Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền tự do học thuật trong giáo dục

Mai Lan

 

(VNTB) – “Học để làm việc, Học để sáng tạo, Học trung thực, Học làm người, Học chung sống và Học để tổ chức. Trong đó, học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất”.

 

Thế nhưng khi tự do học thuật bị giới hạn bới định hướng của Đảng, vậy thì làm cách nào cho chuyện “học để sáng tạo”?

“Đính chính” của giáo sư Trần Ngọc thêm

Trong một trả lời phỏng vấn mới đây với báo Người Lao Động, giáo sư Trần Ngọc Thêm có ‘đính chính’ như sau (trích):

“Tại Hội thảo Giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, tôi đã trình bày báo cáo với tư tưởng tổng thể là xây dựng một xã hội phát triển, được cụ thể hóa bằng sáu mục tiêu: Học để làm việc, Học để sáng tạo, Học trung thực, Học làm người, Học chung sống và Học để tổ chức. Trong đó, học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất.

Trọng tâm của báo cáo là nói về việc xây dựng con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết cần xây dựng con người chủ động và trung thực.

Tuy nhiên, sau hội thảo, do dư luận chủ yếu tập trung thảo luận về đề xuất bỏ cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, chỉ là một ý rất nhỏ liên quan việc xây dựng môi trường phát huy tính chủ động và sáng tạo, cho nên đã không thấy được tư tưởng trọng tâm, lại càng không thấy được tư tưởng tổng thể của báo cáo.

Riêng về đề xuất bỏ cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn” thì bên cạnh nhiều người hiểu đúng, cũng có không ít bạn đọc đã không đọc kỹ, dẫn đến hiểu sai ý kiến của tôi, khiến cho cuộc thảo luận bị đẩy đi quá xa”.

Theo giáo sư Thêm, phương Tây không có khẩu hiệu “tiên học lễ” sao xã hội vẫn ổn định và phát triển khá toàn diện?

“Sở dĩ như vậy là vì mọi người đều tôn trọng pháp luật, không có vùng cấm, không có người đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đang cố gắng làm như vậy. Tôi tin rằng khi nào pháp luật được thực thi nghiêm minh và đều khắp, mọi người phạm pháp như nhau đều bị xử lý như nhau, người chống tiêu cực không bị trù dập… thì “tiên học lễ” sẽ trở nên thừa”.

Bao giờ thì chống tiêu cực không bị trù dập?

Theo nhận xét của nhà báo Thu Trân thì có thể lạc quan thấy rằng suốt mấy tháng qua, công dân Nguyễn Phương Hằng liên tục ‘livestream’ tố cáo những hành vi được gọi là tiêu cực tiền bạc của các quỹ từ thiện, mà gần đây nhất là ‘dính’ cả một cựu phó chủ tịch nước, nhưng không bị cấp chính quyền nào trù dập cả.

“Ai bảo đất nước Việt Nam không tự do? Điều này không đúng với chuyện vợ chồng Dũng lò vôi làm mưa làm gió rần rần trên mạng suốt hơn tám tháng qua. Muốn chửi ai chửi, muốn làm gì làm, chỉ để gây tiếng vang, để vớt vát lại uy tín nhằm tiếp tục thực hiện các âm mưu trong câu chuyện làm ăn không rõ ràng của họ. Vợ chồng Dũng đã rải bao nhiêu tiền, bao nhiêu phong bì cho các cấp hữu quan lớn nhỏ để được ung dung tung hoành trên mạng suốt thời gian dài?

Và đã có bao nhiêu trăm tỷ, bao nhiêu đất đai cống nạp cho các thế lực để các thế lực này không thể há miệng vì sẽ bị mắc quai?” – nhà báo Thu Trân lạm bàn về cái giá của “thực thi pháp luật” mà giáo sư Trần Ngọc Thêm nói rằng thời điểm này đúng là “tiên học lễ” chưa thừa chút nào.

Có tự do học thuật chưa mà đòi học để sáng tạo?

Về lý thuyết, mặc dù thuật ngữ “quyền tự do học thuật” không xuất hiện trực tiếp trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam, nhưng bằng các quy định hiện hành, pháp luật Việt Nam vẫn đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển và bảo đảm tự do học thuật.

Đơn cử, Điều 25 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo góc độ giải thích Hiến pháp, quyền tự do học thuật hàm chứa trong quyền tự do ngôn luận vốn được hiến định từ lâu.

Khi mới được ban hành, Luật Giáo dục đại học năm 2012, mặc dù nhấn mạnh tự chủ đại học, cũng không đề cập về quyền tự do học thuật. Cho đến gần đây, lần sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật đã bổ sung điều khoản về quyền tự chủ học thuật của cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, góp phần nâng cao việc bảo đảm quyền tự do học thuật.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có “quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn” (khoản 3 Điều 32) và giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội” (Khoản 7 Điều 55). Cách diễn đạt này thể hiện tinh thần của quyền tự do học thuật.

Thế nhưng trên thực tế thì Việt Nam còn gặp những rào cản đến từ chính trị và kinh tế mà thể hiện rõ nhất là vấn đề “nhà nước hoá”, chính trị hoá trong giáo dục.

Tự do học thuật, phải được hiểu là “sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”. (Theo Bách khoa toàn thư Britannica).

Chân lý cũng sẽ không được hiển lộ trong môi trường bị chính trị hóa hay hành chính hóa cao độ, khi ngân sách nghiên cứu bị phân bổ thiên lệch, không dựa vào chuẩn mực khoa học hay khi giảng viên và nhà nghiên cứu có thể dễ dàng bị cách chức hay hủy văn bằng chỉ vì diễn ngôn các quan điểm không chính thống.

Gần đây, người ta cũng đề cập và chủ trương “tự chủ” đại học, nhưng không phải là một sự tự do học thuật theo tinh thần như cách hiểu trên, mà chủ yếu là khuyến khích các đại học tự lo về tài chính, một kiểu tự chủ không ăn nhập gì với tự do học thuật.

Vậy thì phải “học để sáng tạo” như thế nào đây theo mơ ước của giáo sư Trần Ngọc Thêm?


Tin bài liên quan:

VNTB – Tiếng Việt đang bị bỡn cợt?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự do ngôn luận bị kiểm duyệt 

Do Van Tien

VNTB – Vì sao Quân nhân nhiễm Covid-1 “nguy hiểm” hơn người thường?

Phan Thanh Hung

1 comment

Lâm Thư 01.12.2021 3:31 at 03:31

Gởi ông Trần Ngọc Thêm,
Ở các nước phương tây có tự do dân chủ, người ta không cần đến khẩu hiệu để nhồi sọ dân của họ. Người ta không có khẩu hiệu ‘Tiên học Lễ’ nhưng người dân của họ từ nhỏ được giáo dục về cách cư xử lễ phép với nhau, tôn trọng nhau, giúp nhau khi cần, đối xử công bằng với nhau, tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Người ta làm việc có bài bản – quy củ, chứ không cần hô hào bằng “khẩu hiệu”, không ngụy biện mỵ dân, không nhồi sọ dân.
Còn ở cái xứ xã hội chủ nghĩa VN thì cái bệnh hình thức – bệnh tham quyền háo danh hám lợi – bệnh quỵ lụy ninh bợ đã được hệ thống chính trị độc tài toàn trị phát triển sâu rộng từ trong đảng cầm quyền ra đến quần chúng mấy chục năm nay rồi. “Khẩu hiệu” thì nhiều vô kể, treo vẽ khắp nơi, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến hoặc nếu có quan tâm đến thì lý giải theo cách riêng của mỗi người.
Hãy nhìn vào thực tế, với những việc đang xảy ra. Tại sao 400 lao động xuất khẩu VN làm việc cho nhà thầu Tàu ở Serbia đã kêu cứu cả tháng nay vì họ bị hành xử như nô lệ, nhưng Đảng và Chính phủ csVN vẫn vô tâm – vô tư -vô cảm với họ? Tại sao ông Phú Trọng long trọng trao quyết định cho những đảng viên nghỉ hưu vì họ đã đến tuổi nghỉ hưu, trong khi chính ông Phú Trọng đã quá tuổi hưu lại thêm bệnh hoạn nhưng chính ông ấy thì vẫn miệt mài bám ghế!
Nếu ông Trần Ngọc Thêm muốn dân trí được thăng hoa thì ông nên ra sức triệt tiêu những cản trở mà đảng cầm quyền tạo ra, đó chính là nguyên nhân bất ổn nhất cần phải triệt bỏ đi.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo