Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Khoa Nội thận – Thận nhân tạo bệnh viện thành phố Thủ Đức có 42 máy lọc thận nhưng có gần 260 bệnh nhân điều trị chạy thận 3 lần/tuần
Bệnh viện thành phố Thủ Đức không lựa chọn được nhà thầu cung cấp mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi, do bệnh viện xây dựng giá kế hoạch thấp…
Một ghi nhận ở khoa Nội thận – Thận nhân tạo bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, nơi đây có 42 máy lọc thận nhưng phải đáp ứng gần 260 bệnh nhân điều trị chạy thận 3 lần/tuần. Do đó, nhu cầu về vật tư y tế liên quan đến việc chạy thận như gạc, dây truyền, dịch lọc của nơi này là rất lớn, và không được phép đứt quãng.
Trước đây bệnh viện dùng dịch lọc thận của công ty B. Braun Việt Nam. Đến năm 2020, một công ty dược trúng thầu gói vật tư dịch lọc thận của nơi này, vì đáp ứng điều kiện “giá thấp nhất” theo quy định. Bệnh viện thành phố Thủ Đức sử dụng dịch lọc thận của đơn vị này trong khoảng thời gian 2020-2022. Tuy nhiên bước sang năm 2023, công ty trên bất ngờ bỏ thầu gói vật tư y tế, chuyển đăng ký dịch lọc sang gói thuốc và hóa chất. Lý do được giải thích cho bệnh viện là vì không tham gia đấu thầu.
Giải thích sự việc trên, phía Sở Y tế TP.HCM đưa ra lời giải thích có khác: Sở dĩ bệnh viện thành phố Thủ Đức đã không lựa chọn được nhà thầu đối với mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi do bệnh viện xây dựng giá kế hoạch thấp. Cách xử lý tình huống của bệnh viện này là thực hiện các gói thầu quy mô nhỏ để đảm bảo có đủ dịch lọc thận trong khi chờ thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định cho gói thầu quy mô lớn với hình thức đấu thầu rộng rãi trở lại.
Phía Sở Y tế TP.HCM đưa ra hướng xử trí như sau, theo đó trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi dự kiến vào tháng 8/2023, bệnh viện thành phố Thủ Đức nên thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp từ kết quả trúng thầu từ các bệnh viện bạn để đáp ứng một số lượng dịch thận lớn hơn, không phải mất nhiều thời gian, công sức để tổ chức các gói thầu mua sắm nhỏ lẻ.
Hiện tại, theo thống kê được Sở Y tế TP.HCM đưa ra, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc Bộ/ ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người, tăng so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người; điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%.
Vẫn theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM, các chuyên gia dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.
Các chuyên gia về Thận học của TP.HCM kiến nghị sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận, trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện, giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.
TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, bệnh viện Thống Nhất cho biết, nhiều bệnh viện thiếu cả trang thiết bị y tế lẫn nhân lực chạy thận. Có những kỹ thuật rất cơ bản, trước dịch Covid-19 vẫn làm bình thường mà giờ tuyến dưới phải chuyển đi tuyến trên. “Mỗi ngày, có 5-6 bệnh nhân liên hệ để xin được vào chạy thận định kỳ, rất tội nghiệp nhưng chúng tôi bất lực, phải từ chối” – TS.BS Bách chia sẻ.
Từ chối vì – theo chia sẻ của vị bác sĩ trưởng khoa này, bệnh viện chỉ có 45 máy điều trị lại phải lọc máu cho khoảng 150 ca/ngày, ngoài các bệnh nhân cấp cứu, khoa không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác…
Theo thống kê sơ bộ của Hội Lọc máu Việt Nam, cả nước có khoảng 100.000 bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế. Tại 2 bệnh viện lớn nhất cả nước là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tháng có 200 bệnh nhân mới bước vào chạy thận chu kỳ, khiến gánh nặng điều trị càng thêm nặng nề.
2 comments
Bớ bà Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan!
Bà ở đâu? làm cái gì? trong khi bệnh viện và bệnh nhân khắp nơi rên siết kêu cứu!
Không có khả năng và thiếu trách nhiệm thì bà hãy từ chức đi, chớ đừng cố bám ghế mà làm nguy hại cho hệ thống y tế và người dân.
“Không có khả năng và thiếu trách nhiệm thì bà hãy từ chức đi”. Điều này chỉ xảy ra đối với người có lòng tự trọng và ở môi trường sinh hoạt chính trị tự do – dân chủ, chứ không thể xảy ra dưới thể chế độc đảng – độc tài như ở Việt Nam hiện nay.
Đảng csVN tự cho cái quyền độc quyền lãnh đạo tuyệt đối mọi thứ tại Việt Nam. Chính phủ nước CHXHCNVN cũng chỉ là cánh tay nối dài (= tay sai) của Đảng csVN. Công chức – nhân viên lãnh đạo các cấp trong chính phủ đều là đảng viên do Đảng csVN / Bộ Chính trị cơ cấu / cài cắm.
Chính vì vậy cho nên bà đảng viên cs Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thực tế cũng chỉ là công cụ phải làm theo chỉ thị của Đảng csVN. Khi nào Đảng bảo bà ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Y tế thì bà ta leo lên ngồi, khi nào Đảng bảo leo xuống thì bà ta leo xuống. Cấm cãi!
Đảng viên nào phục tùng Đảng, tuân thủ chỉ thị của Đảng, thì được nhận đặc quyền – đặc lợi để được sống hưởng thụ. Ai không phục tùng và làm khác lệnh của Đảng thì sẽ bị trù dập – khai trừ – truy tố và có khi được khai tử nữa.
Chính vì vậy cho nên dù bà đảng viên cs Đào Hồng Lan có nhận biết là bà ta không có khả năng và thiếu trách nhiệm ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, nhưng bà ta cứ vẫn bám miết cái ghế Bộ trưởng Bộ Y tế vì đó là mệnh lệnh của Đảng / Bộ Chính trị csVN.
Còn thân phận của các bệnh viện và bệnh nhân? Hình như đó không phải là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ!