VNTB – “Rút bảo hiểm xã hội một lần”: rối hơn canh hẹ

VNTB –  “Rút bảo hiểm xã hội một lần”: rối hơn canh hẹ

Thới Bình

 

(VNTB) – Giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần không dễ dàng đối với người nhận lẫn bên chi trả.

 

“Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già”…

Đoạn trích trên nằm trong báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Rối hơn cả canh hẹ

Khi giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trên thực tế thì không hề dễ dàng đối với người nhận lẫn bên chi trả.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 quy định: “Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”.

Thế nhưng trong thực tiễn tổ chức thực hiện, phát sinh những trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần bị cơ quan kiểm toán coi là vi phạm điều kiện sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân chính là do phát sinh tăng thu bảo hiểm xã hội sau khi đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần với một số tình huống: Theo quy định tại tiết a Khoản 1 Điều 99 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trường hợp người lao động tiếp tục đi làm ở đơn vị mới nhưng chưa báo tăng, sau khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì đơn vị mới sẽ báo tăng (trong thời hạn 30 ngày) và truy đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sau đó bị thanh tra, kiểm tra buộc phải truy đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019 về kết thúc thời gian thử việc: Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động, hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết, hoặc hợp đồng thử việc.

Lỗi không phải ở người lao động

Thực tế thì một số trường hợp bản thân người lao động không xác định được có vi phạm điều kiện hưởng hay không, do người lao động sau khi nghỉ việc tiếp tục đi làm và giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc chưa phải đóng bảo hiểm xã hội, khi đủ điều kiện đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp thử việc đạt yêu cầu người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động, và phát sinh truy đóng bảo hiểm xã hội từ lúc người lao động giao kết hợp đồng lao động thử việc (trước khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Luật sư Nguyễn Gia Cát Tường nói rằng diễn giải khá rối rắm ở trên vì kết quả tiếp theo đó là việc ‘hồi tố’ của yêu cầu thu hồi khoản tiền đã chi trả “bảo hiểm xã hội một lần”.

“Tôi cho rằng rất phi lý khi các trường hợp trên là nguyên nhân bất khả kháng đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, vì tại thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động đã đủ điều kiện sau một năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội.

Sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đề nghị truy thu (truy đóng) bảo hiểm xã hội cho người lao động (đã được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần) cho khoảng thời gian trong thời gian 1 năm không tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều này dẫn đến, khi cơ quan kiểm toán, thanh tra rà soát dữ liệu giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội thì yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi lại số tiền đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động vì cho rằng họ nghỉ việc chưa đủ thời gian 1 năm đã giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với trường hợp này, hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định hủy quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thu hồi số tiền đã chi trả để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và gộp quá trình đóng trên sổ bảo hiểm xã hội” – luật sư Nguyễn Gia Cát Tường biện giải.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)