Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Tháng Tư, nhớ về một người

Ái Mỹ

 

(VNTB) – Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản…

 

“Tổ của tui được chỉ thị mở một mũi dùi đâm thọc vào cánh trái đồn địch… Lệnh nổ súng, đạn địch bắn như mưa… Bề tui nôn lắm… Tui đứng dậy bắn. May quá, phát đó trúng ngay tháp. Bề tui ào tới. Đâu chừng một khoảng, tui bị một miểng bom trúng vào cánh tay trái. Tui vừa lấy tay bịt chỗ bị thương vừa chạy xốc tới trước với anh em.

…Rồi tui nghe rõ “Cứu tôi, cứu tôi”. Tui chưa nhận ra ai cả. Tui tìm một lúc. Tui thấy một cái đầu đội nón sắt. Tui biết là lính cộng hòa. Tui tính bỏ đi nhưng nhìn lại. Thân hình của thằng lính bị đất lấp một nửa. Tui nghe tiếng kêu của hắn rên tui khó chịu lắm. Tui ngồi xuống, bươi đất rồi kéo nhích hẳn ra được. Hắn rên nhiều hơn. Tự nhiên, tui cúi xuống kéo hắn dậy. Tui xốc hắn lên vai. Tui cõng hắn ra đồn hướng về đơn vị cứu thương… Bỗng nhiên tui thấy mệt quá. Tui biết vết thương tui đang chảy máu nhiều. Tui quỵ xuống. Tui không còn biết gì nữa”.

Kể ngang đây thì anh bộ đội trẻ cười. Cả hội trường im phăng phắc. Có tiếng từ cử tọa, còn thằng lính ngụy? Anh bộ đội cười tiếp: à tui quên, hắn được cứu sống. Phải mổ. Hôm rồi tui có vô thăm hắn. Buồn cười là mỗi lần trông thấy tui, hắn đều khóc. Hắn chẳng nói gì cả. Hắn chừng 16 – 17 tuổi. Tui cũng có đứa em trai trạc tuổi hắn”.

Đó là một trích dẫn trong cuốn “Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản” của tác giả Thanh Nghị, tức Hoàng Trọng Quị, nguyên Thứ trưởng Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Người mà từ năm 1940, đã là chủ bút của nhiều tờ báo tại Sài Gòn, sớm đăng thơ của Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Địch, Chế Lan Viên, Thúc Tề…

Năm 1951, một mình Thanh Nghị – Hoàng Trọng Quị âm thầm biên soạn, xuất bản cuốn “Việt Nam tân tự điển” dày 1.674 trang. Ông xếp các danh nhân, nhà thơ, nhà cách mạng theo thứ tự abc, tất cả đều theo “dòng chảy” dân tộc, kể cả các nhà văn miền Bắc tiêu biểu cho cách mạng.

Đó là cuốn tự điển ra đời giữa lúc Pháp còn chiếm đóng.

Từ đó, các tờ báo của ông và em trai – Hoàng Trọng Miên liên tục bị đình bản. Nhà in của ông ngay tại Sài Gòn cũng bị chính quyền đóng cửa, tịch thu. Bản thân ông sau đó bị chính quyền Sài Gòn tuyên “tử hình vắng mặt”.

Ngày mồng Tám Tết Mậu Thân, ông rời Sài Gòn trên chiếc Honda để vào vùng giải phóng. Ở đấy, ông gặp những người bạn chí cốt như bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Tôn Thất Dương Kỵ…

Cả một đời ông sống thanh cao. Sáng trong. Vị trí sau cùng ông đảm nhận là giám đốc Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Như một đời ông gắn bó, ấy là sách, là tri thức vô tận. Nó minh triết, thủy chung gấp vạn lần người.

Năm kia, vì liên quan đến việc gia đình, con gái ông phải lên quận làm giấy tờ, trong đó có công đoạn chứng thực phần khai tử cho cha, có nơi ghi là Thanh Nghị, có nơi lại ghi là Hoàng Trọng Quị. Người con chứng minh rành rành mọi nhẽ, sau khi lên xuống quận không dưới… 10 lần. Lần chót, người ta còn “hành” bà phải lên nghĩa trang thành phố chụp hình ngôi mộ của ông để chứng minh là ông – Thanh Nghị, tức Hoàng Trọng Quị, chứ không phải ai khác.

Ở Huế, ngay tại quê ông, Nguyệt Biều, hiện có một con đường nhỏ mang tên Thanh Nghị. Mỗi dịp về thăm làng ngoại, tôi đều đi lại trên con đường ấy. Bình yên. Trong trẻo.

Hàng cây rợp bóng, che mát người qua. Như cả cuộc đời người-yêu-nước Thanh Nghị – Hoàng Trọng Quị, ông lặng lẽ, trước sau, nguyên vẹn với sự chọn lựa của mình. Mặc biến thiên, dâu bể…

Những ngày tháng Tư, tôi lại nhớ và nghĩ về ông…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Số dách

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Bắc tiến

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: sáng kiến?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo