Thạch Hãn
(VNTB) – “Đôi khi bộ trưởng không phải chuyên môn trong ngành sẽ dũng cảm quyết định những vấn đề quan trọng, quyết tâm vì người dân, vì sự phát triển của ngành…”.
Cựu phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan có các phát biểu thẳng thắn đến mức sốc tại nghị trường về chuyện “nhắn gửi” tân Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan: “Bao nhiêu đời bộ trưởng trước đây có trình độ chuyên môn cao trong ngành cũng chưa giải quyết được. Đôi khi bộ trưởng không phải chuyên môn trong ngành sẽ dũng cảm quyết định những vấn đề quan trọng, quyết tâm vì người dân, vì sự phát triển của ngành”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đã sử dụng cụm từ “đôi khi” cho hy vọng của “nói thẳng để Bộ trưởng Y tế biết đang tiếp nhận gia tài thế nào”:
“Mỗi người dân, bạn bè của tôi nói đi vào viện bây giờ thiếu thuốc, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân chịu đau đớn tự đi mua, bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy, chúng ta tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân”;
“Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi”;
“Cứ kêu gào thiếu thuốc, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng chỉ đạo xử lý, nhưng gốc rễ vấn đề ở đâu? Về đãi ngộ nhân viên y tế đến giờ đã tăng được đồng nào chưa?”;
“Ngành y tế không thiếu những người có trình độ để làm, nhưng làm sao để kết hợp lại và phát huy được. Còn như hiện nay, cứ theo cơ chế cũ, lối mòn, những cơ chế cũ kỹ, lạc hậu cuối cùng người dân là người phải trả giá khi chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng của ngành đi xuống” …
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy “nói thẳng mặt” tân Bộ trưởng Y tế và cũng từng là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, rằng, “không chỉ là thiếu thuốc mà tới đây là thiếu trang thiết bị y tế như các máy cao cấp xạ trị, CT. Đây là các loại máy gần như độc quyền, chỉ một hãng, một nhà phân phối. Ví dụ, máy CT của hãng A, bóng đèn 3 – 4 tháng phải thay, nhưng nếu làm hồ sơ thầu ghi mua của hãng A thì vi phạm vì là chỉ định thầu.
Đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá nhưng chỉ một hãng độc quyền thì lấy đâu ra 3 giá. Nên bây giờ các máy cao cấp ở các bệnh viện hư không tài nào sửa được. Sắp tết rồi, anh em bệnh viện Chợ Rẫy máy CT hư mà như ngồi trên lửa vì không biết làm sao mua để thay được” – ông Nguyễn Tri Thức nêu và cho rằng, bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo. Lý do, người có tiền thì ra bệnh viện tư, nhưng giá dịch vụ tư cao hơn bệnh viện công. Người có tiền không phải lo lắng, nhưng còn người nghèo thì quyền lợi nằm ở đâu?
“Cuối cùng người nghèo vào bệnh viện công trong khi bác sĩ giỏi, tinh hoa đã ra khu vực tư. Người giàu sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn. Đây đâu phải sự công bằng trong chăm sóc y tế, tạo ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” – ông Nguyễn Tri Thức kết luận.
Và sự thật trên cho thấy quả tình như ý kiến gay gắt đến mức bức bối của bà Phạm Khánh Phong Lan đề cập ở đầu bài viết này, đó là, “mỗi người dân, bạn bè của tôi nói đi vào viện bây giờ thiếu thuốc, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân chịu đau đớn tự đi mua, bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy, chúng ta tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân” …
Như vậy, nếu Điều 4 của Hiến pháp 2013 về “lãnh đạo toàn diện của Đảng” là có thật, thì việc truy cứu trách nhiệm cuối cùng ở đây thuộc về người đứng đầu Bộ Chính trị.