Thới Bình
(VNTB) – “Xâm phạm”, “tuyên truyền” để “chống nhà nước XHCN” được định tính, định lượng ra sao khi coi đó là hành vi phạm tội?
Trong số những điều luật gây tranh cãi, có Điều 117, Điều 331 của Bộ luật Hình sự hiện hành.
“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Thế nào là tự do dân chủ?
Xét về khách thể, tội phạm này xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.
Về khách quan, người được cho là phạm tội khi có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình, nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.
Tuy nhiên, cũng có người vì động cơ cá nhân hay những động cơ khác đã “lợi dụng” các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.
Có thể người phạm tội viết báo để đả kích cơ quan Nhà nước, tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân, khiếu nại, tố cáo,…gây mất uy tín cho cán bộ công chức,…
Thế nhưng vấn đề ở đây là điều luật không quy định “xâm phạm” là như thế nào? và ở mức độ nào thì “xâm phạm” mới cấu thành tội phạm?.
Việc đánh giá trong những trường hợp cụ thể sẽ là cần thiết. Cần phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình triển khai áp dụng, từ đó tránh ngăn chặn sự tuỳ tiện từ phía các cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền tự do dân chủ của cá nhân.
Bởi cấu thành của tội này rất định tính, các quyền tự do dân chủ của cá nhân có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương tăng cường dân chủ và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước.
Tội phạm này cần phân biệt với tội vu khống ghi ở Điều 156.
Ở tội vu khống, người phạm tội nhận thức được tin mà mình loan truyền là bịa đặt, không có thật và nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của đối tượng cụ thể.
Trong tội phạm chịu sự điều chỉnh của Điều 331, người phạm tội không biết tin mình loan truyền là chưa đúng sự thật, là những thông tin không được công khai, thuộc bí mật Nhà nước, thế nhưng người phạm tội đã loan truyền ra ngoài.
“Tuyên truyền” nhằm “chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” để làm gì?
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người, ra đời sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
Các đặc điểm cơ bản của kiểu nhà nước XHCN là: thiết lập và đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội; tất cả các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quyền lực nhà nước thống nhất trên cơ sở có sự phân công và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; đảm bảo sự đoàn kết, bình đẳng và tương trợ giữa các dân tộc.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…” (*).
Vì vậy, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN, trước hết cần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu đó gắn liền với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.
Như vậy xét cả về tính nguyên tắc lẫn thực tế, Việt Nam vẫn đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước XHCN, do đó mọi ý kiến phản biện khen – chê – đề xuất…, đều phù hợp với ‘đề bài’ đặt ra của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
“Tuyên truyền”, theo từ điển Tiếng Việt, đó là động từ, có nghĩa phổ biến một chủ trương, một học thuyết, để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hoạt động theo một đường lối và nhằm một mục đích nhất định.
Giáo khoa về môn báo chí trên giảng đường đại học nói rằng các cơ quan truyền thông như báo chí, radio và website do nhà nước quản lý sẽ được xử lý truyền thông và đa phần đưa tin tức có lợi cho chính quyền, nêu cao thành tích nhưng đồng thời che giấu/ hạn chế sai lầm của chính phủ.
Ngay cả những cơ quan truyền thông độc lập cũng có thể bị nhà nước dùng trong tuyên truyền. Khả năng đọc thông tin trên internet tại một số quốc gia có thể bị hệ thống tường lửa của nhà nước kiềm chế.
Thay lời kết
Đảng Cộng sản Việt Nam có một hệ thống rất lớn từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, tất cả nằm dưới sự chỉ huy của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam ra Nghị quyết 36 với chủ trương giáo dục văn hóa tuyên truyền nhằm mục đích tạo thay đổi ý thức chính trị của Việt kiều ở nước ngoài.
Nhà nước Việt Nam biết rằng đa số những người Việt này- nhất là những người di cư sang Mỹ, sở dĩ phải ở nước ngoài vì họ hay cha anh họ muốn trốn tránh chính phủ cộng sản sau 1975, việc tuyên truyền nhằm mục đích làm thay đổi cái nhìn thù địch của những người này với hệ thống chính trị trong nước.
Hiện tại, liệu một cá nhân, một nhóm người có thể “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN” bằng các bài viết đăng báo được gọi là “tuyên truyền”? Câu trả lời là “có thể”, song cần phải làm rõ ngữ nghĩa thế nào gọi là “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN”? Động cơ của việc gọi là “chống” ấy nhằm đến vấn đề gì?
Trở lại với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…” (nguồn đã dẫn).
Với vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” với 3 công dân bị cáo buộc vi phạm Điều 117, Bộ luật Hình sự, qua tìm đọc phần cáo trạng cho thấy “động cơ” của “tuyên truyền” là kêu gọi “tam quyền phân lập” cho thể chế chính trị.
Điều này nếu được hiểu theo ngữ cảnh cầu thị của nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…”, thì đó là các bài báo biện luận cho đề xuất hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Bởi học thuyết tam quyền phân lập không nhằm đến chống đối bất kỳ kiểu hình quản trị quốc gia nào ở hiện nay.
Việt Nam đã rất khéo léo vận dụng nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, vậy cớ gì không thử tìm hiểu xem đồng bộ với điều đó, phải chăng là một kiểu hình Nhà nước XHCN với mô thức quản trị “tam quyền phân lập có định hướng XHCN”.
Tưởng cũng nên nhắc lại để tránh sự chụp mũ chính trị về bài viết: Bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh tối cao của pháp luật. Do đó, pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người.
_______________
Chú thích:
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016.