Nha Trang
(VNTB) – Hoạn lộ của Nguyễn Đình Khang có bước đầu tương tự như Đinh La Thăng.
Chiều 28-7-2019, hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 khóa XII đã bầu ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Tuần lễ trước đó, sáng 21-7-2019, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020; giữ chức Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Trong phát biểu tại buổi làm việc kể trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như sau (trích): “Đồng chí Nguyễn Đình Khang là cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, là Thạc sỹ Quản lý kinh tế, trưởng thành từ khối doanh nghiệp nhà nước. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đồng chí Nguyễn Đình Khang luôn thể hiện là cán bộ trẻ có bản lĩnh, nhiệt huyết, có ý chí phấn đấu vươn lên, không chùn bước trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao tại các địa bàn khó khăn, phức tạp để trau dồi, rèn luyện thử thách…
Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí Nguyễn Đình Khang với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị của mình sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cùng tập thể lãnh đạo Đảng đoàn và toàn thể cán bộ, đảng viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên cương vị công tác mới, nhất là trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trước những thách thức mới nảy sinh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.
Lý lịch tóm tắt về hoạn lộ trước khi ngồi vào ghế là người đứng đầu tổ chức công đoàn cách mạng Việt Nam của ông Nguyễn Đình Khang, như sau: Từ năm 1984-1988, sinh viên Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính); Từ năm 1989-1993, Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Từ năm 1993-1997, Phó phòng Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Từ năm 1997-2002, Trưởng phòng Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Từ năm 2002-2003, Kế toán trưởng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Từ năm 2003-2006, Ủy viên Ban Kiểm soát Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam; Từ năm 2006-2009, Ủy viên Hội đồng Quản trị Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam; Từ năm 2009-2014, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam.
Tháng 3-2014, Nguyễn Đình Khang được Ban Bí thư luân chuyển giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Khang được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 15-4-2016, Nguyễn Đình Khang được Bộ Chính trị phân công thôi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang để giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Đình Khang ở giai đoạn từ năm 2003 đến 2014, mặc dù rất am tường nội tình của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, song trong vị trí Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông đã để lại nhiều dự án thua lỗ, ngập trong nợ nần.
Năm 2008 nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn khi đi vào hoạt động. Thế nhưng hoạt động trong năm đầu tiên 2012, nhà máy đã lỗ 75 tỷ đồng. Ba năm tiếp theo mỗi năm nhà máy này tiếp tục lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6-2016, Đạm Ninh Bình thua lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, nợ tính đến cuối năm 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Không thể cứu vãn, cuối cùng nhà máy này buộc phải ngừng hoạt động. Trong vụ việc này, ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Phó bí thư Đảng uỷ, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Một công ty lâu đời khác của Vinachem là Đạm Hà Bắc cũng làm ăn thua lỗ lớn. Năm 2010, Công ty này mở rộng nhà máy, tổng mức đầu tư 568 triệu USD, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm. Năm 2015 dự án của Công ty này hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngay trong năm đầu hoạt động đã lỗ khoảng 665 tỷ đồng…
Một nguồn tin từ báo chí cho biết, trong 4 đại dự án thua lỗ của Vinachem, riêng dự án đạm Ninh Bình, thua lỗ 5.706 tỉ đồng, đang được đề nghị chuyển Bộ công an điều tra. Không chỉ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nguyễn Đình Khang còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi ký 4 hợp đồng và 08 phụ lục hợp đồng ủy thác vốn.
Ông Khang còn đứng trước cáo buộc phải chịu trách nhiệm với những sai phạm trong quá trình đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng kéo dài, làm phát sinh giá gói thầu thêm 48 triệu USD; thiếu trách nhiệm khi để nhà thầu thay đổi một số thiết bị, công nghệ có thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ thay đổi so với hồ sơ yêu cầu… Những sai phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Vinachem trong các năm 2011, 2013 đều có vai trò quyết định của Tổng giám đốc Nguyễn Đình Khang.
Nếu quả tình người lao động được quyền bỏ lá phiếu chọn người đứng đầu tổ chức công đoàn – cho dù đó là công đoàn cách mạng, tin rằng chẳng mấy ai dám trao niềm tin vào tay một người từng quản lý yếu kém – không loại trừ yếu tố tham nhũng tại Vinachem như ông Nguyễn Đình Khang.