Trường Sơn
(VNTB) – Phương Hoàng Kim là quan chức được sự nâng đỡ dưới thời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Cuối giờ chiều ngày 23-5-2024, Bộ Công an phát đi thông báo về việc “khởi tố bị can, bắt tạm giam Phương Hoàng Kim, nguyên Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo”.
Thông cáo viết: “Mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, ngày 23-5-2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phương Hoàng Kim, sinh năm 1973, nguyên là Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện các văn bản tố tụng hình sự nêu trên.
Vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các cá nhân, tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án. Mọi thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, đề nghị gửi đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (địa chỉ: Số 7 Phố Nguyễn Đình Chiểu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, số điện thoại: 0692341536)”.
Trở ngược thời gian về 8 năm về trước, vào chiều ngày 21-9-2016, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã trao Quyết định số 3768/QĐ-BCT ngày 19-9-2016 về việc điều động và bổ nhiệm ông Phương Hoàng Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực, giữ chức vụ Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương.
Phát biểu tại Lễ trao Quyết định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, “với những kết quả đạt được của Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá rất cao vai trò của đồng chí Vụ trưởng, tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức của Vụ Phát triển nguồn nhân lực”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sự điều động, bổ nhiệm thể hiện sự tín nhiệm cao của lãnh đạo Bộ. Cá nhân Bộ trưởng ghi nhận năng lực, tinh thần trách nhiệm và những đóng góp to lớn của ông Phương Hoàng Kim.
Đáp tạ, khi ấy tân Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phương Hoàng Kim nói rằng xúc động khi được nhận Quyết định bổ nhiệm và nhận được những lời chỉ đạo sâu sắc của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Tân Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng hứa sẽ nỗ lực phấn đấu với tất cả khả năng, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển không ngừng của Bộ, ngành, cũng như của đất nước.
Đến tháng 8-2017, vẫn ở thời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (EREA, Electricity and Renewabe Energy Authority), được thành lập trên cơ sở chia tách từ Tổng cục Năng lượng. Ông Phương Hoàng Kim làm cục trưởng.
Trong số nhiệm vụ và quyền hạn của EREA có: Cơ chế, chính sách để khuyến khích và đảm bảo phát triển điện lực và năng lượng tái tạo (trừ nội dung liên quan đến giá bán điện và hợp đồng mua bán điện); Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng: nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối điện, điện nông thôn và điện năng lượng mới, năng lượng tái tạo;
Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nếu không phù hợp đối với các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án về điện lực sau khi được phê duyệt hoặc ban hành;
Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án BOT điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, đàm phán, hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ký kết hợp đồng dự án (Hợp đồng BOT, Bảo lãnh Chính phủ), quản lý và kiểm tra việc thực hiện các dự án, giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT theo quy định của pháp luật; Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài theo quy định của pháp luật về điện lực.
Với quyền lực rộng kể trên, ngay sau khi thành lập, EREA đã có quyết định về 11 cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành. Với chính sách giá ưu đãi (giá FIT) mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh (tỷ giá tương đương 2.086 đồng/kWh) áp dụng trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Phía Thanh tra chính phủ đã cho rằng đây là lý do dẫn tới nếu như tháng 6-2017 tổng công suất nguồn điện mặt trời mới chỉ có 27MW, thì đến năm 2020 đã lên tới gần 16.500MW. Mặc dù sau ngày 30-6-2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh nhưng vẫn rất thu hút các nhà đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quy hoạch điện 7 điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850MW điện mặt trời vào năm 2020 và tăng lên 4.000MW vào năm 2025. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn điện này đã phát triển vượt bậc, cao gấp 17 lần tổng công suất được phê duyệt.