(VNTB) – Họ đặt ra luật, và họ làm sai luật, chẳng khác nào pháp luật, Hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn với nhà cầm quyền.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP (ngày 9/11). Trong điểm e, khoản 3, điều 23, của nghị định này thì những tài khoản trong nước và xuyên biên giới phải được xác thực bằng số điện thoại Việt Nam hoặc định danh cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nghị định có hiệu lực trong vòng 90 ngày, từ 25/12/2024. (1)
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu bắt buộc lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Với nghị định mới này, tất cả các tài khoản mạng xã hội đều phải cung cấp thông tin người dùng tại Việt Nam. Đây rõ ràng là một phương thức bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Hiện nay các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam đang bị theo dõi khắt khe với mục tiêu “chống diễn biến hòa bình”.
Nhà nước CSVN lo sợ người dân tiếp cận các thông tin phản biện rồi thấy được những sai trái của chế độ, cho nên họ tìm mọi cách bắt giam, đàn áp tất cả những tiếng nói bất đồng. Người dân muốn phản biện trên mạng xã hội buộc phải dùng các tài khoản ẩn danh để bảo đảm an toàn trước cường quyền. Nếu chính sách này được áp dụng, thì tương lai sẽ không còn tiếng nói phản biện của người dân trong nước nữa.
Điều 25 Hiến pháp CHXHCNVN quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Việc áp đặt nghị định 147/2024/NĐ-CP này rõ ràng là đã vi phạm Hiến pháp, mà Hiến pháp này cũng chính là do đảng cộng sản tự viết ra chứ chưa hề được người dân phúc quyết. Tức là họ đặt ra luật, và họ làm sai luật, chẳng khác nào pháp luật, Hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn với nhà cầm quyền.
Trong một diễn biến có liên quan tới mạng xã hội, bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng vừa thừa nhận trước quốc hội về sự yếu kém của mạng xã hội do Việt Nam phát triển. Theo ông Hùng thì Việt Nam đã cấp phép cho gần 1000 mạng xã hội nội địa, nhưng tất cả cộng lại mới chỉ tương đương với những mạng lớn ở nước ngoài. Không rõ ông Hùng cho là tương đương ở mức độ người dùng thật, người dùng thường xuyên, hay chỉ là những tài khoản đăng ký ảo.
Nhưng ông bộ trưởng cũng nhìn nhận rằng dù tương đương nhưng chưa đủ sức nặng để cấm các mạng xã hội quốc tế. “Nếu mình không có mạng xã hội thay thế thì liệu mình có cấm được không? Nếu mình có mạng xã hội tương xứng trong tay, có lực lượng trong tay thì ảnh hưởng trong quá trình đàm phán của mình với mạng xã hội nước ngoài sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích. (2)
Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc xây dựng mạng xã hội. Nhưng xu hướng chung là người dùng có nhu cầu được tự do tiếp cận thông tin mà không bị kiểm duyệt. Trong khi đó nhà nước CSVN lại tìm mọi cách để kiểm soát, quản lý từng cái tên, từng nút like, và bình luận trên mạng xã hội. Tất cả các mạng xã hội do Việt Nam phát triển đều phải được bộ Thông tin Truyền thông, công an, tuyên giáo coi qua, xét duyệt.
Bây giờ lại có thêm nghị định 147/2024/NĐ-CP thì lại càng là gánh nặng cho các nhà phát triển trong nước. Vì nghị định này rất khó áp dụng cho các mạng xã hội quốc tế như Youtube, X, Facebook. Mà đầu tiên nó sẽ áp dụng ngay cho các nhà mạng nhỏ mới thành lập tại Việt Nam. Thử hỏi giữa những mạng xã hội được tự do sử dụng mà không cần khai báo thông tin và những mạng mà tải app về phải đăng ký đủ thứ rắc rối thì người dân sẽ chọn bên nào. Đó là chưa kể nguy cơ bị theo dõi, lộ thông tin cá nhân của các nhà mạng nội địa Việt Nam.
_____________________
Tham khảo: