Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cái khó của chấp bút soạn thảo sửa đổi Luật Công đoàn là gì?

Nguyễn Nam (ghi)

(VNTB) – Cái khó đó là vấn đề ý thức hệ, là thực tế Việt Nam chỉ có một đảng chính trị đồng thời cũng là đảng cầm quyền.

Một thành viên (đề nghị không nêu tên) của nhóm soạn thảo dự luật sửa đổi Luật Công đoàn, chia sẻ về những cái khó trong chấp bút với những cân nhắc câu từ, nhằm tránh đến mức thấp nhất các suy diễn (nếu có) về một hướng đi của vấn đề đa nguyên.

***

Luật Công đoàn 2012 quy định những vấn đề căn bản về tổ chức bộ máy công đoàn như: nguyên tắc hoạt động (Điều 6); hệ thống tổ chức công đoàn (Điều 7); bảo đảm về tổ chức bộ máy (Điều 23).

Điều 6 Luật Công đoàn quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn như sau:

“1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Theo Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở trung ương giao Ban Tổ chức Trung ương quản lý; ở cấp tỉnh, cấp huyện giao ban tổ chức tỉnh ủy quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện (Quy định số 212) phân cấp thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy như sau:

(1) Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc; giao và quản lý, quyết định số lượng cấp phó của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh;

(2) Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, quyết định biên chế của các cơ quan.

Thực hiện Nghị quyết 06 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và hoạt động công đoàn trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải được cụ thể hóa, thể chế hóa trong hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản của Tổng Liên đoàn (điều lệ, hướng dẫn…), trong đó, nội dung đề xuất sửa đổi đưa vào Luật Công đoàn là những vấn đề có tính nguyên tắc, căn bản.

Trong khi đó, nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn hiện tại có điểm còn bất cập.

Trên thực tế, tổ chức công đoàn đang được tổ chức và chỉ đạo hoạt động thống nhất từ trung ương đến cơ sở, lương cán bộ và kinh phí hoạt động công đoàn do tổ chức công đoàn (đại diện là Tổng Liên đoàn) đảm bảo.

Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ của công đoàn chủ yếu thuộc thẩm quyền của cấp ủy địa phương, do cấp ủy quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc, quản lý, phân bổ chỉ tiêu biên chế như các đoàn thể sử dụng ngân sách nhà nước (khác với nhiều cơ quan khác trong hệ thống chính trị, cơ quan quản lý ngành dọc đảm bảo lương, kinh phí hoạt động, đồng thời quản lý về tổ chức bộ máy và cán bộ như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Quản lý Thị trường, Kiểm lâm…).

Nguyên tắc tổ chức hiện hành chưa đảm bảo tính chủ động của tổ chức công đoàn trong việc quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc của công đoàn cấp tỉnh; đào tạo, quy hoạch, bố trí và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn toàn hệ thống trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phong phú, phức tạp, đòi hỏi sự linh hoạt; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế trước yêu cầu hội nhập sâu rộng.

Việc phân bổ, bố trí cán bộ công đoàn của từng địa phương và so sánh tương quan giữa các địa phương hiện nay chưa phù hợp với  thực tiễn hoạt động công đoàn. Cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn trong tổng số biên chế được Trung ương giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội có nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác cán bộ công đoàn, không thực hiện được cơ chế điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi cả nước cũng như trong phạm vi của tỉnh, thành phố.

Tổng số biên chế Trung ương giao cho các địa phương chủ yếu căn cứ vào số dân và số lượng đảng viên trên địa bàn, trong khi số lượng cán bộ công đoàn được bố trí cần dựa vào số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn và xu hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Thực tế cho thấy, không phải địa bàn có đông dân cư và nhiều đảng viên thì đương nhiên có nhiều công nhân, viên chức, lao động. Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An có số dân và đảng viên nhiều hơn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, nhưng số lượng công nhân, lao động lại ít hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc cấp ủy quản lý biên chế cán bộ công đoàn dẫn đến khó khăn trong việc điều động cán bộ công đoàn từ địa phương này sang địa phương khác khi có tình huống về quan hệ lao động. Tổng Liên đoàn chỉ đạo hoạt động công đoàn cấp tỉnh (gồm công đoàn địa phương và công đoàn ngành, tổng công ty), nhưng có hai cơ chế quản lý biên chế cán bộ khác nhau: công đoàn địa phương do cấp ủy địa phương quản lý, công đoàn ngành do Tổng Liên đoàn quản lý.

Vì vậy, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tổ chức hoạt động công đoàn tại Điều 6 theo hướng: Công đoàn được thành lập trên sơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thống nhất từ trung ương đến công đoàn cơ sở.

Đồng thời bổ sung vào khoản 2, Điều 23 Bảo đảm về tổ chức, cán bộ như sau: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân bổ cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống trên cơ sở tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Đề xuất sửa đổi nêu trên làm thay đổi trực tiếp thẩm quyền của Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác của Đảng trong việc quản lý tổ chức, biên chế cán bộ công đoàn.

Theo đó, sẽ chuyển thẩm quyền về quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc của công đoàn cấp tỉnh từ cấp ủy địa phương sang Tổng Liên đoàn; phân bổ, quản lý biên chế cán bộ công đoàn từ Ban Tổ chức Trung ương (cấp trung ương), cấp ủy (cấp tỉnh, cấp huyện) như hiện nay sang Tổng Liên đoàn.

Sự thay đổi này sẽ đảm bảo cho tổ chức công đoàn chủ động, linh hoạt trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn hướng tới chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề của tổ chức công đoàn, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, đề xuất thay đổi trên lại chưa phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng như Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của UBMTTQ và tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện”.

Về giải pháp khắc phục, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đang xin ý kiến Bộ Chính trị cho phép sửa; khi được Bộ Chính trị cho phép và Quốc hội thông qua, các quy định của Đảng có thể được sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật. Việc sửa đổi nội dung này không làm thay đổi các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Đảng lãnh đạo công tác cán bộ.

***

Những băn khoăn nói trên của một thành viên nhóm soạn thảo, cho thấy có lẽ ông đang liên tưởng tới câu chuyện của tổ chức Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan. Đây là một liên minh công đoàn, một phong trào chính trị xã hội được thành lập vào tháng 9 năm 1980 tại Xưởng đóng tàu Gdańsk, Ba Lan, dưới sự lãnh đạo của Lech Wałęsa, và là tổ chức then chốt trong việc chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa tại Ba Lan.

Đây là công đoàn đầu tiên trong một nước thuộc khối Warszawa mà không bị kiểm soát bởi một đảng Cộng sản.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thỏa thuận ‘giảm phát thải’ giúp Việt Nam có thêm nguồn ngoại tệ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Nguyễn Xuân Phúc có dám vượt rào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dốt thích nói chữ

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo