Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thôi thì đỡ đồng nào hay đồng nấy…

 

Hàn Lam

 

(VNTB) – Từ 1-2, tức từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến hết năm 2022, người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% sẽ được giảm còn 8%.

 

Các loại hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế lần này bao gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế GTGT hiện nay là sắc thuế có cơ sở tính thuế rộng, hiệu suất thu thuế hiệu quả và là sắc thuế đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thuế Việt Nam từ giác độ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Biểu thuế GTGT hiện hành của Việt Nam có 2 mức thuế suất (không bao gồm mức thuế suất 0%), trong đó mức thuế suất thuế GTGT phổ thông là 10%. Mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ “thiết yếu”. Ngoài ra, có 24 nhóm hàng hóa và dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, với chính sách giảm 2% thuế GTGT, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2022 giảm khoảng 51.400 tỷ đồng, trong đó, riêng giảm thuế GTGT là khoảng 49.400 tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Số tiền thuế được hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Với mức thuế còn 8% (tính ra tỉ lệ giảm là 20%), nhưng số tiền được giảm lại lắt nhắt mỗi khi mua hàng, nên lắm khi người dân không quan tâm, còn tính tổng, số tiền được giảm cũng kha khá. Ví dụ gia đình 4 người xài 20 triệu/tháng sẽ tiết kiệm 400.000 đồng/tháng (4,8 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên cái lấn cấn ở đây là với đặc thù mua bán không hóa đơn của nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán, khả năng giảm thuế cho bên bán, thay vì bên mua là khó tránh khỏi.

Vậy cách nào để nhận diện bên bán có giảm thuế cho người mua? Đó là căn cứ trên hóa đơn. Nhưng với nhiều món hàng tiêu dùng hằng ngày bán ở điểm bán nhỏ lẻ làm gì có hóa đơn. Rồi số tiền mua hàng không lớn, tiền thuế được giảm không nhiều, thế là bên bán vui vẻ làm… tròn số có lợi cho mình. Trường hợp này “lọt sàng xuống nia”, người tiêu dùng không được hưởng, bên bán được hưởng. Nhưng như vậy lại đi chệch mục tiêu giảm thuế GTGT là giảm giá để khuyến khích mua sắm nhiều hơn qua đó giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi…

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ thời gian qua, ông Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam), cho rằng với 4 gói hỗ trợ được công bố năm 2020 có quy mô khoảng 1,1 triệu tỉ đồng thì tổng giá trị thực là chi phí mà Chính phủ và các ngân hàng cam kết bỏ ra chỉ ước tính khoảng 184.700 tỉ đồng (bằng 2,94% GDP).

Điều đáng chú ý là việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ. Nguyên nhân là do các điều kiện đặt ra chưa phù hợp và rõ ràng, chưa sát thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp.

Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ người dân của Việt Nam nhưng ông Terence Jones, đại diện thường trú của UNDP, cho rằng gói hỗ trợ vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội.

Một giảng viên chuyên ngành tài chính nhìn nhận là giảm thuế GTGT là kích cầu, giảm cho người tiêu dùng chứ doanh nghiệp không được hưởng lợi trực tiếp. Nhưng khi người dân tiêu dùng và mua sắm nhiều hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiêu thụ, bán hàng tốt hơn, kích thích sản xuất.

“Tuy nhiên, để thực hiện kích cầu, phải xem mặt hàng nào cần kích cầu, chứ không phải tất cả các mặt hàng. Tôi cho rằng cần tập trung khuyến khích tiêu dùng với những mặt hàng thiết yếu với đời sống. Còn những mặt hàng không thiết yếu, các sản phẩm phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay mặt hàng xa xỉ, thì không nên kích cầu tiêu dùng. Do đó, trong số các mặt hàng cần kích cầu chỉ nên lựa chọn một số. Mức giảm bao nhiêu cũng cần phải cân đối. Tôi cho rằng mức giảm 2% là tác động không lớn, hiệu ứng không thực sự rõ ràng, nên có ý kiến là cần có mức giảm khá hơn, có thể 5%.

Chưa kể, hóa đơn bán hàng hiện áp mức 5% và 10%, nên đưa ra mức 8% sẽ phải sửa đổi hệ thống phần mềm tính toán, trong khi mức 2% chưa thực sự tạo ra được tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng…” – vị giảng viên này ý kiến.

Tuy nhiên có một lưu ý, giảm thuế nhưng giá vẫn tăng – xăng dầu, điện, nước… cái gì cũng tăng, thì sẽ không kích được tiêu dùng, và hiệu quả của con số giảm 2% này trong tờ hóa đơn GTGT ra sao, có lẽ cần phải chờ hạ hồi phân giải ở trước thềm xuân năm Mẹo 2023.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nền kinh tế… kêu cứu

Do Van Tien

VNTB – Lạm phát

Trương Thế Tử

VNTB – Thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực chốt lời

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo