Quang Thành
(VNTB) – Bỏ qua những nội dung tin bài lá cải, nịnh bợ như ‘đèn đom đóm’ hay ‘đi chợ trả tiền’, người viết cho rằng, sự công tâm trong đánh giá ông Huệ là một việc nên làm, và chúng ta vẫn phải cần thêm một thời gian để ông Huệ phô bày thực tài của mình.
Tuy nhiên, dưới góc độ người viết, ông Huệ vẫn là gương mặt sáng của ‘quê choa’ và trong bộ chính trị Việt Nam hiện thời. Nếu so với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thì thực tài và khả năng điều hành kinh tế của ông Vương Đình Huệ vượt trội hơn hẳn. Nếu đặt trong hoàn cảnh ông có thể tiếp cận chức vụ Thủ tướng trong thời kỳ tới thì người viết vẫn đặt ra hy vọng về một nền kinh tế Việt phát triển bền vững hơn.
Lý do gì khiến người viết kỳ vọng như vậy?
Đầu tiên là vào những ngày cuối tháng 5-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Quyết định này xuất phát từ khi Bộ Chính trị có quyết định phân công ông Huệ làm Trưởng ban kinh tế Trung ương. Quyết định này cũng đồng nghĩa, đưa người đứng đầu ngành nóng (Bộ Tài chính) phải về ngồi bàn giấy (thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền, các ban bệ của Đảng là hết sức mờ nhạt). Và theo như báo chí mô tả, ông Huệ đã từ chối phát biểu trước Quốc Hội liên quan đến sự kiện này. Hành vi này cho thấy một quan điểm điền đạm và hợp lý, khi vai trò chính trị bị các nhóm lợi ích phong toả.
Điểm thứ hai cần nhắc đến là Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, với tư cách là Phó thủ tướng, ông Vương Đình Huệ đã có những chia sẻ cực kỳ đúng đắn và khoa học về bài toán phát triển kinh tế Việt Nam, không chỉ liên quan đến trọng tâm phát triển, mà cả vấn đề FDI.
Ông “cảnh báo về việc chọn nhiều trọng tâm, trọng điểm” trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân phát cho mỗi tỉnh thành là một mũi nhọn, một đầu tàu. Điều đó không chỉ nhấn mạnh tính tập trung, trọng tâm nền kinh tế. Mà cho thấy góc nhìn của ông Vương Đình Huệ là dựa trên nội lực của mỗi tỉnh thành, cẩn trọng trong phát triển lợi thế hơn là ban phát các liều doping cho các tỉnh thành đến mức các tỉnh thành rơi vào trạng thái ảo tưởng.
Ông Vương Đình Huệ còn đề cập đến một thiếu hụt liên quan đến chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng, dẫn đến hoàn cảnh không xác thực được số liệu thống kê, và cả chỉ số tăng trưởng hằng năm cũng đều bị nghi ngờ. Điều này là cần thiết để minh bạch nền kinh tế và đảm bảo các số liệu chuẩn để phát triển thực nền kinh tế quốc gia.
Đối với vấn đề FDI, ông đề cập đến lựa chọn “doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, có chuỗi giá trị, thân thiện môi trường”. Những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cần có ở một chính phủ kiến tạo, nó đảm bảo loại bỏ các doanh nghiệp FDI mà nguy cơ công nghệ cũ, thiếu chuỗi giá trị và chứa đựng khả năng huỷ hoại môi trường như Formosa từng tồn tại. Chấm dứt biến Việt Nam trở thành nơi xuất khẩu các mặt hàng gia công dựa trên nhân công giá rẻ, thuế quan trải thảm, và thực hiện các hành vi “chuyển giá” gây bất lợi cho ngân sách nhà nước. Quan điểm thu hút doanh nghiệp FDI của ông Vương Đình Huệ cũng dẫn dắt các chủ trương, chính sách (nếu có) bám sát theo và đưa Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn liên quan đến tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cũng như tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi mà các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại, đảm bảo Việt Nam phát triển “bền vững” hơn trong tương lai.
Điều thứ ba, là khi ông Vương Đình Huệ họp với các doanh nghiệp, cơ quan xăng dầu nhấn mạnh “thanh tra, minh bạch”. Ông cũng tuyên bố sẽ thay ngay doanh nghiệp nếu như không làm được, cũng như khẳng định ”doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước”. Tuyên bố này, cùng với quan điểm trong Hội thảo về kinh tế nêu trên cho thấy phần nào đó, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao tính minh bạch trong nền kinh tế, hiểu tác dụng tích cực của nó. Và ông sẵn sàng răn đe nhóm lợi ích nếu như điều đó đi ngược lại sự minh bạch.
Ông Vương Đình Huệ thực tài có thể so với Thống đốc Nguyễn Văn Bình về mặt tư duy, điều hành kinh tế. Và điều này nên được xem là điểm sáng. Đó là lý do vì sao người viết nhận thấy, ông Vương Đình Huệ không chỉ giỏi về thực học, và việc ông từng đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho thấy thực lực của ông. Con đường chính trị của ông Vương Đình Huệ khá khó khăn, có lúc tưởng chừng như về hưu non. Nhưng thời vận của ông đã không dừng tại đó, và có lẽ Thủ đô Hà Nội sẽ trở nên ổn hơn dưới thời kỳ của Bí thư thành uỷ Vương Đình Huệ, cũng như đây sẽ là điểm nhấn cho ông tiếp cận ghế Thủ tướng trong tương lai. Một vị trí mà ông Huệ xứng đáng ngồi trong dãy bộ mặt Uỷ viên Bộ chính trị hiện nay.