Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thêm một chiêu trò của Masan về “cà phê nguyên chất”

Minh Tâm

(VNTB) – Sau Tết Đinh Dậu, nguồn tin cho biết, Thanh tra Bộ Y tế sẽ “thanh tra toàn diện” hai nhà sản xuất nước mắm công nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay là Masan và Khải Hoàn.
Đầu năm 2017, Masan Consumer đã lên sàn chứng khoán UPCoM. Masan Consumer là công ty con của Công ty TNHH MasanConsumer Holdings – một công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán: MSN).
Masan là một tên tuổi được nghi vấn là tác giả đàng sau vụ lùm xùm nước mắm nhiễm thạch tín cách đây 3 tháng. Masan Consumer có các dòng sản phẩm về nước mắm, nước tương như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử.  



Ông chủ nước mắm làm… cà phê
Từ tháng 7-2013, Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua hoàn tất 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ.
Masan Comsumer là “con gà đẻ trứng vàng” cho chủ sở hữu khi mà cổ tức chi trả rất hậu hĩnh cho cổ đông những năm gần đây. Theo công bố thông tin của Masan Consumer, năm 2014 công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt 110% tức mỗi cổ phần của cổ đông hiện hữu được nhận 11.000 đồng; năm 2015 mức cổ tức bằng tiền mặt cũng lên đến 60% và năm 2016 cổ tức chi trả bằng tiền mặt là 56%.
Nếu tính tổng số tiền cổ tức đã trả cho 3 năm gần đây nhất (2014, 2015, 2016) thì Masan Consumer chi hơn 11 nghìn tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Theo bản công bố thông tin trước thềm chào sàn UPCOM, Masan Consumer hứa hẹn năm 2017 duy trì chi trả cổ tức cao 40-50% cho cổ đông. Cổ đông lớn nhất của Masan Consumer đồng thời cũng là công ty mẹ sở hữu đến 93,76% vốn của công ty là Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Ít ai nhớ rằng vào tháng 8-2016, có nghĩa là chỉ trước có 2 tháng khi xảy ra xì căng đan “nước mắm nguyên chất”, Masan từng bị tai tiếng trong chiến dịch quảng cáo đình đám “Vinacafe là cà phê nguyên chất”.
Y chang như vụ “nước mắm nhiễm thạch tín”, về marketing, cụm từ “Tại Vinacafe chúng tôi tin rằng Cà phê phải là cà phê. Từ ngày 1/8 trong mỗi ly cà phê của Vinacafe là cà phê nguyên chất”, là một chiến thuật đánh vào nỗi sợ hãi. Một công cụ kinh điển cũ rích mà Masan đã làm rất thành công với nước tương, nước mắm Chinsu. Về thương hiệu, đây là bài học về lý thuyết chiến lược tái định vị.

Mà nguyên chất thế nào được!
Đó là nhận xét của chuyên gia sinh hóa Vũ Thế Thành. Gặp gỡ bè bạn mấy ngày Tết Đinh Dậu, nhân chuyện lùm xùm nước mắm Masan, ông kể về vụ cà phê cũng liên quan Masan, bằng cách nhìn của dân chuyên sinh hóa tốt nghiệp từ Đại học Khoa học Sài Gòn hồi trước năm 1975.
Ông nói: Mới đây, một độc giả gửi cho tôi một bài báo nói về khảo sát cà phê ở thị trường trong nước, dựa trên hàm lượng caffeine trong cà phê để đánh giá.
Kết quả: 5/253 mẫu không có caffeine, 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít). Chất caffeine chỉ là một yếu tố nhỏ trong cấu thành chất lượng cà phê, và tùy thuộc loại cà phê và cách pha. Pha kiểu nén hơi cái rẹt (espresso), chất caffeine thoát ra nhiều hơn. Caffeine ra ít hơn là pha kiểu vớ, ngâm trong bình nước sôi (giống như siêu thuốc bắc), và ít nhất là cà phê nhỏ giọt, “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Đó là chưa kể xay to xay nhỏ, độ mịn của cà phê cũng ảnh hưởng đến lượng caffeine được chiết xuất. Hàm lượng caffeine nhiều hay ít còn tùy loại cà phê. Cà phê Robusta (hạt) chứa 2-4% caffeine, trong khi cà phê Arabica chỉ khoảng 1-2%.
Hơn 90% cà phê trồng ở Việt Nam là loại Robusta. Mặc dù có hàm lượng caffeine trong Robusta cao gấp đôi Arabica, nhưng giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới lại chỉ bằng một nửa so với Arabica. Sao vậy? Tây chuộng Arabica hơn vì họ thích hương vị của nó. Và mặc dù, khoa học xác nhận tiêu thụ 300 mg caffeine mỗi ngày (tương đương 3 – 4 tách cà phê), không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả, nhưng dân Tây khoái cà phê nhưng vẫn gườm gườm chất caffeine, nên mới chọn Arabica vì có lượng caffeine ít hơn. Dĩ nhiên, đó chỉ là một cách giải thích. Lý do chính vẫn là cái gout hương vị của cà phê Arabica.
Chất caffeine được xem là đối tượng khảo sát trong trong cà phê, trong lá chè,… vì e ngại đến sức khỏe người dùng. Có điều ít người biết, chất caffeine trong các chai nước ngọt hầu hết là caffeine tổng hợp (nhân tạo). Cái gọi là “cà phê nguyên chất” liệu có chắc chắn chứa caffeine 100% tự nhiên không? Giá caffeine nhân tạo rẻ hơn nhiều so với caffeine tự nhiên.
“Khảo sát cà phê trong nước nêu trên được xem là khảo sát đầu tiên trên thế giới, dùng lượng caffeine để xác định chất lượng cà phê, cà phê nguyên chất, hay cái gọi là cà phê không đúng nghĩa. Khảo sát này do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện trước vụ nước mắm arsenic 3 tháng. Lại cũng mấy ông bà khoa học Vinastas. Rõ khổ!
Phương pháp khảo cứu thì lạng quạng về mặt khoa học như vậy, nhưng kết quả lại được việc cho những tay hý lộng qủy thần chữ nghĩa. Một vị điều hành cao cấp của ngành hàng cà phê kết luận, rằng, 50% cà phê trên thị trường không phải là cà phê nguyên chất, và rằng người dân Việt Nam không được uống ly cà phê đúng nghĩa. Kết luận như thế sao khó nghe quá!”. Ông Vũ Thế Thành lắc đầu nói.
Theo ông Vũ Thế Thành, chất lượng cà phê ngoài thị trường đúng là có một mảng nhỏ hỗn loạn, đó là “cà phê non-caffeine”. Dùng đậu nành rang là chính. Muốn đắng có dexamethasone, muốn sánh có a dao gelatin, muốn đen có màu caramel, muốn bọt có chất tạo bọt xà phòng (lauryl sulfate). Còn hương cà phê?  Hương cốm, hương nếp, hương cà cuống còn… “nhân tạo” được, thì hương cà phê nhằm nhò gì, nhiều vô số kể.
Cà phê Sài Gòn ngày trước có thêm bắp rang, nhưng rất ít, chủ yếu dùng như phụ gia để tạo độ sánh vì bột bắp có thể tạo gel. Mà cũng chỉ rang nhẹ thôi, rang mạnh hạt bắp nở bung. Mức độ độc hại do bắp rang coi như không đáng kể.

Cà phê Sài Gòn “nguyên chất dĩ vãng”
Lan man về cà phê dịp Tết con gà, ông Vũ Thế Thành nói rằng, “Thời còn đi học thỉnh thoảng tôi vẫn trốn học giờ lý thuyết, bờ bụi cà phê vỉa hè ở khu Hồ Con Rùa, gần Nhà Thờ Đức Bà, mà tụi tôi gọi đùa là khu tam giác vàng. Nơi đây có 3 trường đại học, Văn khoa, Luật khoa và Dược khoa. Để mấy bà dược sĩ ống nghiệm qua một bên, thì ngồi cà phê vỉa hè chỉ để ngắm mấy nàng Văn khoa, Luật khoa tha thướt. Còn bè bạn đi lính về phép lại thường kéo nhau vào quán cà phê đèn mờ nghe nhạc tiền chiến, bên tách cà phê phin, khói thuốc, trầm ngâm về chiến cuộc ngày càng khốc liệt. Biết đến bao giờ…?”.
Đó, một chút bình yên của Sài Gòn bên ly cà phê Sài Gòn trong thời chiến là thế.

Cà phê Sài Gòn một thời. Một thời mà cũng cả trăm năm rồi chứ đâu còn là thưở hồng hoang cà phê nguyên chất như khi Pháp mới lập đồn điền cà phê.Cà phê Sài Gòn vẫn còn nguyên đấy! Còn nguyên trong ký ức như một thứ cà phê dĩ vãng, buồn nhiều hơn vui. Xin đừng lộng ngôn với quá khứ.

Tin bài liên quan:

Điều luật 88 “linh thiêng” qua những góc nhìn

Phan Thanh Hung

Tự ứng cử, “đảng cử – dân bầu” và “9 không”

Phan Thanh Hung

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín làm sai chức trách?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.