Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thị xã ‘lên đời’ thành phố: ai hưởng lợi?

Thới Bình

 

(VNTB) – Cũng những con người cũ, cách làm cũ, tư duy cũ thì thị xã hay thành phố chẳng khác gì nhau ngoài cái tên.

 

Sau khi thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Bình Dương sẽ có 5 thành phố, bao gồm 3 thành phố hiện hữu là Thủ Dầu Một (được công nhận năm 2012), Dĩ An, Thuận An (được công nhận năm 2020).

Liệu người dân có quan tâm là địa phương mình đang ở sắp có bao nhiêu thị xã lên thành phố, và nếu có thì những vấn đề gì họ băn khoăn khi ‘lên đời’?

Từ năm 2015, nhiều địa phương có đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính hoặc thành lập thị xã, thành phố. Cùng với sự điều chỉnh này là số tiền chi ra không nhỏ, đơn cử như khoảng 6.500 tỉ đồng để thị xã Bắc Kạn lên thành phố. Tổng số tiền đầu tư cho các tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Bạc Liêu để “mở rộng”, “nâng cấp” địa giới hành chính khoảng 26.000 tỉ đồng.

Mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp từ thị xã lên thành phố có thay đổi được gì cho các địa phương không, chắc chắn đề án nào cũng có đặt ra những lợi ích mang lại từ đề án. Nào là cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế xã hội, nào là chỉnh trang đô thị, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân…

Thị xã hay thành phố chỉ là tên gọi, nếu như bản chất của nó không thay đổi. Cũng những con người cũ, cách làm cũ, tư duy cũ thì thị xã hay thành phố chẳng khác gì nhau ngoài cái tên.

Ghi nhận một số ý kiến của người dân quanh việc ‘lên đời’ thành phố này:

Ông Vũ Quốc Huy cho rằng địa phương nào cũng muốn ‘oai’ với thiên hạ nên đồng loạt xin nâng cấp đơn vị hành chính của mình.

“Theo tôi trong khi nền kinh tế của đất nước còn khó khăn, nợ công còn nhiều thì nên hạn chế việc này. Nếu nâng cấp đơn vị hành chính thì đồng bộ theo nó sẽ tốn rất nhiều, nào là xây dựng hạ tầng cơ sở, nào là chi trả tiền lương, nhiều thứ lắm…” – ông Huy nhận định.

Cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khóa XIV, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Sau khi thành lập các đơn vị hành chính mới thì không thể để các trụ sở cơ quan mới nhếch nhác được nhưng như vậy thì cần số lượng tiền rất lớn, với số lượng này thì không hiểu lấy nguồn lực ở đâu?”.

Ông Lê Chân Nhân đặt vấn đề: “Tất nhiên, xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng, điện, đường, trường, trạm thì người dân sẽ được thụ hưởng. Nhưng những trụ sở mới thì sao, tiền chi cho những thứ “điều chỉnh” này không nhỏ, dân có hưởng được ích lợi gì từ những trụ sở này không? Trụ sở to lớn có thay đổi được chất lượng hành chính từ lạc hậu thành tiến bộ không?

Thêm thành phố, thị xã thì phình to bộ máy, mua sắm thêm xe cộ, nuôi thêm nhiều người. Liệu những cam kết không tăng biên chế có thực hiện được? Chia tách các đơn vị hành chính, thêm chức, thêm ghế, lại thêm những cuộc chạy chức chạy quyền. Liệu có cam kết không có chuyện chạy chức chạy quyền?

Và vấn đề quan trọng nhất đặt ra là, liệu những sự “nâng cấp hành chính” này có làm cho các địa phương này giàu lên không, mạnh lên không?”.

Cựu Chủ tịch tỉnh Sông Bé/ Bình Dương, ông Hồ Minh Phương đã trả lời rất nhanh, rằng khi ‘lên đời’ thành phố thì hưởng lợi thấy rõ nhất là ngân sách, qua các sắc thuế sẽ đương nhiên tăng theo, vì thuế với ‘thành phố’ bao giờ cũng cao hơn nhiều so với ‘thị xã’, ‘thị trấn’. Chịu thiệt trước mắt chính là người dân đóng thuế.

Ông Nguyễn Hữu thẳng thắn không ngần ngại chuyện có thể đối mặt với điều luật 331 của Bộ Luật hình sự, khi nói bằng thể khẳng định: “Chúng ta đang mắc căn bệnh sĩ mở rộng, nâng cấp đô thị.

Nhìn vào đô thị của ta manh mún, vụn vặt, còn rất rất xa mới tiến tới văn minh hiện đại được. Mọi người nhìn lại xem nhiều quận thành lập mới, nhiều thành phố được nâng cấp, nhưng bộ mặt đô thị có gì khác trước đâu. Chỉ thấy bộ máy phình ra, biên chế công chức tăng, chi phí hành chính nhiều. Tại sao không để số tiền đó để ráo riết xây dựng nền hành chính công vụ mạnh để quản trị Nhà nước tốt hơn, người dân được hưởng lợi hơn?”.

Ông Nguyễn Văn Nam nêu ra những cụ thể luôn so với phiếm chỉ như ý kiến của ông Hữu, từ thực tế nơi ông ở: “Từ khi sáp nhập về thành phố Quảng Ngãi, khung giá tính thuế khi chuyển nhượng, mua bán nhà cửa đều tăng gấp đôi. Hồi trước, mình mua căn nhà chỉ đóng 3-4 triệu đồng tiền thuế nhưng giờ đã nhảy vọt lên 6-7 triệu đồng rồi. Trong khi đó, người dân ở đây không được hưởng những thuận lợi như ở khu vực trung tâm thành phố”.

Không chỉ các loại thuế tăng cao, đặc biệt khi nâng cấp các đơn vị hành chính đã làm nhiều vùng nông thôn phải đóng các loại phí, như phí đăng ký xe máy tăng gần gấp đôi so với trước.

Bà Phùng Thị Dung, một đồng hương Quảng Ngãi với ông Nam, cho biết sau nhiều năm tích cóp được 40 triệu đồng, bà mua 1 chiếc xe máy đi làm. Khi đi làm thủ tục đăng ký xe, bà phải đóng gần 2 triệu đồng phí. “Nếu cùng giá trị chiếc xe đó, mình đăng ký ở các huyện chỉ khoảng 800.000 đồng, đằng này phải đóng cao gấp đôi. Trong khi xã Tịnh Thiện là một vùng nông thôn, khá vắng vẻ, lại không thừa hưởng được những phúc lợi như người dân trung tâm thành phố”.

Người viết bài ghi nhận này nghĩ rằng, dân chúng chỉ quan tâm đến đất nước có giàu mạnh, cường thịnh hay không, chứ có lẽ chẳng mấy quan tâm chuyển đổi được bao nhiêu huyện lên thị xã, bao nhiêu thị xã lên thành phố, bao nhiêu tỉnh ‘lên đời’ thành phố trực thuộc Trung ương?


Tin bài liên quan:

VNTB – Phản đối thể chế chính trị là phản động, phải bị trừng trị (!?)

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam lại chuẩn bị cải tổ ngân hàng

Do Van Tien

VNTB – Khả năng đặc xá ‘tù chính trị’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo