Lynn Huỳnh
(VNTB) – Từ điển tiếng Việt giải thích, động từ ‘đối kháng; có nghĩa là đối lập sâu sắc, một mất một còn, không thể dung hoà được với nhau.
Từ điển tiếng Việt còn cho biết đồng nghĩa với ‘đối kháng’ là ‘đối địch’, phân định thắng thua bằng cách đối chọi trực tiếp với nhau. Thi đấu đối kháng là một ví dụ.
Như vậy, trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định ở Chương XIII, Bộ Luật hình sự hiện hành, thì điều luật thứ 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, không có dáng dấp của động từ ‘đối kháng’. Bởi trên thực tế chẳng có bất kỳ một nhóm xã hội dân sự nào, thậm chí ngay cả nhóm quyền lực kiểu ’12 sứ quân’, lại đủ sức để có thể phân định thắng thua bằng cách đối chọi trực tiếp với một nhà nước có cả bộ máy quân sự chính quy.
Ở đây, liên quan đến các nội dung trong điều 117 là hàng loạt yêu cầu được nêu ở Chương XV, “Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”.
Cụ thể, điều 163 “Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân”, quy định:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Dẫn đến biểu tình; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Điều 167 “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”, quy định:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm”.
Từ hai điều luật hình sự viện dẫn ở trên, cho thấy xét trong trường hợp tạm gọi theo ngôn ngữ thường thấy của nhà chức trách là “động cơ phạm tội”, thì rõ ràng là việc thông qua các bài viết với những căn cứ lập luận theo các quyền công dân được Hiến định – với cụ thể nhà báo Phạm Chí Dũng, hay có thể là cả người viết báo tự do Lê Hữu Minh Tuấn, thì đó không phải là ‘đối kháng’ của hành vi ‘chống’, mà mô tả đúng ở đây, ‘động cơ phạm tội’ là kêu gọi cho thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin.
Trong một bài viết thuần về kỹ thuật làm luật mà trang Việt Nam Thời Báo có đề cập khi ghi nhận ý kiến của thầy giáo Ngô Huy Cương, “Việt Nam chưa có mô hình pháp luật rõ ràng?” (*), thì rất có thể một trong những duyên cớ đưa đến chụp chiếc mũ hình sự hóa khi người dân yêu cầu thực thi các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, là vì “khác với pháp chế xã hội chủ nghĩa nơi đòi hỏi mọi cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân phải tuân thủ pháp luật một cách vô điều kiện, nhà nước pháp quyền chỉ đòi hỏi nhà nước phải tuân thủ pháp luật để bảo vệ tự do cá nhân của con người. Hai vấn đề này có thể có sự khác biệt về mục tiêu chính trị – pháp lý” (nguồn đã dẫn).
________________
Chú thích:
(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-chua-co-mo-hinh-phap-luat-ro-rang