Đập dâng Lạc Tiến bị nứt “như tường nhà” sau 2 tháng sử dụng. Ảnh: Vietnamnet |
Dù đã báo cáo kết quả lên UBND tỉnh Hà Tĩnh và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng đến nay sự cố vẫn chưa được giải quyết.
“Sự cố võng mái và dầm trải đều tại tất cả các gian của nhà điều hành và hệ thống thân đập”, theo Vietnamnet.
Trả lời về vấn đề này với báo giới, GĐ Cty CP ĐT&PT Vũng Áng (Chủ đầu tư) ông Trần Quang Thưởng, cho hay, “Những vết nứt này là do mái võng kéo các cột trụ, nó sẽ tách phần các cột trụ co giãn không như thiết kế.”
Và để khắc phục, theo ông Thưởng, sẽ có hai phương án, một là sẽ dùng sắt chữ Y chống đỡ, hai là làm cọc bê tông chống lên.
Tham nhũng và vô trách nhiệm
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng công trình xây dựng được đầu tư ngàn trăm ngàn tỉ đồng bị xuống cấp sau một thời gian ngắn sử dụng. Bởi xây dựng đầu tư cơ bản, là một trong những trọng điểm về tham nhũng và thất thoát ngân sách tại Việt Nam.
Theo đánh giá, phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát trong các công đoạn, từ khâu lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt cho đến thi công, nghiệm thu, quyết toán. Với thủ đoạn chủ yếu là gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu, khai khối khối lượng và giá trị thiết bị vật tư…. Điều này khiến các công trình luôn bị đội vốn nhưng chất lượng lại tỉ lệ nghịch.
Ngoài ra, điệp khúc “không sao” khi chống chế về sai phạm công trình của các chủ đầu tư, chính quyền cũng thể hiện sự bàng quan, vô trách nhiệm trong giám sát, đầu tư công trình cơ bản – sử dụng vốn nhà nước.
Năm 2012, báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “Huyện Chư Pảh (Gia Lai): Cầu sập liên tiếp, dân kêu, chính quyền làm ngơ?”, khi trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pảh, ông Quang cho biết: “Sau khi cầu sập huyện đã báo cáo tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh điều tra nguyên nhân cầu sập nên huyện không nắm về vấn đề này. Nhưng theo nhận định khách quan, cầu sập là do mưa lũ tạo dòng lớn làm trống chân trụ giữa của cầu làm cầu tạo thành chữ V chứ không sập. Với lại cả hai cây cầu đều là vốn của tỉnh và trung ương nên huyện không quản lí.”
“Cầu chữ V” và sự xuống cấp của đập dâng Lạc Tiến, một công trình thủy lợi công cộng cũng được chủ đầu tư cho rằng “Hiểu nôm na giống như tường nhà bị nứt thôi” cho thấy, sự nhờn luật và không có ràng buộc về mặt pháp lý cũng khiến cho các vụ tham nhũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Ngăn chặn tham nhũng cơ bản bằng cơ chế PACS
Hiện nay, vấn đề ngăn chặn tham nhũng ở lĩnh vực đầu tư cơ bản là điều cấp thiết, các giải pháp đề ra trong ngăn chặn phải mang tính toàn diện, tập trung và hệ thống. Tất cả yếu tố đó phải đảm bảo tính minh bạch từ khâu bắt đầu dự án cho đến quản lý trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
PACS, một hệ thống do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đề ra được xem như một giải pháp có tính ứng dụng cao. Với hai thành phần là tiêu chuẩn PACS (biện pháp chống tham nhũng tích hợp) và khuôn mẫu PACS ) quá trình thực hiện các tiêu chuẩn PACS đã nêu), nó nhấn mạnh tính nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, và sự giám sát chặt chẽ từ phía chính quyền. Quy tắc ứng xử cũng như những ràng buộc pháp lý, cùng với hệ thống giám sát, giám định độc lập sẽ khiến cho việc thất thoát trong đầu tư, và sự xuống cấp của công trình, cũng như quả bóng trách nhiệm sẽ chấm dứt. Việc quy định và giám sát độc lập trong chọn lựa các đơn vị tham gia dự án cũng được xem như là một cách thức để ngăn chặn tình trạng chính quyền bắt tay quan hệ trong chọn thầu, một nguyên do mang tính chất cơ bản trong tham nhũng lĩnh vực xây dựng công.
1. Hệ thống đánh giá và giám sát dự án độc lập với các bên tham gia thực hiện dự án, việc chọn đơn vị giám sát dự án phải là sự thống nhất giữa chủ đầu tư, nhà tài trợ và đơn vị trúng thầu
2. Thông tin đấu thầu rộng rãi: Quy định đã có tại nhiều quốc gia tuy nhiên thông tin này cần phải được công khai trong suốt thời gian thực hiện dự án để có sự giám sát không chỉ bộ phận trung gian mà cả các tổ chức xã hội về thời gian, tiến độ, vốn và các gói thầu
3. Cam kết của các chủ đầu tư được thể hiện trong các hợp đồng: Các cam kết không để xảy ra tham nhũng phải được ràng buộc trong các hợp đồng.
4. Cam kết của các nhà quản lý không để xảy ra tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản
5. Minh bạch các gói thầu phụ: Không thể không thừa nhận việc các nhà thầu sử dụng các nhà thầu phụ, tuy nhiên để hạn chế tối đa việc chia nhỏ để dễ làm sai thì chủ đầu tư cũng phải yêu cầu đơn vị thi công công bố chi tiết các gói thầu phụ được thuê khoán.
6. Nâng cao nhận thức hạn chế tham nhũng cho các nhân viên tham gia dự án bằng việc đưa ra các bộ quy tắc ứng xử trong công việc và bộ xử phạt hợp lý nếu để vấn đề tham nhũng xảy ra.
7. Sự giám sát của chính các nhà tài trợ bằng kênh giám sát trung gian thông qua các báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ. Việc thực hiện chế độ báo cáo sẽ là một bằng chứng quan trọng trong việc giám sát các chủ đầu tư.
8. Tuân thủ các tiêu chuẩn đã đưa ra ở trên cùng với những ràng buộc về pháp lý nếu các bên không thực hiện
9. Thiết lập hệ thống báo cáo giám sát nội bộ linh hoạt cũng như kênh liên lạc thông suốt với các bên giám định độc lập
10. Sử dụng các hình phạt như hủy thầu, cấm tham gia các dự án tiếp theo, phạt tiền, công bố danh sách đen trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thí điểm cấm các đơn vị này không được tham gia các dự án xây dựng hoặc bị cấm tiếp cận với thị trường xây dựng, có thể là tạm thời, cũng có thể là vĩnh viễn.