Thới Bình
(VNTB) – Tháng tư, với người Sài Gòn thì đây là tháng của đong đầy hoài niệm…
Nhiều câu thơ, tản văn được viết tản mạn như che giấu ẩn tình u uất về thời cuộc. Họa sĩ Nguyễn Hữu Chinh viết: “Tháng tư năm ấy chia xa, em hẹn anh mười năm sau gặp lại, chốn hẹn hò là Passages Eden Saigon (hành lang Eden này nằm gọn giữa 4 con đường: Tự Do – Lê Thánh Tôn – Lê Lợi – Nguyễn Huệ), dù sống chết cũng phải quay về…
Mười năm sau, anh đến Passage Eden chờ em không gặp, rồi mười năm, mười năm sau nữa… tới khi chốn hẹn hò này chỉ còn là phế tích.
Em ơi!
Chốn hò hẹn em ơi giờ hoang phế
Giữa lòng anh xanh mãi dấu rêu xưa…”.
Với người viết bài này thì mỗi lần ngang qua con đường Đồng Khởi (xưa là đường Catinat/ Tự Do), như vẫn thấy thấp thoáng đâu đây quá vãng của một thuở xưa.
Nhạc sĩ – nhà thơ Vũ Ngọc Giao thì chọn đăng những thi phẩm của các chiến hữu gợi nhớ một thời mà bè bạn và cả ông nữa khoác chiến y dưới màu cờ Việt Nam Cộng Hòa:
TỤI TAO GÁNH MÀY VỀ
Đinh Tường, 1979.
Mầy bỏ cuộc chơi sao sớm quá
Khi mà mái tóc vẫn còn xanh
Chiến trường khốc liệt đầy bom pháo
Để lại mầy đây, dạ chẳng đành!
Rừng sâu đạn giặc cày tơi tả
Kếm tạm làm đòn một khúc cây
Cột chặt chân tay treo lủng lẳng
Gánh đi lúc lắc, tội thân mầy!
Sống chết, lính Dù không bỏ bạn
Bông băng chẳng đủ, biết làm sao?
Từng dòng máu đỏ còn ri rỉ
Thấm ướt nhung y, đẫm chiến bào.
Nếu có thằng Tây nào chụp được
Hình này đăng báo, cũng đành thôi!
Sa trường ai tiếc đời trai trẻ
Lính chiến ra đi bất phản hồi.
Đất nước còn mịt mù khói lửa
Mầy đi rồi sẽ tới phiên tao
Bây giờ đạn dược không đầy đủ
Chỉ đánh cầm rai chớ cách nào.
Tao gánh mầy đi, đầu chúc xuống
Băng ca chẳng có để mầy yên
Cho mầy an giấc về thiên cổ
Bỏ hết âu lo , hết lụy phiền.
Ráng chút nữa thôi, về với Mẹ!
Ngày xưa mầy khóc, Mẹ ru hời
Bây giờ, Mẹ khóc đưa con trẻ
Ôm xác con mà nước mắt rơi.
Những ai đã chết vì sông núi
Sẽ sống muôn đời với núi sông
Bốn bốn năm rồi chưa ráo lệ
Khóc bao tử sĩ chết oai hùng.
Với người viết bài này thì có thể Sài Gòn ngày xưa còn là thành phố của sự khập khiễng của một bên là những biệt thự kín cổng cao tường với các cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, một bên là khu ổ chuột, chênh vênh trên dòng kinh nước đen với thằng Chí con Mén, thằng Sớm con Mơi… đen nhẻm, mình trần trùi trụi, suốt ngày rong ruổi phơi nắng gió ngoài đường để nhặt từng đồng bạc lẻ. Thế nhưng Sài Gòn vẫn được nhìn nhận là một thủ đô của tự do đúng theo nghĩa của từ này.
Chỉ với tự do nên sau 49 năm cứ mỗi lần nhắc kể lại chuyện làng báo Sài Gòn châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi “Tổng thống Thiệu” là “Tổng thống Thẹo”, “Sáu Thẹo”, hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là “Ông già tủ lạnh”, người Việt Nam Cộng Hòa chẳng ai biết sợ.
Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục ”Tin vịt nghe qua rồi bỏ” trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích. Người ta không thấy bất cứ ai bị đe dọa ra tòa thượng thẩm bởi án hình, như kiểu các điều luật 117, hay 331 như bây giờ.
Tháng tư trong nỗi nhớ của người viết bài này còn là hàng cây cao bóng cả của đại lộ Lê Lợi, của cổ thụ trên đường Cường Để mà sau 49 năm đã thành cổ tích, với khung trời Văn Khoa của Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa – Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà – Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố – Lá đổ để đưa đường – Hỡi người tình Trưng Vương (Con đường tình ta đi – Phạm Duy)…
1 comment
“Tháng tư, với người Sài Gòn thì đây là tháng của đong đầy hoài niệm”
Nhưng với những người Tp Hồ Chí Minh thì đây là tháng chuẩn bị cho những ngày lễ lớn của dân tộc
“Con đường tình ta đi – Phạm Duy”
Cho hợp với tình hình mới Con đường tình ta chống gậy đi về – Phạm Duy, Hỡi người tình Nguyễn Thị Minh Khai
Con gái trường NTMK cũng nổi tiếng đẹp 1 thời, hổng bít có còn lại không ? Ngay cả những khu bịt thự trên đường Điện Biên Phủ, cũng cán bộ cấp cao mới có đủ tiu chửn để hưởng . Con gái của họ, theo riêng tớ, cũng khá đẹp . i know one, ok, more than one. but one, in particular