Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền tự do tôn giáo “xã hội chủ nghĩa”

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Dường như nhà sư Thích Trúc Thái Minh đang muốn tạo một hướng đi riêng trong chuyện tu hành của chùa Ba Vàng

 

Năm 2023 khép lại với nhiều tin tức ‘giựt gân’, trong đó có vụ “xá lợi tóc Phật” ở chùa Ba Vàng.

Từ hải ngoại, luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra nhận xét rằng việc, “công nhiên phủ nhận yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Thích Trúc Thái Minh ngày càng chứng tỏ sự độc lập của chùa Ba Vàng trước giáo hội. Nhìn tích cực, chùa Ba Vàng đang thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình theo hiến pháp, điều mà hầu hết cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ.

Có thể công chúng không ủng hộ sự việc xá lợi tóc Đức Phật do ông Thích Trúc Thái Minh chủ trì, nhưng với ý nguyện thực hiện quyền tự do tôn giáo của ông ấy, thoát cái bóng của một giáo hội quốc doanh, công chúng nên triệt để ủng hộ”.

“Khen cho chết”, đó có thể là ý tứ trong nhận xét nhiều hàm ý của luật sư Đặng Đình Mạnh. Bởi trên thực tế thì rồi sau khi “phản ứng”, phía chùa Ba Vàng cũng rất nhanh chóng thực hiện điều mà phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra là “yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng gỡ bỏ tất cả thông tin giới thiệu về “xá-lợi tóc Đức Phật” – trích Văn bản số 895/HĐTS-VP1 do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ấn ký ngày 28-12-2023.

Trở lại một chút về lời khen “thoát cái bóng của một giáo hội quốc doanh” mà luật sư Đặng Đình Mạnh đã nhận xét với chùa Ba Vàng.

Cá nhân người viết đồng tình với chuyện dường như nhà sư Thích Trúc Thái Minh đang muốn tạo một hướng đi riêng trong chuyện tu hành của chùa Ba Vàng. Việc thiết kế pháp phục mà các tăng sĩ chùa Ba Vàng là một đơn cử.

Quan sát hình ảnh những bộ pháp phục này, căn cứ vào những lý thuyết pháp phục Phật giáo Bắc truyền Việt Nam, rõ ràng người ta thấy là không phải.

Bình nhật, hầu hết các tăng sĩ Bắc tông đều sử dụng bộ pháp phục đơn giản nâu sồng gần gũi với ruộng đồng dân dã theo tinh thần thiểu dục tri túc. Màu nâu sồng vỏ cây của tăng sĩ miền Bắc hay màu vàng hoại sắc của chư tăng miền Trung, dù có đôi chút khác biệt nhưng vẫn dựa trên tinh thần tùy duyên, vô ngã, vị tha của người con Phật chứ không phân biệt tông môn, pháp phái.

Đó cũng chính là cơ sở để Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1952) quy định thống nhất về vấn đề pháp phục cho tăng ni, cư sĩ Phật giáo Việt Nam như sau: Đối với cư sĩ, mặc áo tràng năm thân màu lam. Sa-di, Sa-di ni mặc áo nhật bình màu lam. Tỳ-kheo mặc áo tràng màu nâu, Tỳ-kheo ni mặc áo tràng lam.

Khi hành lễ, Tỳ-kheo mặc áo tràng (áo hậu) vàng, y vàng; Tỳ-kheo ni mặc áo tràng lam, y vàng. Tuy nhiên, chư tăng, ni miền Bắc vẫn bảo lưu truyền thống pháp phục nghi lễ gồm áo tràng nâu với pháp y màu vàng; trong khi tại miền Trung và Nam Bộ chư tăng ni có phân biệt rõ qua màu sắc áo tràng nâu (tăng) và áo tràng lam (ni). Các truyền thống này, về cơ bản vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.

Tăng sĩ chùa Ba Vàng thường được quảng bá là hay đi khất thực, vậy phải chăng pháp phục lựa chọn là thuộc hệ phái Khất sĩ?

Theo Chơn Lý Luật nghi Khất sĩ quy định pháp phục của một vị tỳ kheo gồm có 3 y: Y thượng bá nạp, y trung và y hạ. Người sơ cơ xuất gia chỉ được mặc bộ đồ màu vàng (kiểu áo vạt hò, quần dài). Riêng Sa di (đã thọ thập giới) được mặc ba y, nhưng y thượng (y trùm ngoài) phải may trơn, không có điều.

Y thượng là loại y choàng bên ngoài có màu vàng sậm, được may bởi nhiều mảnh vải nhỏ ghép lại với nhau. Y thượng có chiều dài 2m70, chiều ngang 1m80, mặc vấn chừa vai và cánh tay phải. Khi ra đường thì phải mặc trùm kín (gọi là y lum). Mỗi vị tỳ kheo chỉ được phép có một y thượng. Mỗi năm vào ngày 15-7 âm lịch mới được phép đổi y. Y thượng thường được mặc khi lễ Phật, Bố tát, truyền giới…

Y trung là loại y mặc giữa thân người, gồm một tấm vải nguyên màu vàng sậm, có kích thước chiều dài 2m, bề ngang 70cm, không may bìa (xếp lai), kết mỗi bên hông một nút quai thắt. Mỗi vị chỉ có một y cũ và một y mới. Y trung của ni lưu có bề dài 1m, bề ngang 70cm, được may theo kiểu áo vạt hò có cánh tay, ống tay, đính, lai, bâu, nút vai thắt, phải có xương sống và vai vuông.

Y hạ là tấm vải nguyên, có bề dài 2m, bề ngang 1m may dính lại, thành ra vuông vức 1m. Bìa trên 10cm, bìa dưới 5cm, màu vàng sậm. Tăng mặc xếp từ hông đến nửa ống chân, ni mặc dún rút từ hông đến ngang mắt cá chân. Mỗi vị chỉ được phép có một y cũ và một y mới.

Về màu sắc pháp phục của hệ phái Phật giáo Khất sĩ , ba y phải cùng một màu (màu vàng sậm). Hiện nay, tất cả các tăng sĩ Phật giáo Khất sĩ gần như mặc đồng bộ màu vàng sậm. Mỗi năm, khi đến mùa Tự tứ, Phật tử dâng y đều phải thống nhất một màu…

Như vậy, với tóm tắt trên khi mang so sánh với pháp phục của tăng sĩ chùa Ba Vàng, cho thấy có những biến tấu như một trang phục mang tính thời trang riêng được thiết kế cho chùa Ba Vàng. Đây phải chăng chính là một diễn giải khác cho cách hiểu về quyền tự do tôn giáo có định hướng chính trị “chủ nghĩa xã hội” của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam?

_______________

Tham khảo:

https://thuvienhoasen.org/a25540/ban-sac-hoa-phap-phuc-phat-giao-viet-nam


Tin bài liên quan:

VNTB – Kịch bản chống dịch Covid thế nào khi biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập Việt Nam?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Có dám xử công khai vụ nhường huy chương karate?

Do Van Tien

VNTB – Tập Cận Bình sẽ thuyết khách ra sao để Hà Nội chấp nhận “chung vận mệnh”?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo