Thới Bình
(VNTB) – “Tinh thần “nhân bản” phải làm nền cho tất cả…”
Triết lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì? “Tinh thần “nhân bản” phải làm nền cho tất cả…” – tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời phỏng vấn của VnExpress.
Câu trả lời cho thắc mắc “Triết lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì?” của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong bài báo nói trên, thật ra có hai vế rất rõ: thứ nhất, “Về tư tưởng, định hướng, quan điểm chỉ đạo thì các đại hội gần đây của Đảng đã nêu đầy đủ, nhất quán, việc của chúng ta là tập trung triển khai”.
Thứ hai, “Tuy nhiên, tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ “nhân bản”. Yếu tố “nhân bản” phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu.
Tinh thần “nhân bản” phải làm nền cho tất cả, từ xây dựng trường học – phải nghĩ đến chuyện giáo viên sử dụng nó ra sao, học sinh học tập thế nào. Từ từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình giáo dục. Từ dụng cụ nhỏ cho đến hệ thống thiết bị đều phải lấy việc phụng sự con người, cho con người, phát triển con người làm gốc rễ”.
Từ Sài Gòn, cựu giáo viên Lê Quang Huy, nhìn nhận yếu tố nhân bản trong giáo dục không phải là cái gì quá mới mẻ, khi triết lý giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa đã được khái quát qua 3 giá trị Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, được xác định tại Đại hội Giáo dục Quốc gia lần 1 tại Sài Gòn vào năm 1958.
Thầy giáo Lê Quang Huy ý kiến: “Thiển nghĩ các nền giáo dục tiên tiến dân chủ khác cũng xoay quanh các giá trị này, nhưng có thể chúng được diễn đạt bằng những câu chữ khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia.
Sau khi nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa bị thay thế bởi “nền giáo dục chiến tranh” – cách nói của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, thì các giá trị Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng đã bị đẩy lùi bởi những tư tưởng của một học thuyết ngoại lai từng cổ súy bạo lực giữa người với người và kích động hận thù giai cấp, để lại một sự tiếc nuối vô bờ bến cho những ai đã từng may mắn được tiếp thu một nền giáo dục nhân văn.
Giá trị Nhân bản nhằm đề cao giá trị con người, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Giá trị nhân bản không chấp nhận mọi sự kỳ thị hay phân biệt giữa người và người.
Mong rằng giá trị Nhân bản mà ông tân bộ trưởng nói đến chính là cái giá trị vàng son một thời ở Miền Nam trước 1975 mà bây giờ những người quản lý giáo dục mới chịu nhận ra và sẵn sàng kế thừa với tất cả sự cầu thị, chứ không phải là cái gì khác.
Nếu không thì cái Nhân bản mà ông ấy nói dễ bị hiểu là sự nhân bản về mặt số lượng (photocopy) hoặc là sự nhân giống!”.
Lo lắng của ông thầy giáo ở trên là có cơ sở, vì như đã phân tích, trong vế thứ nhất của câu trả lời phỏng vấn VnExpress, tân Bộ trưởng nói rằng ‘việc của chúng ta là tập trung triển khai quan điểm chỉ đạo của Đảng’.
Mà trên thực tế theo dõi các văn kiện Đảng liên quan đến giáo dục, chưa thấy đề cập đến yêu cầu của “triết lý giáo dục”. Giả dụ mai này có đề cập đến, liệu Đảng có ‘gắn thêm’ vào đó ‘cái đuôi’ với mẫu câu tương tự như đã áp dụng với “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đó là “triết lý giáo dục của Việt Nam là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?