Hiền Vương
(VNTB) – Ngài Bộ trưởng Y tế xứ Việt tiếp tục bảo lưu ý kiến phải bóc tách F0 để số ca mắc trong cộng đồng giảm liên tục.
Biến thể Delta có thời gian ủ bệnh khá ngắn, và điều này làm cho việc truy vất hoặc ‘xét nghiệm thần tốc’ không có hiệu quả gì nhiều, vì trước khi phát hiện thì nó đã lây lan sang cho người khác. Với hệ số lây lan rất cao (6-7), và khi con virus đã vào một gia đình, thì xác suất cao là toàn bộ gia đình đều bị nhiễm. Trước đây, thì chỉ khoảng 1/3 gia đình bị nhiễm.
Những con số so sánh đầy lạnh lùng
Báo cáo ca dương tính 7 ngày gần nhất của TP.HCM cho thấy tỉ lệ người mắc Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, ngày 8-9 là 7.309 ca; 9-9 là 5.549 ca; 10-9 là 7.550 ca; 11-9 là 5.630; 12-9 là 6.158 ca; 13-9 là 5.446 ca và 14-9 là 6.315. Các con số này tuy có lúc ‘trồi sụt’ nhưng rất ít khi dưới 5.000 ca/ngày.
Với các số liệu nêu trên, theo đánh giá của các chuyên gia thì số F0 đang ‘ẩn nấp’ trong cộng đồng còn khá lớn. Để sớm đạt được tiêu chí mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra, đòi hỏi TP.HCM cần phải kéo dài thêm thời gian giãn cách, song song việc đẩy mạnh xét nghiệm để bóc tách F0 trong cộng đồng.
Nói về tiêu chí mà TP.HCM chưa đạt được trước ngày 15-9, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – chỉ ra có 1 tiêu chí rất khó mà TP.HCM chưa đạt được, đó là “số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất” mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu trong một văn bản hồi hạ tuần tháng 8-2021.
Theo ông Tăng Chí Thượng, biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca. Tuy vậy, căn cứ vào những dữ liệu đang có, có thể đánh giá dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan.
Công bằng mà nói cái vụ tiêu chí 2 tuần lễ là việc ông Nguyễn Thanh Long học thuộc làu các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thế nhưng khi vận dụng khuyến cáo của WHO thì ông Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lại không mạnh dạn quyết đoán, bởi nếu đã xác định phong toả không đem lại hiệu quả, thì phải nghĩ đến dỡ bỏ chánh sách phong toả. Nếu theo WHO thì số ca nhiễm phải được kiểm soát (hiểu theo nghĩa giảm suốt 14 ngày), hệ thống y tế sẵn sàng,… Nhưng có cần theo WHO không? Vì những tiêu chuẩn họ đề ra là chung cho thế giới, còn áp dụng cho từng nơi thì tuỳ thuộc vào điều kiện nơi đó. Vả lại, mấy tiêu chuẩn của WHO giờ cũng lạc hậu trong tình huống đã có vắc xin.
Thắc mắc, nếu ông Bộ trưởng Y tế xứ Việt khăng khăng bảo thủ là đúng, thì hóa ra ngài Bộ trưởng Y tế của Thái Lan là dốt đặc cán mai à?
Nhìn từ Thái Lan rồi ngẫm lại Việt Nam
Bác sĩ Lương Trường Sơn, cựu phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, đã làm một so sánh như sau để thấy rằng dường như rất cần xem lại vì sao ngài Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lại ‘bảo thủ khoa học’ đến như vậy.
Cập nhật trên trang web https://www.worldometers.info/coronavirus/, cho thấy số ca mắc của Thái Lan cao hơn Việt Nam là 2,5 lần. Chết ở Việt Nam cao hơn Thái Lan là 2,5 lần (tính theo tỷ lệ chết/ ca nhiễm). Tỷ lệ khỏi (hồi phục) của Việt Nam là 63%; ThaiLand là 90%.
Biện pháp can thiệp, theo bác sĩ Lương Trường Sơn, số tests Việt Nam dùng nhiều gấp 3,3 lần Thái Lan (tính tỉ lệ tests/ 1 triệu dân số). Số vắc xin chích cho dân chúng, tính đến ngày 14-9-2021, thì Thái Lan có tổng là 40,3 triệu liều; 39,1% dân số được chích ít nhất 01 liều; Số người đã chích đủ liều là 12,4 triệu người, chiếm 17,7%.
Việt Nam có tổng 29,3 triệu liều; 24,8% dân số được chích ít nhất 01 liều; Số người đã chích đủ liều là 5,33 triệu người, chiếm 5,5%.
Các thống kê kể trên chưa nói lên điều gì, vì cả hai nước cũng đều mới chích đây, trong vòng hai tháng.
Kết quả phòng chống dịch sau 14 ngày, Bangkok mở cửa hoàn toàn từ 1-9-2021. Ghi nhận về số ca mắc mới và tử vong hàng ngày như sau: Ngày 1-9: 14.802 ca mới; tử vong 252. Ngày 2-9: 14.956/ 262. Ngày 3-9: 14.653/ 271. Ngày 4-9: 15.942/ 257. Ngày 5-9: 15.452/ 224. (…). Ngày 8-9: 14.176/ 228. Ngày 9-9: 16.031/ 220. Ngày 10-9: 14.403/ 189. Ngày 11-9: 15.191/ 253. Ngày 12-9: 14.029/ 180. Ngày 13-9: 12.583/ 132. Ngày 14-9: 11,786/ 136.
So sánh tương tự ở Việt Nam. Ngày 1-9: 11.434/ 803. Ngày 2-9: 13.197/ 271. Ngày 3-9: 14.922/ 308. Ngày 4-9: 9.521/ 347. Ngày 5-9: 13.137/ 281. (…). Ngày 8-9: 12.680/ 424. Ngày 9-9: 12.420/ 345. Ngày 10-9: 13.321/ 275. Ngày 11-9: 11.932/ 273. Ngày 12-9: 12.026/ 261. Ngày 13-9: 11.172/ 381. Ngày 14-9: 10.508/ 276.
Không thể chống dịch bằng… tuyên bố
Bác sĩ Lương Trường Sơn biện giải: “Thái Lan rất năng động trong Chiến lược phòng chống, không cứng nhắc về mặt thời gian đã đề ra trước đó. Họ thay đổi chiến lược dựa vào xu hướng thế giới và thực tế tại Thái Lan.
Thái Lan rất mạnh về hệ thống y tế cơ sở (Bộ Y tế cộng đồng – Ministry of Public Health), mà cả thế giới đều đến Thái Lan để học về lĩnh vực này, kể cả Mỹ, Nhật và các nước châu Âu: Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care Management). Tôi cũng từng học ở đó, PGS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khán chữa bệnh của Bộ Y tế và rất nhiều bác sĩ Việt Nam cũng từng học ở Thái Lan.
Ngoài ra, đất nước Thái Lan là đất nước của Phật giáo. Trong đại dịch này, muốn phòng chống dịch có hiệu quả, chúng ta phải dựa vào khoa học và thực tế, không chỉ là khoa học y học mà còn cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và cả khoa học về tâm linh nữa (!?)”.
Thật ra các phản biện kể trên của bác sĩ Lương Trường Sơn, dường như ông đều quên mất một điều cốt lõi vốn là đặc trưng của thể chế chính trị đơn nguyên: Trước một chủng virus độc lực mạnh, lây lan nhanh và không biết vâng lời như SARS-CoV-2, việc phòng chống lâu nay của Việt Nam là dựa trên những tuyên bố duy ý chí của một số lãnh đạo.
Đơn cử những mẫu câu sau đây khá quen thuộc trên báo chí suốt gần hai năm qua, và có lẽ nó không chỉ được áp dụng với riêng đại dịch Covid, mà còn linh hoạt cho nhiều việc khác nữa từ quá khứ đến tương lai:
“Với việc ‘nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế’, ‘trên cơ sở quán triệt vận dụng chỉ đạo của Tổng bí thư/ Thủ tướng’, với những sự ‘khẩn trương, thần tốc, quyết liệt triển khai các giải pháp đáp ứng với tình hình mới’, tỉnh XYZ sẽ phấn đấu đến ngày ABC, sẽ ‘cơ bản chuyển hóa’ vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng bình thường mới”.
Không nói đâu xa, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào sáng 30-8, với 6 giải pháp trọng tâm, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã hạ quyết tâm từ ngày 5 đến 19-9 sẽ không để phát sinh F0 và phủ kín vùng xanh. Thực tế là từ ngày 5-9 đến nay, trung bình mỗi ngày Đồng Nai có thêm hơn 800 ca nhiễm mới.
Ý chí quyết tâm là điều tốt, nhưng để hiện thực hóa quyết tâm ấy cần phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như tình hình thực tiễn tại địa phương.
Thay lời kết
Nếu gần như cả thế giới chấp nhận chung sống với Covid, thì một nước hội nhập sâu với thế giới như Việt Nam sẽ không thể có một lựa chọn khác.
Muốn lựa chọn khác, thì bắt buộc phải cô lập đất nước hoàn toàn với thế giới. Đây chưa chắc đã là một sự lựa chọn tối ưu. Hơn thế nữa, đối với Việt Nam, mọi chuyện đã trở nên quá muộn cho một lựa chọn như vậy.
Các chỉ thị phòng chống dịch 15, 16 mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã soạn rồi ‘dùi’ cho Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi nào, là soạn khi cả hệ thống chính trị đang rập khuôn Trung Quốc trong thực hiện mục tiêu Zero-Covid.