VNTB – Tân Chủ tịch nước Tô Lâm là ai? ( bài 1)

VNTB – Tân Chủ tịch nước Tô Lâm là ai? ( bài 1)

 

Quang Nguyên 

 

(VNTB) – Thành tích của Bộ Trưởng Tô Lâm hơn hẳn các bộ trưởng công an tiền nhiệm. 

 

Bài 1: Các chiến công lẫy lừng của nguyên Bộ Trưởng Công An Tô Lâm

 

Ngày 22 tháng 5. 2024,  Quốc Hội Việt Nam đã “nhất trí” bầu Đại Tướng Tô Lâm, nguyên Bộ Trưởng Công An, làm Chủ Tịch Nước. Đây có lẽ là lúc thích hợp nhìn lại thành tích thời ông tân chủ tịch nước nắm công cụ đàn áp, thanh gươm của đảng cộng sản Việt Nam.

Được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bật đèn xanh, thành tích của Bộ Trưởng Tô Lâm hơn hẳn các bộ trưởng công an tiền nhiệm. 

Cơ cấu tổ chức của Bộ Công An

Từ ngày được thành lập, lực lượng công an đã là một nỗi sợ hãi cho người dân Việt (1). Dưới thời Tô Lâm, bộ này càng phình to hơn,  về quân số hơn bội phần công chức, có lẽ đông hơn quân đội, về  khí tài phục vụ đàn áp nhân dân và bảo vệ đảng có lẽ  hiện đại,  tối tân và nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó còn lực lương dân phòng có thể lên đến vài triệu người luôn đi cặp kè, chung sức với công an trong mọi tình huống.(2) 

BCA được tổ chức dưới sự chỉ huy tập trung và cơ cấu phân cấp, bảo đảm mức độ phối hợp cao trong hoạt động của cảnh sát trên toàn các xã, huyện, thị xã, tỉnh trên nhiều khu vực địa lý. Từ biên giới đến hải đảo, từ cao nguyên đến đồng bằng, không đâu vắng bóng công an sắc phục và công an chìm.

Trong nhiều trường hợp, cảnh sát địa phương có thể phối hợp với cảnh sát tỉnh hoặc cảnh sát quốc gia, đặc biệt là trong các cuộc đột kích quy mô lớn.

Bộ Công an thực hiện nhiều vụ vi phạm nhân quyền

Theo Báo cáo Quốc gia về Thực Hành Nhân Quyền năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ những báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh [Việt Nam] đã có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền.

Theo HRW, Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền, “trong nhiều thập niên qua, lực lượng cảnh sát Việt Nam, hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Công an, đã đánh đập, tra tấn và ngược đãi vô số người bị giam giữ mà gần như không bị trừng phạt.”

 Năm 2018, một liên minh các tổ chức nhân quyền đã đệ trình một báo cáo chung lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc, ghi lại việc sử dụng rộng rãi hình thức tra tấn ở Việt Nam, việc miễn tội có hệ thống cho những kẻ lạm dụng, và việc Chính phủ Việt Nam thiếu hành động cụ thể để giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi tra tấn một cách hiệu quả. Báo cáo đặc biệt tập trung vào các vụ lạm dụng xảy ra tại các đồn cảnh sát, trại tạm giam và nhà tù hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Công an.

Trong Báo cáo Quốc gia về Thực Hành Nhân Quyền năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vai trò toàn năng của BCA Việt Nam trong việc đàn áp các quyền tự do và trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền cũng như sự thiếu trách nhiệm của cơ quan này. 

Để tránh sự chỉ trích của quốc tế, lực lượng cảnh sát thường sử dụng đặc vụ mặc thường phục để hành hung những người bất đồng chính kiến, đe dọa các nhà lãnh đạo tôn giáo, và giải tán các cuộc biểu tình.

Tổ chức HRW cho rằng  “mặc dù không thể xác định được mối liên quan chính xác giữa bọn côn đồ và chính phủ, nhưng trong một quốc gia cảnh sát được kiểm soát chặt chẽ, có rất ít hoặc không nghi ngờ gì rằng chúng liên kết và phục vụ theo lệnh của các cơ quan an ninh nhà nước.”

Ngày 11/12/2009, Bộ Công an ký Quyết định số 4058/QD-BCA thành lập Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) trực thuộc Bộ Công an. Đây là lực lượng cảnh sát bán quân sự, thực hiện các biện pháp vũ trang để “bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Trong Bộ Công an, cảnh sát cơ động, còn được gọi là cảnh sát chống bạo động, là lực lượng có xu hướng vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ( Pháp lệnh 08/2013/UBTVQH13 ) cho phép lực lượng cảnh sát cơ động có hành động hạn chế quyền con người, quyền công dân. 

Cảnh sát cơ động thường xuyên được chính quyền huy động để cưỡng chế thu hồi đất. Những hoạt động như vậy thường liên quan đến việc đàn áp người biểu tình bằng bạo lực. Những ví dụ bao gồm cuộc tấn công làng Đồng Tâm ở Hà Nội năm 2020, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2014, tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng năm 2012, đàn áp Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo ở Phú Yên năm 2012, chống lại Giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng năm 2010. Mới đây nhất, ngày 20 tháng 2 năm 2023, cảnh sát cơ động đã tấn công dã man những người biểu tình ôn hòa phản đối việc tùy tiện trưng thu đất nông nghiệp của họ.(3)

Ngày 14 tháng 6 năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm này. Chính thức trao cho cảnh sát cơ động thẩm quyền hạn chế nhân quyền và dân quyền trong những trường hợp mà cảnh sát cơ động cho là những trường hợp đặc biệt. Luật cũng quy định việc “chống đối hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động” là bất hợp pháp(4). Luật mới này khiến cảnh sát cơ động trở thành một công cụ hữu hiệu hơn nữa của chế độ để đàn áp nhân quyền và dân quyền một cách thô bạo.

Hưởng ứng tích cực với luật này, đến cuối năm 2022, 15 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thành lập các tiểu đoàn hoặc trung đoàn cảnh sát cơ động (CSCĐ) dự bị để trấn áp biểu tình. Lực lượng CSCĐ nay đã tăng lên hàng sư đoàn (5).

Bắt cóc những người bất đồng chính kiến ngoài lãnh thổ Việt Nam

Dưới thời Tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã thực hiện hành vi bắt cóc ngoài lãnh thổ chưa từng có, bị một số nước châu Âu, Liên Hiệp quốc và Hoa Kỳ lên án nặng nề.

Tháng 7/2017, Mật vụ Việt Nam ngang nhiên bắt cóc cựu đảng viên Trịnh Xuân Thanh ở ngay thủ đô nước Đức chỉ vài giờ trước cuộc phỏng vấn tị nạn theo lịch trình của ông với Văn phòng Liên Bang về Di Cư và Tị Nạn Đức (BAMF), đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, khiến chính phủ Đức gọi vụ việc là một “vi phạm trắng trợn và chưa từng có tiền lệ đối với luật pháp Đức và quốc tế.”

Chưa đầy 18 tháng sau, ngày 26/1/2019, Bộ Công An tra tay bắt cóc Trương Duy Nhất, blogger vạch trần tham nhũng cấp cao trong chính quyền, tố cáo đất đai, tại Bangkok, Thái Lan, với sự giúp đỡ của cảnh sát Thái Lan. Vào thời điểm đó, ông Nhất là một cộng tác viên thường xuyên cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) do Hoa Kỳ tài trợ.

Tháng 4 năm 2023, Công an  Việt Nam đã bắt cóc ông Thái Văn Đường, tị nạn chính trị tại Thái Lan từ năm 2019 và đã được Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok cấp quy chế tị nạn.

Gần đây nhất Ngày 14/3/2024 Công an Việt Nam đến khu tị nạn người Thượng ở Thái Lan để truy lùng một số người.  Những công an này nêu đích danh người họ đang truy lùng là ông Y Quynh Buon Dap (6).  

Đàn áp dân Đồng Tâm

Đầu năm 2020, một vụ án giết người kinh hoàng đã gây chấn động cả nước. Trong đêm khuya, 9 tháng 1, khoảng ba nghìn sĩ quan, binh lính thuộc lực lượng cảnh sát cơ động và lực lượng đặc nhiệm đột kích làng Đồng Tâm ở ngoại ô thành phố Hà Nội, giết chết ông Lê Đình Kình, và bắt giữ 29 dân làng. 

Bộ Công an sau đó đã tiến hành săn lùng trên toàn quốc, bắt giữ tất cả những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo lên tiếng ủng hộ dân làng Đồng Tâm như gia đình bà Cấn Thị Thêu cùng các con Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương… 

Những người nông dân Đồng Tâm đã bị toà tuyên các bản án nặng nề với hai án tử hình, một án chung thân cho các con, cháu của ông Lê Đình Kình.

Đàn áp quyền hội họp và hiệp hội ôn hòa

Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các cuộc biểu tình ôn hòa. Vào tháng 11, 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ ủng hộ việc thông qua Luật Biểu tình, tuy nhiên, Quốc Hội Việt Nam đã nhiều lần trì hoãn việc thông qua luật này do sự phản đối của BCA. Gần đây nhất, dưới áp lực của bộ này, Quốc hội đã loại Luật Biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự năm 2020 và 2021 vì sợ “thế lực thù địch”(7). Đến nay, năm 2024, quốc hội vẫn phớt lờ dự luật biểu tình.

Chỉ vài tuần sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, Tướng Tô Lâm đã ra lệnh đàn áp tàn bạo trên toàn quốc những người biểu tình ôn hòa sau khi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan  cho đổ chất thải độc hại ra biển làm ô nhiễm khoảng 200 km đường ven biển và gây ra thảm họa sinh thái nghiêm trọng nhất trong lịch sử đương đại của Việt Nam(8).

“Khi các cuộc biểu tình và yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tiếp tục diễn ra trong năm 2017, chính quyền đáp trả bằng các mối đe dọa, quấy rối, hăm dọa và bạo lực thể xác đối với những người liên quan đến việc tổ chức và gửi đơn khiếu nại. Những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động tham gia tổ chức biểu tình đang ngày càng trở thành mục tiêu.”(9) 

Đến đầu năm 2022, tổng cộng 14 người biểu tình và ủng hộ đã bị kết án tổng cộng 133 năm tù, chưa kể thời gian quản chế sau khi ngồi tù. 

Vào tháng 6 năm 2018, Bộ Công an đã triển khai hàng nghìn cảnh sát cơ động để giải tán bằng bạo lực các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối dự thảo luật an ninh mạng và đặc khu kinh tế (SEZ). Các cuộc biểu tình rầm rộ đã được báo cáo tại ít nhất 9 tỉnh và thành phố trên khắp Việt Nam.

Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, công an cho biết đã bắt giữ 310 người biểu tình trong ngày đầu biểu tình.  Việc công an sử dụng các hình thức tra tấn và đánh đập đã được báo cáo lại, với ít nhất hai nạn nhân là công dân Mỹ là nạn nhân. Các vụ bắt giữ trên toàn quốc khiến khoảng 73 cá nhân bị tình nghi tổ chức biểu tình hoặc bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình bị kết án từ 5 tháng quản chế đến 8 năm tù giam.

 

 

(*) Loạt bài viết này sử dụng một số tài liệu của BPSOS đã được cho phép.

__________________

Tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/sao-lai-so-cong-an-336996.html..

2. https://www.youtube.com/watch?v=y7WPFanFXxI.

3. Lâm Đồng: Cảnh sát cơ động trấn áp người dân trong lễ khởi công Dự án hồ chứa Ta Hoét (Lam Dong: Mobile police suppress people during the groundbreaking ceremony of Ta Hoet Reservoir Project, RFA, February 21, 2023,

4. https://vietnamlawmagazine.vn/law-on-mobile-police-49020.htm

5. https://antv.gov.vn/chinh-tri-xa-hoi-E3223AB43/hon-16-000-tan-binh-buoc-vao-khoa-huan-luyen-tai-bo-tu-lenh-canh-sat-co-dong-77D495228.html

6. https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-an-viet-nam-truy-lung-nguoi-thuong-ty-nan-tai-thai-lan/

7. (Again postponing the Law on Demonstrations for fear of “enemy forces”!), Radio Free Asia, May 12, 2020, available at: https://www.hrw.org/news/2018/06/15/vietnam-investigate-police-response-mass-protests#

8. Overview of Formosa Industrial Pollution: We Chose Fish, Legal Initiatives for Vietnam

9.“Crackdown on Formosa Spill Activists Continues,” Amnesty International, June 1, 2017.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)