Hoài Nguyễn
(VNTB) – Diễn biến ở ngày đầu tiên phiên tòa phúc thẩm vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, theo tường trình của báo chí, cho thấy nếu cáo buộc vi phạm hình sự thì đó phải là tội vu khống.
Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa tuyên ngày 21-7-2022, bị cáo Lê Tùng Vân và 5 bị cáo khác ngụ nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai” cùng phạm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2-11-2022, ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai (ngụ TP.HCM) là cha, mẹ ruột của Võ Thị Diễm My – cô gái đã tuyên bố “đi tu” tại nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai”, và sau đó mất tích đến nay. Ông Thắng, bà Mai tham dự phiên tòa với vai trò người làm chứng.
Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo, ông Thắng và bà Mai khẳng định, vào ngày 19-12-2019, Diễm My đã trở về nhà của ông Thắng, bà Mai (TP.HCM) để sinh sống trong thời gian 6 tháng. Sau đó, Diễm My đã bỏ nhà đi…
Từ khi Diễm My bỏ nhà ra đi cho đến nay, ông Thắng và bà Mai không gặp lại Diễm My, cũng không liên lạc được.
Mặc dù, ông Thắng, bà Mai đã dùng nhiều cách; đồng thời có đơn gửi Công an TP.HCM và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, Công an huyện Đức Hòa mong muốn tìm kiếm con gái của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, cha, mẹ ruột của Diễm My vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về con gái của mình.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm công bố video được đăng trên các kênh “5 chú tiểu”, “Thiền am bên bờ vũ trụ” thể hiện các bị cáo kéo tới Công an huyện Đức Hòa làm loạn, la ó, tố công an bắt cóc Võ Thị Diễm My.
Trong video có tiếng hô lớn “công an bắt cóc, công an bắt cóc người”, kết quả giám định xác định giọng nói này của bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên.
Đại diện Công an huyện Đức Hòa xác nhận, video này được quay tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa và được tung lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu, xúc phạm tới cơ quan công an.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, các bị cáo Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên khai, sở dĩ các bị cáo quay video này là nhằm mục đích giữ lại làm bằng chứng vì lo sợ việc Diễm My bị bắt cóc tại Công an huyện Đức Hòa vào ngày 12-12-2019.
“Đề nghị hội đồng xét xử tìm kiếm Diễm My. Diễm My cần phải xuất hiện tại phiên tòa để làm rõ mọi việc”, bị cáo Nhất Nguyên nói.
Có mặt tại tòa, ông Trần Quốc Thắng (điều tra viên, Công an huyện Đức Hòa) cho biết ngày 12-12-2019, ông được ban chỉ huy công an huyện giao giải quyết đơn của vợ chồng bà Mai về hành vi giam giữ trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân.
“Khi giải quyết tin báo, tôi có mời Võ Thị Diễm My và ông Thắng, bà Mai lên làm việc. Quá trình làm việc, Diễm My không hợp tác, cán bộ công an không ghi lời khai được, nên giao My cho ba mẹ ruột”, ông Thắng trình bày.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Sơn (Trưởng công an huyện Đức Hòa – đại diện bị hại) cho rằng video quay tại Công an huyện Đức Hòa gây ảnh hưởng đến công an huyện trong việc bắt giữ người trái pháp luật, đề nghị hội đồng xét xử xét xử nghiêm nhằm răn đe.
Theo tường thuật của báo chí, trước khi diễn ra phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo công tố viên, các bị cáo ở Tịnh thất Bồng Lai đã bàn bạc, dàn dựng, đăng tải các video lên mạng xã hội nhằm xuyên tạc, sai sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự Công an huyện Đức Hòa và nhiều tổ chức, cá nhân.
Như vậy nếu như các tình tiết mà báo chí tường thuật là đúng, thì ở đây tội danh vi phạm nếu có, đó là hành vi của tội vu khống.
Cụ thể, với việc ghi video tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa của nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai, nhằm xuyên tạc sự thật, thì đó là vu khống theo Điều 156, Bộ luật hình sự 2017 quy định như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với 02 người trở lên; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người đang thi hành công vụ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Vì động cơ đê hèn; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tổng hợp các nội dung trên cho thấy giả dụ việc ghi video tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa được cho là vi phạm pháp luật, thì đó chỉ là tội danh vu khống, và mức án cao nhất với hành vi này ở nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai là 3 năm.