VNTB – Quyền tự do công đoàn ở Việt Nam: nhanh lắm cũng phải đến đầu năm 2025

VNTB – Quyền tự do công đoàn ở Việt Nam: nhanh lắm cũng phải đến đầu năm 2025

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Theo lịch trình thì kỳ họp tháng 5/2024 Quốc hội Việt Nam mới xem xét Luật Công đoàn sửa đổi, và đến kỳ họp tiếp vào tháng 10/2024 mới đưa luật này ra biểu quyết.

 

Giữa năm 2018 khi nhà chức trách Việt Nam đưa ra thông báo là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, chuẩn bị tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn, thì một lộ trình tu chỉnh pháp lý tương ứng cũng được công khai trên các phương tiện truyền thông. Đó là theo lộ trình tháng 5/2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Bộ luật lao động sửa đổi để cho ý kiến sau đó sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019. Cũng trong năm 2019, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước số 98. Năm 2020 là Công ước 105 và trước năm 2023 là Công ước 87.

Thực tế tính đến trung tuần 12/2023 thì Bộ luật lao động sửa đổi được thông qua tháng 11/2019 và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Nhưng để cho người lao động thật sự có quyền thành lập các tổ chức độc lập với các công đoàn do nhà nước kiểm soát, Việt Nam còn phải sửa đổi Luật công đoàn. Và để sửa Luật công đoàn thì phải phê chuẩn Công ước số 87. Thế nhưng đến tận hôm nay, việc dự luật công đoàn sẽ được sửa đổi ra sao vẫn chưa được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dân chúng.

Để được gia nhập các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), Việt Nam phải phê chuẩn tổng cộng 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bao gồm: Công ước 29 (năm 1930) về lao động cưỡng bức; Công ước 100 (năm 1951) về trả công bình đẳng; Công ước 111 (năm 1958) về chống phân biệt đối xử; Công ước 138 (năm 1973) về tuổi lao động tối thiểu; Công ước 182 (năm 1999) về chống bóc lột lao động trẻ em; Công ước số 87 “về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức “; và Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”.

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, nhưng từ đó cho đến nay ở Việt Nam chưa hề có một tổ chức công đoàn nào độc lập với tổ chức công đoàn nhà nước. Lý do chủ yếu được cho là có nguyên nhân của chính trị. Hiến pháp Việt Nam nói rằng Việt Nam chỉ có một công đoàn duy nhất là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được định nghĩa là một tổ chức chính trị – xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Như vậy một khi Công ước 87 được Quốc hội Việt Nam phê duyệt theo thủ tục thì các văn bản pháp luật liên quan phải được điều chỉnh để thích hợp tương ứng. Theo đó “quyền về chính trị” cũng đương nhiên phải được Hiến định ở những tổ chức công đoàn độc lập, những hội nhóm xã hội dân sự độc lập – ví dụ như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng…

Khi gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018, Việt Nam sẽ có tối đa 5 năm chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác ở cấp cơ sở, và 7 năm để cho phép các tổ chức này có thể liên kết với nhau để thành lập tổ chức ở cấp cao hơn. Nếu sau 5 năm Việt Nam chưa cho phép thành lập công đoàn tự do thì Việt Nam có thể sẽ bị các nước thành viên CPTPP trừng phạt thương mại.

Nói về khả năng “trừng phạt thương mại”, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong buổi làm việc hôm 14/12 vừa qua ở Mỹ Tho, “hiện nay người ta không mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm. Nhiều nước trên thế giới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và lấy nông dân làm chủ thể”.

Khi chủ thể nông dân bị xâm phạm về quyền, như quyền tự do hiệp hội, tự do chính trị…, thì rất có thể các đơn hàng sẽ bị từ chối giao dịch… Nôm na, chính áp lực từ những hiệp định thương mại tự do đang buộc Việt Nam phải thay đổi hệ thống luật pháp.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)