(VNTB) – Chiếc máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey chết đứng trên sân thượng một ngôi nhà trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình)
29 và 30-4-1975, hàng trăm máy bay trực thăng các loại đã lên xuống nhiều nơi ở Sài Gòn – Gia Định để đưa thân nhân, người quen di tản. Trong đó, nhiều chiếc đáp xuống ở các ngôi nhà khu vực xung quanh sân bay.
Hàng chục chiếc vì nhiều lý do đã không thành công, rớt ngay trên đường phố, như trong nghĩa địa khu hẻm Tám Thơm, sát ngã ba Ông Tạ. Nghe nói do chở quá tải. Một càng trực thăng va vào cạnh một ngôi mộ bay vào nhà dân, thủng cả tường. Gần chỗ máy bay trực thăng này rơi, có xác một người lính Việt Nam Cộng hòa, không rõ là người trên máy bay đó hay bên ngoài. Hầu hết những chiếc trực thăng ấy đã được thu dọn ngay sau ngày 30-4.
Duy nhất một chiếc không rõ lý do gì vẫn yên vị đến gần năm sau và trở thành một hình ảnh quen thuộc với hàng vạn, hàng triệu người qua lại những năm sau 1975: chiếc máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey chết đứng trên sân thượng một ngôi nhà trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình). Sau 1975, nhiều đứa con nít khu Lăng Cha Cả quen con chủ nhà thỉnh thoảng leo vô máy bay ngồi chơi. Mấy anh kỹ thuật trong sân bay ra lấy cây chống tạm đuôi máy bay kẻo nó sụm xuống.
Nếu đi từ Lăng Cha Cả xuống Sài Gòn, ngôi nhà bên phải đường Trương Minh Ký. Xin tạm nhận diện ngôi nhà ấy, bối cảnh chiếc máy bay rơi và vài ngôi nhà xung quanh, tất cả đều là dân Bắc 54 Công giáo.
Ngôi nhà có chiếc máy bay UH-1H chết đứng trước 1975 là tiệm phở Ngọc Hương của ông bà Oanh – Mỹ, Bắc 54 Vĩnh Phú. Ông bà có bảy con, một gái sáu trai. Cô con gái cả tên Nương xinh đẹp, duyên dáng, từng là á hậu cuộc thi người đẹp trên báo Đông Phương trước 1975. Chồng chị Nương tên Dõng, phi công.
Trưa 29-4, anh Dõng lấy một chiếc máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey, loại trực thăng quân sự đa năng, nổi tiếng và được sử dụng nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam) bay về nhà gia đình bên vợ gần sát căn cứ Không quân Việt Nam Cộng hòa.
Chiếc UH-1H loay hoay tìm cách đậu xuống “chuồng cu” trên sân thượng ngôi nhà. Chẳng may, khi lên xuống, máy bay hơi chao đảo, cánh quạt vướng nhà bên cạnh khiến một cánh gãy, văng xuống khu Chợ Lăng trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) cách đó chừng trăm thước. Và chiếc UH-1H đứng tại chỗ, không bay lên được. Động cơ máy bay vẫn nổ ì ì khiến bà con xung quanh tái mặt suốt cả buổi chiều hôm đó, họ sợ máy bay nổ và cháy. Mấy tiếng sau tiếng nổ mới êm dần và tắt lịm.
Coi như chuyến di tản cả gia đình bất thành. Anh Dõng tìm cách lên chuyến bay khác, di tản một mình, sau sang Arizona (Mỹ). Gia đình bên chị Nương đành phải ở lại. Sau đó, dần dà, cả nhà cách này cách nọ cũng lần lượt sang Mỹ hết.
Nếu bên ngoài nhìn vào, bên trái là nhà thuốc tây Tân Châu. Nhà này trí thức, sống lặng lẽ, khá kín tiếng với bà con xung quanh.
Cạnh Tân Châu là tiệm điện Anh Anh. Chủ là bác Phạm Thuận, giáo sư Anh văn, sau mở tiệm sửa điện. Bác Thuận vốn dân nhà dòng (“tu xuất”) nên gia đình nền nếp, đạo đức. Bác sửa đồ điện rất kỹ và có lương tâm. Thỉnh thoảng, hàng xóm thấy nhạc sĩ Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh tận Phú Nhuận mang đàn điện, guitar điện tới sửa. Thời ấy những năm 1972 1973, Việt Nam chưa làm được đàn organ điện tử, ông Phạm Duy đến để cùng bác Phạm Thuận – nhà Anh Anh và bác Oanh – nhà Ngọc Hương nghiên cứu để uất làm ra những phím đàn điện tử organ đầu tiên ở Việt Nam.
Con cái bác Thuận chẵn chục: tám gái, hai trai cùng tên Anh, khác tên đệm: Phạm Công Anh và Phạm Đức Anh, nên bác lấy tên tiệm là Anh Anh. Đức Anh là con trai thứ sáu, sau là linh mục dòng Phanxico bên Chicago (Mỹ).
Cạnh đó là nhà cô Ký bán bún chả kiểu Hà Nội: miếng chả mỏng, sợi bún nhỏ, đồ chua, nước mắm pha để riêng.
Tất cả các nhà này lần lượt sang Mỹ, gặp nhau bên Mỹ.
(Không có trong hình) Bên phải nhà Ngọc Hương là một tiệm tạp hóa không tên của ông bà Vũ Văn Mạnh (hàng xóm gọi là Cường) – Đinh Thị Khiếu. Ông gốc Bắc 54 Thái Bình, vào Nam làm ở khu Dinh Điền, rồi làm kế toán Công dân vụ thời Bộ trưởng Công dân vụ là ông Ngô Trọng Hiếu; rồi chuyển sang làm Tổng nha Thanh niên thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Ông hiền ơi là hiền, về hưu trước 1975. Bà Bắc 54 Thanh Hóa, đảm đang; cùng quê Điền Hộ, Nga Sơn với nhạc sĩ Anh Bằng của “Ai bảo em là giai nhân”, “Hoa học trò”, “Hồi chuông xóm đạo”… Tiệm tạp hóa của gia đình ông cũng như các nhà cạnh bên, thuở 1954 chỉ là nhà lá, nền đất, dần dà lên nhà gỗ rồi nhà đúc hai, ba tầng sau hơn mười năm di cư.
Nhà ông Mạnh xây năm 1969, chậm hơn nhà khác và do tiền của cô con gái lớn tên Vũ Thị Liễu giúp cho, xây hết 1,4 triệu đồng, lúc ấy (1969) khoảng trăm lượng vàng. Cô này vốn là học sinh trường Thánh Tâm (nay là trường Tân Bình – ngay ngã ba Ông Tạ) từ 1960 – 1963, rồi sang học trường Lê Bảo Tịnh (trên đường Trương Minh Giảng, quận 3). Cô Liễu giỏi buôn bán, xoay sở. Nhà gần Lăng Cha Cả, có lúc cô Liễu buôn cả đô la Mỹ, đô la xanh, đô la đỏ… đổi tất.
Chồng cô tên Nghị, nhân viên áp tải phi hành đoàn (load master). Sáng 29-4, chú Nghị đưa cô lên máy bay C130, nói là khu này gần phi trường, bị pháo kích nhiều quá, tạm bay ra Côn Sơn (Côn Đảo) tá túc ít ngày rồi về. Dè đâu, máy bay không ghé Côn Sơn mà bay sang Thái Lan, rồi chuyển sang máy bay C141 lớn hơn bay đi Guam (một hải đảo ở tây Thái Bình Dương và là một lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ). Máy bay đáp xuống Guam, cô Liễu bật khóc: “Vậy là mất cha mẹ, anh em, quê nhà rồi…”.
Năm ngày sau, khi ở Guam, vợ chồng cô đọc được một tờ báo Mỹ, trong đó có tấm hình chụp chiếc UH-1 trên sân thượng nhà cạnh nhà mình. Không phải tấm hình chúng ta thường thấy hiện nay vì đã có cây chống (sau này) ở phần đuôi. Không rõ ai chụp. Cô và bốn con theo chồng đi buổi sáng 29-4, trưa 29-4 máy bay trực thăng UH-1H rụng cánh cạnh nhà bố mẹ mình.
Những ngôi nhà ấy, dần dà đã bán sang chủ mới, nhưng chưa nhà nào bị đập bỏ xây mới. Dáng nhà cũ cơ bản vẫn nguyên vẹn sau gần nửa thế kỷ. Giờ ở San Diego, Nam California (Mỹ), đã hơn 70 tuổi, cô Liễu của khu Lăng Cha Cả xưa vẫn nhớ mồn một ngôi nhà cũ và bà con lối xóm xưa; nhớ đến thắt ruột thắt gan ngôi nhà nhỏ của vợ chồng và bốn đứa con của mình trên đường Nguyễn Minh Chiếu, trong khu chợ Lăng mà khi lập gia đình cô ở đó; cách nhà bố mẹ ít bước chân.
Chia tay một thời mưa nắng dãi dầu với vùng đất mới nay đã thành quê hương…