Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế nào là xúc phạm tôn giáo?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Các video của Tịnh Thất Bồng Lai có nội dung “xuyên tạc giáo lý, xúc phạm Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo, luật pháp.”

 

“Gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của người có chức sắc trong Phật giáo, gây bức xúc trong giới tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo, dư luận xã hội”.

Đó là hàng loạt cáo buộc của nhà chức trách tỉnh Long An ở vụ án “tịnh thất Bồng Lai”.

Hình sự hóa niềm tin tôn giáo?

Thông tin từ Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đơn vị này đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án hình sự liên quan đến vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An, hay còn gọi là “tịnh thất Bồng Lai”.

Theo kết luận điều tra này, cả 6 bị can: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Tùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi), bà Cao Thị Cúc (62 tuổi) đều bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đề nghị truy tố theo hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đã bị khởi tố trước đó.

Cụ thể, kết luận điều tra nhận định bị can Lê Tùng Vân là người có vai trò tổ chức, chỉ đạo để 2 bị can Nhất Nguyên và Nhị Nguyên tạo ra các tài khoản mạng xã hội, trong đó có 2 kênh YouTube “5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” và “Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official”.

Các tài khoản này được dùng để đăng tải các video clip chứa nội dung vi phạm pháp luật nhằm cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước xem, chia sẻ, bình luận, tạo sức lan truyền nhanh chóng gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, tổ chức Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM), gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của người có chức sắc trong Phật giáo, gây bức xúc trong giới tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo, dư luận xã hội.

Chính bản thân Lê Tùng Vân cũng là người trực tiếp có những lời nói, phát ngôn xuyên tạc giáo lý, xúc phạm Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo và luật pháp trên các tài khoản mạng xã hội này. Bị can Vân cũng bị đề nghị truy tố theo tình tiết tăng nặng vì phạm tội có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên.

Các bị can Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Thanh Nguyên, Trùng Dương và Nhị Nguyên được xác định có vai trò là người thực hành theo sự chỉ đạo của bị can Vân để tạo lập, quản lý, sử dụng các tài khoản mạng xã hội và cùng dàn dựng, biên tập video clip có chứa đựng nội dung xuyên tạc giáo lý, xúc phạm Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo, luật pháp.

Còn bị can Cao Thị Cúc là người đã thực hiện chỉ đạo của bị can Vân để trực tiếp tham gia thực hiện những nghi thức, thủ tục cúng bái, quỳ lạy trong clip “Chú Tiểu – phần 2, người lớn mừng tuổi ‘thầy ông nội’ ngày mùng 1 Tết”. Đồng thời trực tiếp tham gia và có lời nói xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa.

Tin tức cho biết, 2 bị can Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương không thừa nhận hành vi phạm tội như kết luận.

Dự kiến, đầu tháng 7, vụ án sẽ được đưa ra xét xử. Theo lãnh đạo Công an tỉnh Long An, cơ quan điều tra cũng gia hạn tạm giam đối với 3 bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương và gia hạn thời gian cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Tùng Vân.

Với tội danh Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì không có định lượng xâm phạm như thế nào mới phạm tội, mà chỉ cần có các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác, nhà nước thì đã có dấu hiệu phạm tội.

Tùy mức độ phạm tội, mà hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 7 năm.

Góc nhìn Phật pháp trong vụ “tịnh thất Bồng Lai”

Góc nhìn Phật pháp về vụ án “tịnh thất Bồng Lai”, có ý kiến được diễn giải theo phương thức Pháp thoại như sau (trích):

“Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Hai pháp, phẩm Người ngu, Đức Phật có nói đến hai hạng người xuyên tạc Như Lai: “Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai”.

Đức Phật cho biết hạng người thứ nhất là người độc ác với tâm đầy sân hận. Hạng người thứ hai là người có lòng tin với tà kiến, tức là người có niềm tin mê lầm, tức không có chánh kiến, xây dựng niềm tin trên cơ sở tà kiến, nhận thức hiểu biết sai lầm, lệch lạc.

Hạng người độc ác với tâm đầy sân hận là những ai? Là người đại diện cho cái xấu, cái ác, không có niềm tin và nếp sống hướng thiện, không tin nhân quả, kiêu mạn, hiếu chiến, oán ghét người đạo đức, người tu hành. Đó là ác ma và quyến thuộc, bè đảng của ác ma.

Ngoài ra còn có một số thành phần ngoại đạo và các thế lực đen tối luôn sống trong sân hận, thù hằn, ganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, họ luôn có thành kiến, ác cảm với đạo Phật, với người tu học Phật và luôn tìm mọi cách chống phá.

Hạng người này xuyên tạc Đức Phật và giáo pháp của Ngài như thế nào?

Để ngăn chặn cái thiện phát triển, chống phá người tu hành và những thành quả của họ, hạng người này tìm cách dẫn dụ những người có niềm tin chưa vững chắc, thiếu hiểu biết Chánh pháp, đầu độc họ bằng niềm tin lệch lạc, mê lầm (tà kiến), bằng hành vi và lối sống buông thả, phóng túng, trái với giới luật và giáo pháp của Đức Phật.

Chúng có thể giả làm người xuất gia, cư sĩ hoặc người đang tìm hiểu đạo để tiếp cận môi trường Phật giáo, trình bày sai lạc Chánh pháp, giới luật, khiến Phật tử tu học không đúng Chánh pháp, sống đời sống vượt ra ngoài nền nếp đạo đức. Họ xuyên tạc sự thật, phỉ báng Tăng Ni, khiến cho những người Phật tử thuần thành bỏ đạo, mất niềm tin thanh tịnh, nội bộ Phật giáo chia rẽ, mất hòa hợp. Hoặc chúng lôi kéo, dẫn dắt người Phật tử theo con đường mê tín dị đoan, tà kiến ngoại đạo.

Để phá hoại Phật pháp, ác ma và quyến thuộc của ác ma có thể xúi giục người tu hành phạm trai phá giới, gian dối, rượu bia, tà dâm; không ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh; lười biếng, giải đãi trong tu học, cho rằng như thế vẫn có thể giác ngộ, chứng thánh quả, như thế là giải thoát, tự tại, vô trụ chấp. Những ai không sống đúng Chánh pháp, thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin chơn chánh, thiếu sự hành trì thì dễ rơi vào bẫy rập của ác ma.

Tinh vi hơn là ác ma đánh lừa người tu hành, khiến người tu hành có những lý do ngụy biện cho những việc làm chạy theo danh tiếng, lợi dưỡng, uy quyền, thế lực, địa vị… Những thứ này có sức hấp dẫn, lôi cuốn rất lớn, nếu thiếu chánh niệm, thiếu định lực và tuệ giác, không có công phu tu hành thì người tu dễ mất tự chủ, dễ bị chúng dẫn dắt.

Còn hạng người thứ hai xuyên tạc Đức Phật và giáo pháp của Ngài là người có lòng tin tà kiến.

Họ là những ai? Đó là những người mê tín (không có chánh kiến), cuồng tín, những người có niềm tin cực đoan và những người kiêu mạn. Họ tin vào nhận thức hiểu biết sai lầm, lệch lạc, tiêu cực, không phù hợp chân lý, không có giá trị lợi ích cho bản thân và người khác, thậm chí gây ra nhiều tác hại từ nhận thức và niềm tin mê lầm đó. Đa phần hạng người này là ngoại đạo, còn gọi là tà kiến ngoại đạo.

Còn trường hợp khác là, do hiểu sai lời Phật dạy, hiểu không đúng giáo pháp hoặc hiểu không đến nơi đến chốn, thấy biết một bên, không đầy đủ, không chính xác mà người ta nói, trình bày không đúng về Đức Phật và giáo pháp. Đây là hạng người xuyên tạc Đức Phật một cách không cố ý (vô tình).

Hạng người này rất nhiều, không chỉ những người mới tìm hiểu đạo Phật, mà có cả người xuất gia, cư sĩ Phật tử và các học giả.

Phật pháp mênh mông như biển, lại cần trải qua quá trình tu học, tự thể nghiệm, thực chứng mới có thể thông suốt, quán triệt; mà học tới đâu thì biết tới đó, lãnh hội được gì, thể nghiệm như thế nào thì chỉ biết như thế ấy thôi, vì thế việc hiểu sai, hiểu mơ hồ, nhận thức không đầy đủ là lẽ thường.

Có khi nói là ý kinh, ý Phật nhưng thật ra là ý của người nói, người viết do hiểu không đúng kinh điển; dùng những từ ngữ Phật học nhưng nội dung trình bày, diễn giải không đúng khái niệm, không hợp ý kinh.

Trường hợp này rất nhiều, như chỉ giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo thôi, dù cơ bản và có vẻ dễ hiểu nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đúng và đầy đủ. Hoặc dễ hiểu lầm nhất là giáo lý Không, Vô ngã.

Đây là giáo lý cao siêu và nòng cốt của đạo Phật, nhưng đòi hỏi sự thấy biết về Vô ngã là thấy biết bằng tuệ giác thông qua sự tu tập và thể nghiệm, thực chứng chứ không phải bằng tư duy suy luận. Ngay ở bước đầu tiếp cận tìm hiểu thôi, đã có không ít người hiểu sai về Vô ngã dù chỉ trên ý nghĩa ngôn từ, khái niệm. Và càng khó khăn hơn để trực nhận, thực chứng lý Vô ngã thông qua sự tu hành. Nó đòi hỏi thời gian, công sức và phương pháp tu tập đúng đắn…”. (dừng trích Pháp thoại)

Quyền tự do tôn giáo bị giới hạn bởi quyền lực chính trị?

Như vậy với cách diễn giải từ Kinh Tăng chi bộ, cho thấy nhóm những người tu hành ở “tịnh thất Bồng Lai” thì đây là hạng người xuyên tạc Đức Phật một cách không cố ý (vô tình). Và nếu đã xác lập điều này thì việc hình sự hóa hành vi dân sự về niềm tin tôn giáo là một biểu hiện rõ nét của vi phạm quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận được Hiến định tại:

“Điều 24.

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25.

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.


Tin bài liên quan:

VNTB – “Tiền lệ Nguyễn Phương Hằng”

Do Van Tien

VNTB – Người Việt phạm tội ở Tây Ban Nha sẽ được thi hành án tại Việt Nam?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Trung Quốc chống tham nhũng có giống như Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo