Hoài Nguyễn
(VNTB) – Lâu nay nhân danh bảo vệ chế độ, người ta sẵn sàng bỡn cợt cả Hiến pháp và pháp luật.
“Có dân nước nào chạy 1.500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó”…
Đây là vấn đề được nữ giảng viên Anh ngữ Trần Thị Thơ của trường đại học tư thục Duy Tân đặt ra với sinh viên trong tiết học trực tuyến.
Hệ thống an sinh của Việt Nam tốt đến cỡ nào trên… tivi?
Theo bài báo đăng trên tờ Công an TP.HCM, thì tình tiết được tóm tắt như vầy:
Ngày 3-8, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 4 phút với phần tranh luận giữa sinh viên và giảng viên trường đại học Duy Tân Đà Nẵng trong buổi học qua ứng dụng Zoom.
Nữ giảng viên đặt câu hỏi với sinh viên: “Cô hỏi em này! Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa?”. Sinh viên trả lời: “Em không thuộc diện hỗ trợ”.
Cô: “Em đã tiếp cận được vaccine chưa?”. Sinh viên trả lời: “Chính phủ đang tập trung cho Sài Gòn”. Cô nói tiếp: “Chuyện dịch là chuyện trên toàn thế giới. Có dân nước nào chạy 1.500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?”.
Sinh viên: “Em cảm thấy là cô đang xúc phạm rất nhiều người. Kể cả người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng”.
Cô: “Cô cảm thấy nhục nhã khi đồng bào của mình chạy 1.500 cây số về. Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó. Tại sao cũng là người mà khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên đèo Hải Vân (giáp ranh Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế) coi kìa, đó mới là sự nhục nhã”.
“Hôm nay cô không tranh luận với em điều này nữa. Chúng ta không đồng quan điểm. Sự nhục nhã của em với sự nhục nhã của cô hoàn toàn khác nhau”. (dừng trích).
Vẫn theo báo chí, clip này do chính sinh viên chủ động phát tán, lan truyền trên mạng xã hội. Ngay sau khi nắm bắt sự việc, trường đại học Duy Tân yêu cầu giảng viên và sinh viên viết tường trình vụ việc. Video cũng được gỡ khỏi trang cá nhân sinh viên.
Báo Đà Nẵng số phát hành ngày 9-8-2021, đưa tin, “Đây là nữ giảng viên môn tiếng Anh của trường. Ngay sau khi nắm thông tin sự việc, nhà trường tạm đình chỉ công tác giảng viên này. Hội đồng quản trị họp kỷ luật, thống nhất cho thôi việc giảng viên này từ ngày 9-8. Nhà trường cũng làm công văn gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố báo cáo tiếp theo về sự việc”, TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường cho biết” (dừng trích).
Đà Nẵng tự hào có ngũ hành sơn nên quan chức thích xài ‘lâm luật’?
Sinh thời, bà nữ luật sư Ngô Bá Thành có câu để đời: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”.
Vài điều trao đổi ở đây.
Thứ nhất, người viết bài này cũng từng ‘lên lớp’ bằng việc ngồi trước màn hình máy tính và ‘trò chuyện online’ với sinh viên về nội dung môn học. Nếu không bị mất điện, hoặc bất ngờ khu nhà của thầy, cô giáo đó bị nhà chức trách ‘đổ quân’ để rào chắn, giăng dây vì có ca nhiễm Covid, thì không có tiết học nào kéo dài chỉ vài mươi phút, mà thường phải từ một tiếng đồng hồ trở lên.
Dùng một đoạn clip dài chưa đến 4 phút để làm căn cứ cho bất kỳ quy chụp nào cũng khó thuyết phục; hơn nữa đây là tiết học của môn tiếng Anh, viện dẫn các quốc gia khác trong chuyện phòng chống dịch Covid thuộc lẽ đương nhiên, nếu không muốn nói là một so sánh mang tính bắt buộc để giúp sinh viên có thêm vốn từ cho tìm hiểu tin tức trên báo chí Anh ngữ.
Thứ hai, giả dụ chấp nhận luôn chuyện ‘cắt khúc để quy chụp’ ở các vấn đề mà nữ giảng viên đặt ra, sau đó được quy kết là vi phạm đến mức “cho thôi việc”, và “Nhà trường cũng làm công văn gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ” như lời của TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực đại học Duy Tân Đà Nẵng.
Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và pháp luật tương ứng, chưa cần thiết đến mổ xẻ câu từ các đoạn trích kể trên, đã cho thấy rất rõ ràng ở vụ việc này đang có dấu hiệu của chính trị hóa một quan hệ thuần túy giáo dục.
Những căn cứ đó gồm các điều cụ thể (xin quan tâm đến phần được tô đậm, chữ nghiêng):
– Hiến pháp 2013, các nội dung tại:
Điều 3. “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”;
Điều 14.1. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”;
Điều 25. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”;
Điều 28.1. “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”;
Điều 30.1. “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”;
Điều 34. “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”;
Điều 38.1. “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”.
– Luật Giáo dục đại học, các nội dung tại:
Điều 5. Mục tiêu của giáo dục đại học, khoản 2.b, ghi “Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”;
Điều 55. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên, khoản 7 “Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc”.
Thay lời kết
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có nhận xét:
“Về cô giáo của trường Duy Tân! Tôi có trên 10 năm tương tác trên facebook, nên nếu nghe cái giọng của đứa học trò đó tôi xếp vào hạng bò đỏ và block ngay. Khó mà thông não bọn này!
Dù sao việc cô tranh (cãi) luận với nó và bị ghi âm tố cáo rồi bị đuổi việc cũng cho thấy giáo dục Việt Nam vẫn khó mà… khai phóng dù họ mang cái tên rất tốt đẹp!
Và khi tất cả đồng nghiệp của cô đều im lặng để giữ cái nồi cơm của mình lại cho thấy dân “Quảng Nam (bao gồm Đà Nẵng) hay cãi” đã tuyệt chủng tại quê nhà!. Mấy cái đầu đó xin đừng xướng danh cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bậc tiền hiền để khỏi nhơ nhớp phương danh của các cụ. Rứa hỉ!”.
Người viết bài này thì nghĩ đơn giản hơn, bởi chẳng gì lạ lẫm cả về “lâm luật”, lâu nay nhân danh bảo vệ chế độ, người ta sẵn sàng bỡn cợt cả Hiến pháp và pháp luật.
1 comment
Duy tân nhưng tư tưởng thủ cựu. Sinh viên thì gài độ cô giáo. Nền giáo dục hết thuốc chữa!