VNTB – Rời ghế giám đốc vì “suy giảm 62% khả năng lao động”?

VNTB  – Rời ghế giám đốc vì “suy giảm 62% khả năng lao động”?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Ông Lê Minh Tấn mới 59 tuổi nhưng đã  tham gia cách mạng gần 50 năm (?)

 

Sau đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, khả năng lao động của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn suy giảm 62%. Do đó, ông Tấn xin nghỉ hưu trước tuổi, để về Củ Chi chăm sóc sức khỏe bản thân và mẹ già.

59 tuổi nhưng tham gia cách mạng gần 50 năm (?)

Theo phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM, thì điểm lại gần 60 năm qua, ông Tấn tham gia cách mạng từ độ tuổi thiếu niên, đến nay gần 50 năm công tác. Trong quá trình đó, ông Tấn có 44 năm phấn đấu, học tập, rèn luyện, thử thách và cống hiến tại huyện Củ Chi và 6 năm tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM. Ông Tấn có 3 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, nhận huy hiệu 45 tuổi Đảng.

Tại Quyết định số 07 ngày 29-4-2022do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký cho nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1-5-2022 đối với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Theo quyết định, ông Lê Minh Tấn sinh ngày 15-3-1963 (59 tuổi); nơi cư trú sau khi nghỉ hưu của ông Lê Minh Tấn ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Quyết định trên căn cứ theo các quy định của pháp luật; theo biên bản giám định y khoa ngày 28-4-2022 của Hội đồng Giám định y khoa thành phố và theo đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ngày 14-4-2022 của ông Tấn và theo tờ trình ngày 29-4-2022 của Giám đốc Sở Nội vụ.

Mất khả năng lao động là tình trạng người lao động không còn đủ điều kiện về sức khoẻ để tiếp tục tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.

Trước đây theo Bộ luật lao động năm 1994 được sửa đổi, bổ sung năm 2002, người lao động ở vào tình trạng sau đây bị coi là mất khả năng lao động: bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp mà sau khi đã chữa trị nhưng sức khoẻ vẫn không hồi phục và được xác nhận là không còn khả năng để tiếp tục tham gia quan hệ lao động; người lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; người lao động được cơ quan y tế xác nhận là bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chưa có khái niệm nào quy định về việc mất khả năng lao động. Nhưng ở đây có thể hiểu được mất khả năng lao động là tình trạng người lao động không còn đủ điều kiện về sức khoẻ để tiếp tục tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.

Suy giảm lao động đến mức 62% như trường hợp của ông Lê Minh Tấn là phù hợp theo quy định ở mức từ 61% trở lên.

Các thắc mắc trên nằm trong nội dung của Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Theo Luật bảo hiểm xã hội, tại điều 45 “Giám định mức suy giảm khả năng lao động”, có quy định như sau:

“1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp”.

Tin tức liên quan chưa cho thấy rõ là việc “suy giảm 62% khả năng lao động” của ông Lê Minh Tấn trong thời gian cụ thể nào lúc ông làm giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM?

Dù ở tỷ lệ suy giảm nào thì ông Tấn vẫn chưa thể rời nhiệm sở!

Ông Lê Minh Tấn có thể bị bãi chức Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, nhưng vẫn phải bị buộc tiếp tục ‘ngồi’ lại để chờ giải quyết dứt điểm các tố cáo sai phạm lúc ông là giám đốc sở này.

Và nếu sau này các tố cáo cho kết quả về dấu hiệu vi phạm hình sự, thì liệu mức suy giảm tỷ lệ đến 62% khả năng lao động này có là tình tiết giảm nhẹ đối với ông Lê Minh Tấn hời đang làm giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM trong tình trạng suy giảm 62% sức khỏe lao động?

Trước đó, cơ quan chức năng TP.HCM nhận được các đơn tố cáo ông Lê Minh Tấn về nhiều nội dung. Trong đó, có nội dung tố cáo ông Tấn chỉ đạo 2 người của Sở này dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền đóng góp quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, nhưng lại chi cho các cá nhân ban chỉ đạo của Sở.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Sở đã nộp lại số tiền được nhận. Trong đó, ông Tấn cũng trả lại 4,6 triệu đồng đã nhận trước đó, 2 cán bộ liên quan đã bị kiểm điểm.

Một người đứng tên gửi đơn tố cáo ông Tấn cho biết đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của thành phố nhưng rất lâu không thấy giải quyết nên đã gửi đơn lên cấp cao hơn.

Ngày 24-3, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có phiếu chuyển đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Minh Tấn, đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, giải quyết đúng quy định và thông báo kết quả giải quyết đến Thường trực Hội đồng nhân dân.

Đến ngày 4-5, Văn phòng UBND TP.HCM đã gửi văn bản đến Thanh tra thành phố về giải quyết các đơn tố cáo và phản ánh của báo chí liên quan đến ông Lê Minh Tấn. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo đề xuất hướng giải quyết dứt điểm trình UBND thành phố.

Nhiều người băn khoăn cho rằng, ông Tấn đang trong quá trình xem xét đến những sai phạm theo đơn tố cáo mà cho nghỉ hưu là không ổn. Nếu tố cáo là sự thật thì xử lý thế nào?

Lưu ý, vụ việc cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ cấp tham mưu là Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM khi có tờ trình gửi UBND TP.HCM về quyết định cho phép ông Lê Minh Tấn nghỉ hưu trước tuổi. Bởi theo sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 82 Luật Công chức, cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm,… hoặc thôi việc.

(Tham khảo: http://congbao.chinhphu.vn/thuoc-tinh-van-ban-so-25-vbhn-vpqh-30925).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)