Mỹ Tiến
(VNTB) – Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thu thập sinh trắc học là nhằm giảm thiểu tình trạng mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng.
Từ ngày 1/7/2024, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các khách hàng muốn thực hiện giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực khuôn mặt hoặc vân tay trên ứng dụng của ngân hàng. Điều này nhằm đảm bảo rằng chính chủ đang thực hiện giao dịch và đồng thời bảo vệ an toàn cho tài khoản của họ.
Theo ngân hàng nhà nước Việt Nam, việc thu thập sinh trắc học là nhằm giảm thiểu tình trạng mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng. Ngoài ra cũng đảm bảo an toàn cho khách hàng phòng trường hợp hacker có mật khẩu, hay mật khẩu chỉ sử dụng một lần – OTP cũng không thể chuyển tiền của khách hàng với số lượng lớn.
Tuy nhiên, quá trình cập nhật này không dễ dàng, và rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tự cập nhật sinh trắc học. Việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học không đúng hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu cập nhật lại từ đầu. Hoặc như trường hợp điện thoại không có đầu đọc NFC (Near-Field Communication – kết nối không dây trong phạm vi ngắn) cũng không thể tự xác thực sinh trắc học, ứng dụng ngân hàng yêu cầu đưa căn cước công dân áp sát vào điện thoại di động tại vị trí có đầu đọc NFC . Ngoài ra, các thiết bị điện thoại khác nhau có đầu đọc NFC ở những vị trí khác nhau, người dùng gặp khó khăn trong việc quét chip căn cước công dân qua NFC.
Với những khó khăn đó, người dân muốn cập nhật sinh trắc học phải trực tiếp đến trụ sở ngân hàng để giao dịch viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học. Không ít người dân phải xin nghỉ làm một ngày, xếp hàng rồng rắn ở trụ sở ngân hàng chỉ vì sinh trắc học.
Người dân cứ nghĩ cập nhật sinh trắc học sẽ đảm bảo an toàn cho tài khoản ngân hàng của bản thân, thì mới đây trên Tiktok xuất hiện một đoạn clip, khách hàng dùng ảnh tĩnh để “qua mặt” sinh trắc học của app ngân hàng BIDV, và bất ngờ hơn là khách hàng này vẫn dễ dàng chuyển đi 21 triệu đồng một cách dễ dàng. Ở một clip khác trên Tiktok, dù đã che tên ngân hàng nhưng mọi người vẫn nhận ra đó là app ngân hàng TPbank, thủ thuật cũng dễ dàng vượt qua bước xác thực sinh trắc học chỉ bằng 1 tấm ảnh tĩnh.
Sinh trắc học cập nhật khó khăn nhưng lại dễ dàng bị “qua mặt” đến như thế. Vậy mục đích thu thập sinh trắc học của ngân hàng nhà nước Việt Nam có thật sự là để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hay chỉ nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin dữ liệu của người dân?
Một người dùng Tiktok để lại bình luận: “Bỏ công đi làm giờ còn nguy hiểm gấp 10 lần”.
Một người dùng tiktok khác cũng chia sẻ: “công nghệ AI bây giờ dựng ảnh động, video từ ảnh tĩnh một cách dễ dàng. Vậy mà chỉ cần ảnh tĩnh cũng có thể vượt qua bước sinh trắc học, không biết có ổn không đây?”
Trao đổi với phóng viên VNTB, anh P xin phép được giấu tên vì lý do an ninh cho biết: “tôi đã mất cả ngày ở ngân hàng để cập nhật sinh trắc học, vậy mà mấy hôm nay khi thấy những đoạn clip dùng ảnh tĩnh vẫn vượt qua được khiến tôi rất hoang mang. Rốt cuộc Nhà nước đang đề ra biện pháp bảo vệ tài sản người dân hay đang cố gắng thu thập thông tin mọi cách có thể nhằm kiểm soát triệt để tài chính của người dân?”
Như vậy, mới trôi qua 12 ngày kể từ ngày bắt buộc phải xác thực sinh trắc học cho những giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc tổng chuyển khoản trên 20 triệu đồng/ ngày, nhưng những hứa hẹn giảm thiểu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì không thấy đâu. Giờ chỉ thấy người dân gặp khó khăn trong việc cập nhật sinh trắc học, cung cấp ngày càng nhiều thông tin cá nhân cho Nhà nước mà thôi.