Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tâm tình với doanh nhân Lê Phước Vũ

Nguyễn Hoàng Hải

(VNTB) – Lời ông nói, chẳng khác nào ông tạt vào nỗi đau của đồng loại bằng những ngôn từ sặc mùi tiền bạc như muốn chứng tỏ mình là người có danh vọng và quyền lực.
Kết quả hình ảnh cho hinh anh Lê Phước Vũ
Hình ảnh Chủ tịch Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ

Nghe dự án làm thép của tập đoàn Hoa Sen group sắp triển khai tại Cà Ná-Ninh Thuận, tôi có vài lời gởi đến tập đoàn Hoa Sen, sau khi nghe được những lời phát biểu đầy hùng hồn có đôi chút máu lửa của một doanh Nhân từng trải và đầy quyền thế như ông Lê Phước Vũ đây.
Lời đầu, tôi muốn gởi lời cảm ơn tập đoàn Hoa Sen Group đã có những năm tháng đồng hành cùng với chương trình vượt lên chính mình, mang lại sự giúp đỡ tức thời cho những hoàn cảnh ngặt nghèo. Dù rằng, đó là sự hiển nhiên của xã hội khi những đồng tiền lợi nhuận có được đó cũng từ những người đã đóng góp ủng hộ khi tiêu dùng sản phẩm của Hoa Sen.
Tôi muốn nói, không rõ tự bao giờ, dân ta có câu nói rất hay, rất văn hóa:”Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Câu nói này được lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành nề nếp, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Sâu hơn, vẫn là nhân cách của con người cao hơn “vật chất” trong câu nói đó.
“Mâm cỗ” mà Doanh Nhân Lê Phước Vũ dọn ra để mời gọi cổ đông quả thật là hấp dẫn, một dự án thép đầy tham vọng mà “có thể” sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn Hoa Sen. Nhưng, cũng có thể vì quá tham vọng mà mang trong mình sự chủ quan nông nổi.
“Lời chào”, nghĩa là lời nói, có nồng nhiệt, có thân thiện, có tâm thật sự hay không, mới chứng tỏ phẩm chất một con người có phép tắc, lễ nghĩa với một nền giáo dục tốt, và đậm chất văn hóa của dân tộc. Đó mới là “phương tiện”, mang lại hơi thở cho xã hội.
Tiếc rằng, ông chủ của tập đoàn Hoa Sen lại nóng nảy bằng những lời nói thật sự không hay chút nào. Bỏ qua, những lời xúc xiểm giữa ông và cánh nhà báo mà ông đã đề cập trong cuộc họp, vì nó chỉ mang hơi hướng trục lợi cá nhân với nhau mà ra cớ sự.

Ở đây, tôi chỉ đề cập đến cộng đồng xã hội mà tôi là một cá nhân trong đó.

Tôi, thật sự sốc khi nghe ông nói “ngu gì không làm thép”, “chỉ mới Formosa xảy ra thôi đã lớn chuyện”. Thật sự,không biết ông nghĩ gì khi nói ra như vậy?
Lẽ nào ông nghĩ, Formosa gây ra thảm họa là chuyện của họ, không liên quan gì tới ông?

Lẽ nào ông nghĩ , nơi bốn vùng biển trải dài 205km bị nhiễm độc, không thuộc nơi ông sắp làm dự án là Cà Ná-Ninh Thuận?
Tôi đặt ra câu hỏi, không hẳn là sự tức tối để đặt ra, mà khắc khoải trong tôi là một nỗi buồn vô tận khi mà tâm tính, nhân cách, đạo đức của con người ngày càng lún sâu một cách nhẫn tâm để rồi dẫn đến đối xử với nhau cứ y như là mình không phải là đồng loại của nhau vậy.
Là một Doanh Nhân, khi biết về thảm họa Formosa, chắc hẳn ông cũng đã tìm hiểu nguyên nhân và thiệt hại. Riêng tôi, nhận thấy thiệt hại, qua lăng kính của xã hội là một nỗi thống khổ tận cùng của những ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp, cho đến những ngành nghề gián tiếp, cũng như chiều dài 205 km bờ biển đang bị nhiễm độc mà không biết cho đến bao giờ mới hồi phục lại được.
Về nguyên nhân, có thể tôi và mọi người không hiểu rõ bằng ông. Bởi lẽ, có quá nhiều khuất tất vẫn chưa được mổ xẻ, xử lý, sự việc đến cùng một cách minh bạch và rõ ràng. Những gì tôi và mọi người thấy được sau năm tháng là mỗi hộ dân được hỗ trợ 15 kg gạo qua hai đợt. Tiền đền bù thiệt hai thì chưa có, hệ lụy là gần một ngàn em vẫn chưa nhập học vì cha mẹ của các em chưa có đủ tiền để trang trải những khó khăn trong cuộc sống thường ngày.v.v.
Như vậy, lời ông nói, chẳng khác nào ông tạt vào nỗi đau của đồng loại bằng những ngôn từ sặc mùi tiền bạc như muốn chứng tỏ mình là người có danh vọng và quyền lực.
Thiết nghĩ, một doanh nhân khôn ngoan thì chắc ai cũng gối đầu câu tục ngữ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Câu tục ngữ cũng cần hiểu sao cho một cách thấu đáo. Đừng chủ quan cho mình là giỏi mà quên đi tình người trong xã hội khốn khó này.
Ngoại trừ một lẽ, khi ông thấy sự đền bù của Formosa cho thảm họa là không bao nhiêu, cộng với pháp lý ràng buộc khi thảm họa xảy ra chỉ là những động thái úp úp mở mở, mà chính quyền sở tại và thậm chí cao hơn nữa không muốn đưa sự việc ra minh bạch vì có thể đã “nhúng chàm sâu rộng” vào trong dự án. Từ đó, ông mới mạnh miệng nói ra những lời như vậy chăng?
Tôi nghĩ, Doanh Nhân Lê Phước Vũ có thể trở thành doanh nhân của thời đại này, khi và chỉ khi ông biết đau cùng với nỗi đau của ngư dân, cùng hợp sức với nguyện vọng của người dân là không muốn Formosa tồn tại, khởi tố Formosa đã bức tử biển nhiễm độc, phục hồi lại hệ sinh thái biển vốn từng đã có sự dồi dào về hải sản, đó là sự sống bao đời nay của ngư dân cũng như bao ngành nghề khác gắn liền với biển.
Lúc đó, chắc chắn ông sẽ được mọi người tung hô, ủng hộ ông, theo từng sản phẩm mà tập đoàn ông làm ra, chứ không như hiện tại, khi mới chỉ nghe cụm từ” dự án thép Cà Ná-Ninh Thuận” mà 93 phần trăm bạn đọc của báo người Lao Động khi hỏi về dự án, không những không đồng tình mà còn khiếp sợ khi nghe nói đến. Mà con số đó chỉ là khảo sát riêng của báo Lao Động mà thôi.
Tôi bày tỏ với ông bằng những lời lẽ chân tình và thẳng thắng từ lòng mình. Không biết tôi có chủ quan, khi nghĩ rằng, ông sẽ suy nghĩ và lùi laị dự án để suy tính thiệt hơn cả tình và lý cho dự án này.

Điều cuối cùng, là mong muốn tập đoàn Hoa Sen Group, cùng đồng hành chia sẻ những khốn khổ về vật chất cũng như tinh thần với những người dân của bốn vùng biển đã bị ảnh hưởng, bằng những hành động sâu sắc hơn, chứ không phải là hành động triển khai cho bằng được dự án mà bất chấp và thờ ơ với tất cả những gì đã xảy ra. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Nhớ mẹ!

Phan Thanh Hung

VNTB- Trầm kha: Nhịn ăn không quen

Phan Thanh Hung

VNTB- Cơn ác mộng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo