VNTB – Quyền tự do báo chí cách mạng

VNTB – Quyền tự do báo chí cách mạng

Thới Bình

 

(VNTB) – Gọi đúng bản chất thì ở Việt Nam hiện có “quyền tự do báo chí cách mạng” trong khuôn khổ quy định của pháp luật và quy định của Đảng.

 

Cơ quan tuyên giáo và các tờ báo trong các chuyên mục “sinh hoạt tư tưởng” liên quan về “phòng chống diễn biến hòa bình, bảo vệ vững chắc nền tảng Đảng”, hoàn toàn có lý khi đưa ra lập luận như trên tạp chí Quốc phòng toàn dân: “Chúng ta biết, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định trong Hiến pháp: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Vì thế, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam xét xử một số nhà báo, hoặc những người đã từng làm báo vi phạm pháp luật là điều bình thường. Nhà báo cũng là công dân, đều bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác. Thế nhưng, gần đây, khi tòa án của Việt Nam xét xử một số phần tử lợi dụng “mác phóng viên” để kích động xuyên tạc, tán phát những thông tin sai lệch,… thì một số người đã “bày tỏ chính kiến” trên mạng xã hội hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng: “Việt Nam đã đàn áp nhà báo”, “Ở Việt Nam không có tự do báo chí”, v.v.”.

Tạp chí Dân vận thì có phần nhẹ nhàng hơn, khi cho rằng, “một trong những luận điệu thiếu thiện chí của một số tổ chức, cá nhân đối với Việt Nam là xuyên tạc ở đất nước Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, lập luận của họ đa phần có sự đánh tráo khái niệm giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với ngôn luận tự do, báo chí tự do”.

Tạp chí này hoàn toàn có lý với nhìn nhận, “trong thực tiễn, hầu hết mọi thể chế chính trị khác nhau đều coi việc chống lại nhà cầm quyền là vi phạm pháp luật và không có nơi nào có văn bản coi tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền tuyệt đối”.

Ở đây có một điểm chung mà các tờ báo, tạp chí gọi là chính thống đó đã tránh đề cập trực diện là Việt Nam chỉ tồn tại cái gọi là “báo chí cách mạng”, với việc Đảng Cộng sản dành hẳn ngày 21 tháng sáu hàng năm đang vinh danh “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

Truy xuất nguồn gốc cho biết, tháng 2-1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5-2-1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21-6-1925), với lý do nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21-6-1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên.

Ngày 21-6-2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi “ngày Báo chí Việt Nam” là “ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”.

Đề nghị này của Hội Nhà báo Việt Nam là chính xác, vì trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội cùng một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Và đến ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Đảng Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. (Có lẽ đây là tờ báo của… Việt kiều đầu tiên được sản xuất tại nước ngoài những năm đầu thập niên của thế kỷ XX)

Trong phần căn cứ để ban hành Luật báo chí đã dẫn Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để làm nguyên tắc xây dựng luật này. Điều 4 của Hiến pháp 2013 quy định Đảng Cộng sản “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, và Đảng sẽ “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Như vậy mọi chê – khen ở đây về quyền tự do báo chí mà cộng đồng mạng trong nước, hay từ các tổ chức ở nước ngoài cần xác định đúng đối tượng trong khu biệt góp ý, chỉ trích…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)