VNTB – Thống nhất rồi nhe, sau này đừng trách nhìn lầm…

VNTB – Thống nhất rồi nhe, sau này đừng trách nhìn lầm…

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) –  475/475 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc Hội

 

Phát biểu nhậm chức sau đó, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã bầu ông làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của ông trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ông nói luôn nhận thức sâu sắc rằng dù ở vị trí công tác nào, mình cũng phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Nắm vững và nghiêm túc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định, nhất quán và giữ vững nguyên tắc làm việc của Đảng và pháp luật trước khó khăn, thách thức mới của đất nước.

Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình. Gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác cũng như trong cuộc sống của bản thân, gia đình…

Trong con số 475 đại biểu có mặt biểu quyết này có cả những người làm mảng nội chính, an ninh nắm giữ, tiếp cận hồ sơ cá nhân chính khách Trần Thanh Mẫn. Như vậy, nếu ông Chủ tịch Quốc hội không có sai phạm, khuyết điểm mới trong cương vị mới; hoặc có vụ việc mới điều tra ngược lại tình cờ phát hiện sai phạm từ trước của ông Mẫn, thì mới được “cưa ghế” của ổng.

Vì nếu đã biết người ta có tì vết mà vẫn biểu quyết tán thành, là người biểu quyết đã không hoàn thành chức trách nhiệm vụ vì dám bầu lụi. Chứ cứ 100% rồi bữa sau moi cái cũ thì khác gì… trò hề tái diễn như với Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ.

Một lưu ý đặc biệt khác nữa là cũng không thể nhân danh Bộ Chính trị để “cưa ghế”, vì khi Bộ Chính trị đã nhất trí đề cử đảng viên Trần Thanh Mẫn vào chức vụ đứng đầu Quốc hội, tức đã đáp ứng yêu cầu chuẩn định của Quy định số 214-QĐ/TW:

“Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân.

Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định” – trích khoản 2.6, phần “Tiêu chuẩn chức danh cụ thể”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)