Nguyễn Huy Canh
(VNTB) – Bước vào ngày khai giảng năm học mới, PGS Văn Như Cương đã có bài phát biểu tha thiết, ngắn gọn về lòng yêu nước, về những nỗi đau mà dân tộc chúng ta đã và đang trải qua, về lời căn dặn của Bác Hồ. Có thể xem nó như một áng hùng văn có sức kêu gọi, và thúc giục mạnh mẽ các thế hệ học sinh đối với tương lai và tiền đồ dân tộc. Cũng là một người thầy trên bục giảng, nhưng đã nhiều chục năm nay, chưa bao giờ tôi được nghe một diễn văn khai giảng được viết ra từ con tim cháy bỏng lòng yêu nước, yêu quê hương hay và xúc động đến vậy. Sự nghiệp nghiên cứu toán học, và giảng dạy của PGS có thể có rất nhiều thành tích, nhưng với bài diễn văn này, tôi cho rằng PGS đã ghi vào trong lịch sử nước nhà như một dấu ấn của trí tuệ và lương tri. Tôi mong rằng, ngài bộ trưởng, nếu có thể, sẽ nên đưa bài phát biểu này vào chương trình giảng dạy trong những ngày học đầu năm của các cấp học trung học.
Cùng với cảm xúc này là một sự trái ngược khi tôi được đọc thấy một bài toán tính gà của học sinh tiểu học, với 4 đáp án đưa ra, trong đó có a, 4×8=32, và b, 8×4=32. Học sinh chọn đáp án a. Nhưng g/v nói là sai, và kết quả đúng là b, (xem trên infonet.vn. ngày 4/9/2014).
Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:
Với các phương án:
A. 4×8=32
B. 8×4=32
C. 4+8=12
D. 8:4=2
Trong bài toán này, em học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A (4×8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8×4=32) mới chính xác.
|
Tôi cho rằng đây là một sai sót nghiêm trọng của g/v. Và v/đ lại ở chỗ rất đáng phải suy nghĩ khi bà TS Vũ Thu Hương (giảng viên đại học sư phạm HN) giải thích như một sự bao biện cho đồng nghiệp rằng, đáp án b, mới nói đúng bản chất của đề toán, và bà cho rằng đây là qui trình giảng dạy khoa học cấp tiểu học, và vì vậy xã hội mới phải cần đến những người thầy!
Là ts, nhưng bà Hương không nhìn thấy sự bằng nhau của 2 kết quả 4×8, và 8×4, thì sau này làm sao học sinh có thể hiểu được tính đúng đắn, về bản chất của phép giao hoán trong tập số. Bà đã không nhìn thấy cái sai của đáp án là không phù hợp với yêu cầu của đề bài. Bài toán có đối tượng cụ thể, có đơn vị hẳn hoi, là số con gà, nhưng đáp án lại là một kết quả chỉ với những phép tính, và con số: không có đơn vị, đối tượng. Nó hoàn toàn là một trừu tượng về nội dung của đối tượng, thì thử hỏi, học sinh làm sao giải quyết được. Trong sự vụ này, g/v nói kết quả “a, sai, b, đúng” là một sự giảng dạy tùy tiện, thiếu kiến thức . Nhưng, rất tiếc rằng, bà ts Hương lại xem đây là chuẩn của qui trình giáo dục tiểu học đang được áp dụng.
Theo tôi, có thể cần có những đáp án, chẳng hạn, như sau: a, 4×8 con gà=32 chuồng gà. b,4×8 con gà =32 con gà, thì mới có thể cho các đáp án đúng, sai (tuy cùng cho số 32) để các cháu lựa chọn.
Xin được phép hỏi ngài bộ trưởng, có đúng đó là qui trình khoa học giáo dục của cấp tiểu học? Nếu không phải, thì những g/v như bà ts Hương và người thầy ra bài toán này cần phải được cho đi học lại . Bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy và nhân cách thế hệ trẻ của nước nhà, của con em chúng ta trong tương lai.
Trên đây chỉ là 2 cảm xúc trái ngược của những ngày đầu năm học cho tôi nhận thấy một chút giá trị tích cực của nền giáo dục nước nhà, nhưng đồng thời cũng là nỗi lo âu về những bất cập, những lỗ hổng lớn về tri thức, về kiến thức rất đáng lo ngại của những người thầy khả kính của chúng ta; lo về những qui trình giáo dục thiếu khoa học được vẽ ra, rất hại cho con trẻ, tốn tiền thuế của nhân dân trong các ý đồ đổi mới. Mong được ngài bộ trưởng quan tâm.
Nguyễn Huy Canh