Hà Nguyên
(VNTB) – Đại diện Viện kiểm sát nhiều lần gay gắt, dùng cụm từ “thiếu căn cứ”, “không có căn cứ” để nhận xét về lập luận trong tranh tụng từ luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Viện kiểm sát cho rằng “cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn”. Còn phía đại diện giữ quyền công tố, “tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toán bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn bình phẩm: “Tôi cho rằng, việc có quan điểm trái chiều giữa hai bên buộc tội và gỡ tội là điều hiển nhiên tồn tại một cách khách quan, không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, khi đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh rằng “Cách đặt câu hỏi không có căn cứ, chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án”; hay “Nếu quan điểm của Viện kiểm sát được hội đồng xét xử chấp nhận, cơ quan công tố thông qua bản kiến nghị Liên đoàn Luật sư lưu ý các luật sư trong quá trình tiếp cận quan điểm bào chữa”, thì tôi thấy họ đã kéo sự việc đi quá xa.
Đây giống như hình thức “bỏ bóng, đá người” trong thể thao mà dân gian hay truyền miệng nhau. Thay vì tranh luận pháp lý với nhau thì đại diện Viện kiểm sát lại quay ra “đe doạ” luật sư; đó không phải là sự công bằng. Nếu đại diện Viện kiểm sát cho rằng các vị luật sư đã sai thì đây là cách tốt nhất để họ biến cái sai của người khác thành cái sai của mình”.
Về lý thuyết thì bản chất của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thực chất cũng là quá trình chứng minh tất cả vấn đề có liên quan đến vụ án, trong đó tập trung làm rõ tính có căn cứ và tính hợp pháp của việc buộc tội và gỡ tội.
Như vậy, nội dung tranh tụng bao gồm các tình tiết thể hiện bản chất vụ án và căn cứ để chứng minh bao gồm: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Lưu ý, “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là nguyên tắc tố tụng mới, lần đầu được quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, và cụ thể hóa nguyên tắc này tại Điều 322 BLTTHS năm 2015 như sau:
“Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.
Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa… Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án”.
Về nội dung của nguyên tắc tranh tụng được quy định cụ thể tại Điều 26 BLTTHS, đó là các chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu để làm rõ sự thật của vụ án. Tòa án thực hiện chức năng xét xử giữ vai trò là trọng tài bảo đảm cho tranh tụng được bình đẳng. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, bên gỡ tội có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội; các điều kiện tiến hành hoạt động tranh tụng trong xét xử phải đầy đủ, hợp pháp, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các thành phần trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy từ luật định về quyền tranh tụng tại phiên tòa cho thấy trong vụ án Vạn Thịnh Phát, phía giữ quyền công tố thay vì tranh luận pháp lý với nhau thì đại diện Viện kiểm sát lại quay ra “đe dọa” luật sư; và đó không phải là sự công bằng về quyền trong tranh tụng của giới luật sư.