Triệu Tử Long
(VNTB) – Có đồn đoán các ông trùm nhà băng như Trầm Bê, Trần Bắc Hà (1956 – 2019) từng là ‘tay hòm chìa khóa’ của ngài Ba X.
Người Hoa ở Chợ Lớn thường duy trì chuyện làm ăn, bằng việc bang hội của họ thỏa thuận chọn những tài phiệt nào đó để làm ‘kinh tài’ cho chính khách ngay tại địa phương, và có thể ở cấp cao nhất mà họ có thể ‘lobby’ được.
Hàn Quốc là một ví dụ. Nhờ quyền lực kinh tế, các tài phiệt (tức Chaebol) đóng một vai trò rất quan trọng trong các vấn đề chính trị tại Hàn Quốc. Như vào năm 1988, chủ tịch của tập đoàn Hyundai lúc bấy giờ là ông Jeong Mong-jun đã trúng cử một ghế trong Quốc hội Hàn Quốc. Một số lãnh đạo tài phiệt khác cũng trúng cử đại biểu quốc hội thông qua cơ chế đại biểu tỷ lệ.
Người dân Hàn Quốc thập niên 1990 có một câu đùa như thế này: “Nếu nhân viên của các Chaebol vô tình bắt gặp một con gấu trong rừng, họ sẽ làm gì?”.
Câu trả lời: “Nhân viên của Hyundai sẽ ‘đập’ chết con gấu ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ gì cả. Nhân viên Daewoo sẽ gọi điện cho Chủ tịch Kim Woo-jung và chờ đợi mệnh lệnh của ngài. Nhân viên Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp ngay trước mặt con gấu để đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Nhân viên LG sẽ chờ đợi phản ứng từ phía Samsung và sau đó… bắt chước y hệt”. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về hình ảnh của các Chaebol trong mắt người dân Hàn Quốc.
Phát triển dưới sự bảo hộ của chính phủ cùng mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị gia, các tập đoàn Chaebol Hàn Quốc không chỉ giàu mà còn có tầm ảnh hưởng chính trị. Các chính trị gia thường dựa vào sự hậu thuẫn về chính trị và tài chính của các tập đoàn này trong quá trình vận động bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tại Quốc hội.
Nhìn sang nước Mỹ, theo CNN, các tập đoàn lớn tại Mỹ khẳng định sự ủng hộ dành cho ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2016, bởi ông hứa hẹn cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định kiểm soát kinh doanh.
Khi mới nhậm chức, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Cuối năm 2016, tổ chức Business Roundtable tuyên bố đánh giá cao đội ngũ kinh tế của tổng thống và những lời hứa hẹn giảm thuế. Một năm sau đó, ông Jay Timmons – CEO Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia Mỹ – lên tiếng thúc giục các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Trump. “Quốc hội phải lên con tàu của ông Trump”, ông Timmons khẳng định.
Ông Trump đã ban hành các đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp sâu rộng với lời hứa tạo ra một bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế. Ngoài cắt giảm thuế, ông Trump còn bắt đầu làn sóng cắt giảm các quy định kiểm soát kinh doanh – điều mà cộng đồng doanh nghiệp đã khao khát sự thay đổi trong suốt 8 năm của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Trump cũng bổ nhiệm các thẩm phán đứng về phía doanh nghiệp trong Tòa án Tối cao.
Nhưng mối quan hệ bắt đầu rạn nứt vào mùa hè năm 2017. Đầu tiên, các chủ doanh nghiệp, bao gồm cựu CEO Disney Bob Iger và CEO Tesla Elon Musk, chỉ trích việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Nhiều CEO cũng bất đồng với ông Trump về vấn đề xung đột chủng tộc và nhập cư…
Trở lại với câu chuyện Việt Nam.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có con gái lớn là chủ nhà băng tư nhân, hai người con trai thì theo con đường chính trị như người cha, và những người thân của thủ tướng đã rất khôn ngoan tận dụng sức mạnh dòng tộc này để làm những cú áp phe kinh tế lẫn chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dính nhiều đồn đoán trong các mối quan hệ với giới tài phiệt trong ngành ngân hàng, mía đường, báo chí…
Có câu hỏi đặt ra từ liên tưởng thời sự bên Mỹ: Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, dường như là vũ khí để Dân chủ và Cộng hòa sử dụng, nhằm mục đích hạ bệ đối phương. Vaccine Covid-19 cũng được coi là vũ khí. Theo quy định, quân đội Mỹ không được triển khai quân ở các tiểu bang, nhưng để phân phối vaccine thì Trump được quyền điều động quân đội đi thực hiện. Hơn 6.200 vệ binh quốc gia đã được điều đến Washington.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng dàn nội các đã ghi điểm trong mắt người dân nhờ vào thành quả phòng dịch Covid-19 và tránh được đổ vỡ nền kinh tế khi phải đối mặt với dịch bệnh dằn dai.
Không chỉ vậy, với sự ủng hộ ngay từ đầu của Thủ tướng Chính phủ, rất nhanh, một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến dần đến thành công trong sản xuất vắc xin nội địa cho phòng con virus SARS-CoV-2, với dự kiến vào giữa năm nay sẽ có những lô vắc xin thương mại đầu tiên xuất xưởng. Đây chính là những ‘tài phiệt vô tình’ cho lá phiếu giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể lên cao hơn nữa ở ghế chót vót quyền lực nhất Việt Nam.
Thế nhưng không ít lắc đầu hoài nghi, bởi đâu chỉ “30 chưa phải là Tết”, mà ở Việt Nam từng có “mùng Một chưa hẳn được ăn Tết”, đó là câu chuyện của Mậu Thân, 1968…