Phú Nhuận
(VNTB) – Phục hồi kinh tế TP.HCM không phải là vấn đề của riêng Sài Gòn, mà là vấn đề của quốc gia.
Sài Gòn là địa phương được ghi nhận số nhiễm Covid tích lũy cao nhất Việt Nam trong đợt dịch lần thứ tư này: 417.724 ca, tử vong tính đến ngày 17-10 lên tới 16.189 người.
Những nhận định được đưa ra tại hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025” diễn ra hôm 16-10 sẽ giúp hình dung phần nào về thương đau đã qua ở thành phố này.
Ông Trần Du Lịch – cựu Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho rằng sự thay đổi của thị trường không phải do thị trường tự làm gãy đổ, mà do các biện pháp chống dịch Covid-19 đã làm gãy đổ thị trường.
“Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp hiện nay như một cái lò xo đang bật dậy, nhưng theo tôi, đây không phải là một cái lò xo mà là một chùm lò xo, có cái tự bật lại được, nhưng có cái thì không thể bật lại được. Do đó, chính sách cần phải tác động vào những cái lò xo không thể bật lên được. Đây là vấn đề lựa chọn đối tượng để hỗ trợ, chúng ta không thể làm tràn lan, mà phải có chọn lọc”, ông Lịch nêu quan điểm.
Ông Lịch cho rằng, vị trí và vai trò của TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, nếu Sài Gòn mà “liệt” thì cả nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, phục hồi kinh tế TP.HCM không phải là vấn đề của riêng Sài Gòn, mà là vấn đề của quốc gia. Đặc biệt là liên quan đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
“Phục hồi kinh tế thì không thể dùng cơ chế hiện nay” – đó là nhận định của ông Hoàng Công Gia Khánh, phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Luật.
Ông Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, đối với chính sách tài khoá, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng rất nhỏ, chỉ ở mức 1,9% GDP. Lẽ ấy nên gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể xem xét lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP.
Và TP.HCM phục hồi kinh tế cũng không thể nằm ngoài chính sách của quốc gia. Thành phố cần được tạo điều kiện bằng những chính sách về tài chính, an sinh xã hội, y tế…. Đồng thời, chính Sài Gòn cũng cần chủ động có những chính sách riêng của mình.
Ông Hoàng Công Gia Khánh khẳng định, sự chậm trễ trong ban hành chính sách gây ra tổn thất không thua kém so với tổn thất từ Covid-19. “Phục hồi kinh tế thì không thể dựa trên cấu trúc hiện nay, mà bắt buộc phải dựa trên nền tảng của mô hình mới, cấu trúc mới, tư duy mới. Chúng ta phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định. TP.HCM nếu quan tâm thì có hệ thống chính sách riêng của mình thì tin tưởng rằng kinh tế sẽ phục hồi nhanh” – Ông Hoàng Công Gia Khánh, nói.
Với vô số khốn khó ở trên, song thật bất ngờ khi ngành y tế Sài Gòn đề xuất hỗ trợ thuốc, sinh phẩm, vắc xin phòng Covid cho 11 tỉnh thành miền Nam.
Ngày 15-10, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình gửi khẩn đến UBND TP.HCM về việc hỗ trợ thuốc, sinh phẩm, vắc xin phục vụ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở Y tế, trong thời gian qua, lượng người dân từ TP.HCM trở về địa phương ở các tỉnh, thành miền Tây khá lớn. Trong đó, một số người chưa được chích vắc xin và có thể có kết quả dương tính với Covid-19. Do đó, Sở Y tế đã chủ động có công văn số 7289 ngày 6-10, về việc hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Sau đó, trên cơ sở đề nghị của 11 tỉnh về việc hỗ trợ vắc xin, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM xem xét giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cấp phát kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho sở y tế các tỉnh theo nhu cầu phù hợp với số lượng người dân trở về từ TP.HCM.
Về gói thuốc A và B, sở giao Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp phát cho sở y tế các tỉnh theo nhu cầu điều trị tại nhà cho người bệnh Covid-19 phát hiện sau khi trở về địa phương. Sở Y tế cũng đề xuất UBND TP.HCM xin ý kiến Bộ Y tế về việc giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cấp phát liều vắc xin phòng Covid-19 cho các tỉnh để tiêm cho người dân trở về từ TP.HCM.
Theo bảng tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ của 11 sở y tế, tổng số liều vắc xin là 231.772, bộ xét nghiệm nhanh là 338.063, gói thuốc A là 2.809 túi, gói thuốc B là 6.309 túi…
Nghĩa đồng bào, với người Sài Gòn, đó không phải lời của chót lưỡi – đầu môi!