tháng 7-1976 mới đổi tên thành phố Hồ Chí Minh) lên đường tham gia xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, trong màu áo TNXP (thanh niên xung phong), theo lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt. Chỉ riêng tại Sài Gòn, lúc lúc bấy giờ có 2 tổng đội – một trực thuộc Ban Kinh tế mới trung ương, một trực thuộc Thành Đoàn thành phố Sài Gòn.
Tổng đội của Thành Đoàn tuyển quân là thanh niên của cả thành phố, nên cán bộ – đội viên là cư dân của tất cả các quận, huyện hợp thành. Khi số người tình nguyện đủ (trên dưới 100 người) thì thành lập một đại đội, từ 2-7 đại đội thì cấu thành một liên đội, mang các phiên hiệu: Liên đội Cơ Động 1, 2, 3, 4… Phần lớn các liên đội cơ động lúc bấy giờ đóng quân ở ngoại thành Sài Gòn (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn…) làm nhiệm vụ đào kênh, dẫn nước về các cánh đồng.
Tổng đội thứ hai, trực thuộc Ban Kinh tế mới trung ương (thường được gọi là Tổng đội Miền) – việc tuyển quân được phân theo từng quận, huyện. Ban đầu, mỗi quận, huyện thành lập một liên đội (có ít nhất từ 2 đại đội trở lên) với tên gọi được định sẵn như sau: quận 1: Kiên Cường, quận 3: Kiên Gan, quận 4: Kiên Quyết, quận 5: Quyết Tâm, quận 6: Quyết Tiến, quận 8: Quyết Thắng, quận 10: Trung Dũng, quận 11: Trung Thành, quận Thủ Đức: Trung Kiên, quận Bình Thạnh: Dũng Cảm, quận Tân Bình: Dũng Chí, quận Phú Nhuận: Dũng Tiến, quận Gò Vấp: Thống Nhất…
Nhiệm vụ của các liên đội trực thuộc Tổng đội Kinh tế mới là đi một số các tỉnh thuộc Đông Nam bộ: Đồng Nai, Long An, Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước hiện nay), Tây Ninh… để khai hoang phục hóa, trồng lúa và xây dựng nhà cho đồng bào từ thành phố đến lập nghiệp (trong chính sách “kinh tế mới” trước đây)…
Sau khi rời khỏi TNXP, chỉ một số rất ít trở lại ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp đại học làm việc tại các cơ quan, đơn vị; còn hầu hết, khi trở về gia đình, anh chị em phải kiếm sống bằng đủ mọi thứ nghề: bốc vác, thợ hồ, chạy xích lô, chạy xe ôm, lao động tạp vụ, bán vé số… Có một số anh chị lúc đầu nhà còn ở nội thành, sau đó bán nhà ra ngoại thành hoặc về các vùng quê, vùng sâu vùng xa sinh sống; một số ở nhà thuê, phòng trọ… Họ lập gia đình, sinh con đẻ cháu thì cái nghèo cái khó càng tăng lên gấp bội!
Tay làm hàm nhai. Làm buổi sáng, chỉ đủ tiền đong gạo buổi chiều! Một ngày không làm việc là một ngày đói!
Cái đói đâu có chừa ai, kế cả những người mà 44 năm trước còn là thanh niên trai tráng, tuổi mười tám đôi mươi sung sức, thì nay cũng đã vượt qua tuổi lục tuần, gối mỏi chân run!…”
Nói thêm về chuyện “phủi tay”: không hiếm những chính khách xuất thân từ việc làm lãnh đạo lực lượng TNXP như Lê Thanh Hải, Lê Tấn Hùng, Lê Quang Thung… Tuy nhiên khi ở đỉnh cao quyền lực trong bộ máy chính quyền, những chính khách này đã phủi tay với những đồng đội cũ.
Đâu chỉ vậy, giờ thì màu áo TNXP còn bị xúc phạm, khi nhân danh lực lượng này trong đàn áp những người dân xuống đường thực hiện quyền biểu tình đã được Hiến định ở mấy năm trước…
_________
Chú thích:
* Trong ảnh là nhà của anh chị Quốc Kháng – Xuân Lan chỉ là một căn chòi tạm (chừng 10m2) làm trên chiếu nghỉ cầu thang chung cư Ngô Gia Tự – nơi 4 người sinh sống từ mấy chục năm nay, khi hai vợ chồng anh từ TNXP trở về.
* Trong ảnh là anh Nguyễn Thành Thứ – sau khi đi TNXP về, anh ngủ ở sạp chợ Bình Thới, ban ngày đi bán vé số dạo.