Phạm Bá Hoa
Với lá Thư này, tôi tóm lược bài viết liên quan đến hồ sơ Ấn Độ – Thái Bình Dương:
(1) Hoa Kỳ thắt chặt thêm về xuất cảng chip điện tử sang Trung Cộng.
(2) Liên Minh AUKUS tăng cường phòng vệ trước những thách thức của Trung Cộng.
(3) Tổng Thống Pháp ủng hộ Trung Cộng về Đài Loan, bị phản ứng dữ dội phải xoay trở lại.
(4) Nhật Bản với Đại Hàn trở thành liên minh NATO nhỏ trong kế hoạch phòng vệ trước những thách thức của Trung Cộng.
(5) Người Việt Nam tiếp tục rời bỏ quê hương mà không một vấn vương thương tiếc.
(1) Hoa Kỳ thắt chặt thêm về xuất cảng chip điện tử sang Trung Cộng
Ngày 12/03/2023, hãng tin Bloomberg đưa tin Hoa Kỳ ban hành thêm các hạn chế xuất cảng chip điện tử sang Trung Cộng, trong mục đích ngăn chận Trung Cộng đánh cắp kỹ thuật. Số lượng các thiết bị bị cấm xuất cảng lần này, làm tăng gấp đôi số lượng thiết bị bị cấm xuất cảng trước đó. Năm tháng trước -tháng 10/2022- Hoa Kỳ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất cảng chip điện tử sang Trung Cộng, cho là Trung Cộng nhập cảng chip này sử dụng trong quân sự.
Theo hãng tin Reuters, Trung Cộng đã nhiều lần chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến các biện pháp hạn chế gắt gao việc xuất cảng chip điện tử sang xứ họ, đe dọa lợi ích của họ trong ngành này, đến mức Trung Cộng đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
Cùng lúc, Hoa Kỳ phối hợp với chánh phủ Nhật Bản và Đại Hàn, vì ba quốc gia này đang thống trị thị trường chip toàn cầu. Nhiều nhà phân tách cho rằng, Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ của Nhật Bản và Đại Hàn để các biện pháp hạn chế tăng thêm hiệu quả. (tóm lược bài viết của Minh Khôi trong Google News ngày 12/3/2023, dẫn tin từ Bloomberg)
(2) Liên Minh AUKUS tăng cường phòng vệ chống Trung Cộng
Ngày 15/9/2021, tại căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ Point Loma, San Diego, tiểu bang California, hình thành Liên Minh AUKUS, gồm: Hoa Kỳ + Anh quốc + Australia, trong mục đích bảo vệ an ninh vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng là bảo vệ lợi ích riêng của mỗi quốc gia thành viên.
Ông Charles Edel -Phụ trách chương trình Australia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) tại Washington- trả lời đài RFI, như sau:
“Sự hình thành Liên Minh AUKUS, như một Thông Điệp gởi đến Trung Cộng với ý nghĩa rằng, họ -Trung Cộng- không còn hoạt động trong một môi trường an ninh dễ dãi nữa”. Dù khi thành lập AUKUS không nhắc đến tên Trung Cộng, “nhưng sức mạnh quân sự không ngừng trỗi dậy của Trung Cộng, cũng như việc nước này sử dụng lực lượng một cách hiếu chiến từ 10 năm nay, rõ ràng là lý do để giải thích sự ra đời của liên minh này”.
Ông Michael Green -Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ tại Đại Học Sydney, nhận định:
“Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm ngăn chận tham vọng của Trung Cộng. Nhìn lại 10 năm qua, Trung Cộng cố gắng tạo vùng đệm kiểm soát vùng biển quanh chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương, là từ Đài Loan 🡪 Nhật Bản🡪 đến Philippines. Thậm chí, Trung Cộng cũng muốn đẩy lùi Hoa Kỳ khỏi “chuỗi đảo thứ hai” kéo dài từ đảo Guam đến các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Cũng trong thời gian qua, Trung Cộng xây dựng được sự hợp tác về an ninh và thương mại với 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương, khiến Australia và Hoa Kỳ lo ngại.
Bản tin của Reuters, có bài nhận định của Ông Bates Gill -Giám Đốc Trung Tâm Phân Tách Trung Cộng của Hội Châu Á (Asia Society):
“Ngoài lo ngại Trung Cộng không ngừng phát triển đội tiềm thủy đỉnh, Australia còn phải đối phó với chiến hạm Trung Cộng thường xuyên xâm nhập sâu hơn vào những vùng biển phía bắc Australia. Do đó, Australia cần năng lực răn đe tương tự với trụ cột chính là tiềm thủy đỉnh, vì nhiệm vụ đầu tiên của các tiềm thủy đỉnh là “đuổi những tiềm thủy đỉnh khác”. Nếu chúng can dự một cuộc xung đột thì phải đáp trả tương xứng.
“Chính vì vậy mà trong những năm 2030, Australia có thể sẽ có 5 tiềm thủy đỉnh hạt nhân lớp Virginia, với hợp đồng trị giá từ 66 đến 112 tỷ mỹ kim là dự án quân sự lớn chưa từng có, cho thấy quyết tâm phòng thủ của Australia”.
Ngày 11/3/2023, Thủ Tướng Australia nói rằng: “Nam Australia và Tây Australia sẽ là nơi hưởng lợi lớn từ kế hoạch của AUKUS, vì sẽ rất nhiều việc làm, bao gồm cả việc làm trong sản xuất”.
Thủ Tướng Anh quốc cho biết: “Liên Minh AUKUS đang thắt chặt bang giao với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, nhằm mang lại an ninh, kỹ nghệ mới, và lợi thế kinh tế tại quê nhà.”
Trong khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Australia -Richard Marles- tuần trước nhận định:
“Các nhà phân tách chính trị cho rằng, với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Cộng và họ đe dọa sẽ thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Vì vậy mà giai đoạn hai của AUKUS liên quan đến vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí khác, cần được thực hiện nhanh hơn để tăng khả năng tự vệ trước tham vọng của Trung Cộng thống trị một phần thế giới”.
Ngày 12/3/2023, Thủ Tướng Anh quốc -Rishi Sunak- đến California để thảo luận với hai nhà lãnh đạo Australia và Hoa Kỳ về nội dung chính trong một thỏa thuận quốc phòng mới về hợp tác quốc phòng AUKUS, giai đoạn đầu tập trung phát triển đội tiềm thủy đỉnh hạt nhân cho Hải Quân Australia, có thể gồm tiềm thủy đỉnh hạt nhân lớp Astute của Anh Quốc
Ngày 13/3/2023, trong bản Tuyên Bố Chung của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ Tướng Australia Anthony Albanese, và Thủ Tướng Anh quốc Rishi Sunak, có đoạn:
“Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ bán cho Australia ba tiềm thủy đỉnh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia vào đầu những năm 2030, với sự chọn lựa mua thêm hai chiếc nữa, nếu cần. Kế hoạch với nhiều giai đoạn và sẽ đạt đến đỉnh cao, với việc Anh quốc và Australia sẽ sản xuất và vận hành một lớp tiềm thủy đỉnh mới SSN-AUKUS với sự phối hợp giữa ba quốc gia, dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh quốc, sẽ được sản xuất tại Anh quốc và tại Australia với kỹ nghệ tối tân của Hoa Kỳ.
“Các tiềm thủy đỉnh đầu tiên của Vương quốc Anh được chế tạo theo thiết kế này, sẽ được chuyển giao cho Australia vào cuối những năm 2030. Và các tiềm thủy đỉnh sản xuất tại Australia đầu tiên, sẽ tiếp theo vào đầu những năm 2040. Các tiềm thủy đỉnh này sẽ được chế tạo bởi BAE Systems và Rolls-Royce”.
(Tổng Thống Hoa Kỳ đứng giữa, Thủ Tướng Australia trái, và Thủ Tướng Anh bên phải tại Căn cứ Hải Quân Point Loma ở San Diego, California, ngày 13/3/2023).
Một viên chức Hoa Kỳ cho biết:
“Theo thỏa thuận, trong khi hoạt động sản xuất, thì tiềm thủy đỉnh của Hoa Kỳ và Anh quốc, sẽ được điều động đến vùng Tây Australia sau năm 2027, để giúp huấn luyện thủy thủ đoàn của Australia, và sau vài năm thì số tiềm thủy đỉnh của Hoa Kỳ là 4 chiếc, và của Anh quốc là 1 chiếc, trong mục đích giúp Australia chống những thách thức của Trung Cộng. Chiếc tiềm thủy đỉnh đầu tiên của Hoa Kỳ là Virginia, loại tấn công phi đạn hành trình và chạy bằng năng lượng hạt nhân, hiện đang viếng thăm thành phố Perth, phía Tây Australia”.
Cùng ngày 13/3/2023, Ông Marc Bergman -Giám Đốc Chương Trình Châu Âu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS), có bài phân tách trên đài RFI, như sau:
“Có thể thấy kế hoạch của Liên Minh AUKUS đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Australia và Hoa Kỳ, trong bối cảnh Trung Cộng không ngừng hiện đại hóa quân đội để thực hiện tham vọng áp đảo các quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Kế hoạch cần nhiều thời gian chuẩn bị để thực hiện từ năm 2027, trong khi nhiều tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ đặt căn cứ tiềm thủy đỉnh hạt nhân tại Australia.
“Vì tình hình an ninh nói chung, và những thách thức của Trung Cộng nói riêng, dường như đã làm “nguôi” cơn giận của Pháp, khi Australia hủy hợp đồng mua tiềm thủy đỉnh quy ước của Pháp. Và phải chăng Pháp quốc thay đổi lập trường, nên suốt năm vừa qua (2022), người ta thấy bang giao giữa Pháp với Hoa Kỳ đã thắt chặt trở lại vì vấn đề an ninh chung trên thế giới. Điều này được giải thích, một phần là do Trung Cộng gia tăng những thách thức, và phần khác là do Nga đưa quân xâm lược Ukraina.
“Chúng ta thấy chuyến công du của Tổng Thống Pháp đến Hoa Kỳ hồi tháng 12/2022. Sau đó, phải nói là các viên chức của Pháp không nhắc đến AUKUS. Theo tôi, đó là dấu hiệu Pháp đã nhận được những gì họ muốn, sau cuộc khủng hoảng AUKUS này.
“Pháp cũng thừa nhận ưu thế chiến lược của tiềm thủy đỉnh hạt nhân, so với tiềm thủy đỉnh quy ước mà Pháp định cung cấp. Vì thế, hiện giờ bang giao giữa Hoa Kỳ với Pháp quốc đã thực sự được tăng cường sau khi rơi xuống mức thấp nhất”.
AUKUS sẽ là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ chia sẻ “kỹ nghệ hạt nhân” kể từ khi làm như vậy với Anh quốc vào những năm 1950. Trung Cộng đã lên án AUKUS phổ biến vũ khí hạt nhân là hành động bất hợp pháp.
Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng: “Australia đồng ý đóng góp hằng chục tỷ mỹ kim vào quỹ, để tăng cường năng lực sản xuất và bảo trì tiềm thủy đỉnh của Anh quốc và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang xem xét khoản đầu tư nói trên, ngoài khoản tiền 4 tỷ 600 triệu mỹ kim mà Australia cam kết đóng góp trong giai đoạn 2023-2029, chiếm 15% trong tổng số”.
Một viên chức khác của Hoa Kỳ cho biết thêm: “AUKUS đang lo ngại các đe dọa ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chẳng những từ Trung Công đối với Đài Loan tự trị, và Biển Đông đang tranh chấp, mà còn từ Nga, một quốc gia đã thực hiện các cuộc tập trận chung với TrungCộng và Bắc Hàn”.
Theo thỏa thuận AUKUS, Hoa Kỳ và Anh quốc giúp Australia sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới có tiềm thủy đỉnh hạt nhân, sau Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp quốc, Trung Cộng, Ấn Độ, và Nga. Kế hoạch sản xuất tiềm thủy đỉnh hạt nhân tại thành phố Adelaide, Nam Australia, do Hoa Kỳ và Anh quốc cung cấp cố vấn và kỹ nghệ. (tóm lược bài viết trong e-mail dienbienhoabinh ngày 13/03/2023, dẫn tin từ Reuters)
(3) Tổng Thống Pháp ủng hộ Trung Cộng, bị phản ứng dữ dội phải xoay trở lại
Ngày 6/4/2023, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron công du Trung Cộng. Sau cuộc hội đàm với Chủ Tịch Trung Cộng, Tổng Thống Pháp trả lời báo chí rằng: “Pháp ủng hộ chính sách của Trung Cộng đối với Đài Loan. Không có một Đài Loan độc lập”.
(Chủ Tịch Trung Cộng (trái) và Tổng Thống Pháp ngày 6/4/2023 tại Bắc Kinh. (Hình: Ludovic Marina/AFP/Getty Images)
Sau chuyến công du, Tổng Thống Pháp trả lời phỏng vấn của Les Echos và Poitico rằng: “Châu Âu cần phải độc lập với Hoa Kỳ về chiến lược, để tránh bị cuốn vào vấn đề Đài Loan”.
Phát biểu này đã gây phản ứng dữ dội trong Liên Hiệp Châu Âu (EU) và ngay cả nội bộ nước Pháp. Thượng Viện và Quốc Hội Pháp liền nhấn mạnh lập trường của Pháp “vẫn ủng hộ Đài Loan”, và một phái đoàn của cơ quan lập pháp này sẽ đến thăm Đài Loan trong ngày gần đây.
Giới quan sát Châu Âu nhận định rằng: “Cho dẫu Tổng Thống Macron bỏ rơi Đài Loan, cũng không nên bày tỏ quan điểm quay lưng với Hoa Kỳ. Bởi, trong đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ đã đánh đuổi phát xít Đức ra khỏi nước Pháp, và trao trả nước Pháp cho chánh phủ Pháp lưu vong”. (tóm lược bài viết trong e-mail tienggoinonsong@goolegroups.com ngày 17/4/2023)
Ngày 14/4/2023, Bà Annalen Baerbock -Ngoại Trưởng Đức quốc– trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Cộng, sau cuộc đối thoại chiến lược với Ngoại Trưởng Trung Cộng -Ông Tần Cương- hai Ngoại Trưởng cùng dự họp báo chung. Bà Baerbock đã cảnh báo Trung Cộng rằng: “Không nên sử dụng vũ lực với Đài Loan, vì đó là điều mà Châu Âu không thế chấp nhận, đồng thời kêu gọi Trung Cộng dùng ảnh hưởng với Nga để chấm dứt chiến tranh tại Ukraine”.
Nhóm nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan
Ngày 17/4/2023, Ông Eric Bothorel -Chủ Tịch Nhóm Hữu Nghị Đài Loan của Quốc Hội Pháp- Trưởng Phái Đoàn, cùng với Bà Mireille Clapot và ông Michel Herbillon, là 2 Phó Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội, đến thăm Đài Loan.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bodohei nói rằng: “Bang giao giữa Pháp với Đài Loan không chỉ là kinh tế và thương mại, mà chính sách của Pháp đối với Đài Loan là không thay đổi. Theo đó, Pháp ủng hộ việc duy trì hiện trạng, và Pháp phản đối Trung Cộng phong tỏa hòn đảo này. Những gì đang diễn ra ở Đài Loan, cũng là những gì đang diễn ra trên thế giới, vì vậy mà ngày 9/4/2023 vừa qua, Pháp đã điều động khu trục hạm Prairial đi qua eo biển Đài Loan, vào những ngày mà Trung Cộng tập trận chung quanh quần đảo này, cho thấy Pháp giữ lập trường duy trì hiện trạng của Đài Loan dân chủ và tự do”.
Vẫn Ông Bodohei: “Mục đích quan trọng của chuyến thăm Đài Loan, là tái khẳng định tình giao hữu giữa Pháp và Đài Loan, đồng thời muốn nói với người dân Đài Loan rằng, có nhiều giá trị chung giữa Pháp và Đài Loan, như dân chủ, tự do, và nhân quyền. Chẳng những vậy, mà giữa Đài Loan với Pháp, còn rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau”. (Tóm lược bài của tác giả Tạ Linh – DKN)
Theo báo South China Morning Post ngày 18/4/2023, Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu -Bà Ursula von der Leyen- phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp quốc, rằng: ““Trung Cộng không nên dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Chúng ta cùng kêu gọi hòa bình và ổn định tại “eo biển Đài Loan”. Chúng ta mạnh mẽ phản đối bất cứ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng, đặc biệt là sử dụng vũ lực”.
Sau khi bị dư luận chỉ trích nặng nề, Tổng Thống Pháp phát biểu trong chuyến thăm Hòa Lan hồi tuần trước, rằng: “Người Pháp và người Châu Âu đứng trên cùng một lập trường đối với Đài Loan. Chúng tôi ủng hộ Đài Loan. Chính sách này không thay đổi, và nó chưa bao giờ thay đổi”.
(4) Nhật Bản với Đại Hàn trở thành liên minh NATO nhỏ ở Châu Á
Ngày 16/3/2023, Tổng Thống Đại Hàn Yoon Suk-yeol, gặp Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo. Tại đây, hai vị lãnh đạo đồng ý với nhau lật sang trang sử mới, sau những năm thù địch do lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia. Hai vị lãnh đạo đồng ý sẽ phát triển bang giao song phương ngay lập tức, để giảm thiểu những thiệt hại mà công dân của hai quốc gia phải gánh chịu do căng thẳng giữa hai quốc gia, và theo đuổi các lợi ích chung về an ninh, kinh tế, và nghị trình toàn cầu.
Sau 12 năm gián đoạn các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo Đại Hàn với Nhật Bản, chuyến viếng thăm này của Tổng Thống Đại Hàn, được xem là một chuyến đi làm tan tình trạng đóng băng một cách tốt đẹp.
(Tổng Thống Đại Hàn (trái) và Thủ Tướng Nhật Bản tại Tokyo ngày 16/03/2023. (Hình: Kiyoshi Ota/Pool/Getty Images)
Tổng Thống Đại Hàn nói rằng: “Hai bên đã đồng ý là Đại Hàn + Nhật Bản + Hoa Kỳ, cần phải hợp tác chặt chẽ để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn. Và hai bên cũng đồng ý nối lại “ngoại giao con thoi” bằng những chuyến thăm thường kỳ giữa hai nguyên thủ quốc gia”.
Cùng ngày 16/3/2023, Bộ Kinh Tế & Thương Mại & Kỹ Nghệ Nhật Bản ra thông báo: “Sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất cảng vật liệu bán dẫn quan trọng sang Đại Hàn”.
Đáp lại, Đại Hàn cho biết: “Sẽ rút đơn khiếu nại đã đệ trình lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WHO) về các hạn chế của Nhật Bản”.
Thách thức của Trung Cộng dẫn đến sự hòa giải giữa Đại Hàn với Nhật Bản
Ông Trần Phá Không -Chen Pokong- người gốc Trung Hoa đang sống tại Hoa Kỳ, nhà bình luận chính trị và là cộng tác viên của Epoch Times, nhận định:
“Nhật Bản và Đại Hàn vừa đạt được sự hòa giải, và ngay lập tức tái lập bang giao giữa hai nước như một liên kết để chống những thách thức đe dọa từ Trung Cộng, Bắc Hàn, và Nga. Nhật Bản và Đại Hàn là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, và hợp tác sâu rộng với Ấn Độ, Úc Đại Lợi, và Đài Loan. Tất cả các quốc gia này kết nối với nhau như một NATO thu nhỏ ở Châu Á”.
The Epoch Times ngày 17/03/2023, có bài nhận định của Ông Vương Hách -Wang He- cũng là gốc Trung Hoa đang sống tại Hoa Kỳ, một chuyên gia về Trung Cộng, như sau: “Một trong những yếu tố thúc đẩy sự hòa giải giữa Đại Hàn với Nhật Bản là chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Cộng.
“Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đại Hàn, đang là một liên minh ba bên mà Trung Cộng cố gắng phá vỡ. Trung Cộng thao túng bán đảo Triều Tiên bằng cách chơi trò nước đôi với Bắc Hàn. Hành động này là mối đe dọa an ninh đối với Đại Hàn, và hành động đó đã thúc đẩy Đại Hàn thắt chặt với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch bố trí hệ thống chống hỏa tiễn do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất được lắp đặt tại Nam Hàn từ năm 2016 đến 2017, dù lãnh đạo Đại Hàn là Tổng Thống Moon Jae-in thân Trung Cộng nên phản ứng yếu ớt với Bắc Hàn.
“Sau khi ông Yoon Suk-yeol nhận chức Tổng Thống, với tư tưởng bảo tồn truyền thống, Tổng Thống Yoon liền khôi phục liên minh song phương Hoa Kỳ – Đại Hàn. Bước kế tiếp là hòa giải với Nhật Bản, vì vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một đe dọa nguy hiểm đối với Nhật Bản và Đại Hàn. Trường hợp này, kẻ thù chính của Đại Hàn là Bắc Hàn và Trung Cộng.
Bắc Hàn phóng hỏa tiễn
Theo bản tin của AP, thì ngày 16/3/2023, vài giờ trước khi Tổng Thống Đại Hàn đến Tokyo (Nhật Bản) họp thượng đỉnh, Bắc Hàn phóng một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa -Hwasong 17- như một hành động răn đe.
Quân đội Đại Hàn cho biết: “Bắc Hàn đã phóng hỏa tiễn bay theo hướng đông bắc trong hơn một tiếng đồng hồ với khoảng 994 cây số, và hạ cánh xuống vùng biển phía đông giáp biên giới Trung Cộng và Nga”.
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng loan báo: “Hỏa tiễn của Bắc Hàn đã bay ở độ cao khoảng 9.120 cây số, và hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản sau 70 phút bay”. Tóm lược bài của Minh Ngọc biên dịch trong e-mail hieu@hotmail.com ngày 25/3/2023.
(5) Người Viêt tiếp tục rời bỏ quê hương
Cứ mỗi năm cuộc tranh giành quyền lực ở cấp lãnh đạo thượng tầng vẫn lập đi lập lại, và càng ngày càng gay gắt. Tôi tự hỏi: “Không biết các vị lãnh đạo có biết rằng, từ lâu nay nhiều người dân Việt Nam đã thầm lặng rời bỏ quê hương không? Điều đáng giật mình là ngày nay người ta rời khỏi quê hương mà không một chút vấn vương thương tiếc, cho dù Việt Nam là quê hương cội nguồn, nơi có ông bà cha mẹ anh em, bằng hữu, và có cả một trời thơ ấu, nhưng vì sao người Việt Nam lại tìm mọi cách để rời bỏ đất nước mình?”
Bốn mươi năm trước, người ta buộc phải dứt áo ra đi, buồn thắt ruột khi phải rời bỏ nơi chôn nhao cắt rốn. Thi sĩ Luân Hoán có bốn câu thơ nhớ quê đến mà não lòng:
Trông ra cửa kính, trời mưa tuyết
Ngó lại mình đang, bó tay ngồi
Quê hương nhắm mắt, như sờ được
Sao vẫn buồn xo, đến thế này?
Nếu như ngày trước -1975 đến 2000- người Việt rời xa quê hương đi tị nạn chính trị, nhớ từng chiếc lá me, từng cành phượng vĩ, thương từng viên ngói vỡ, bóng con chim se sẻ trước hiên nhà. Nhưng, ngày nay thì người giàu cũng như nghèo, người gốc Nam hay gốc Bắc, ngay cả con cháu của viên chức lãnh đạo đảng vá nhà nước từ trung ương xuống đến tận cùng các địa phương, cũng tìm mọi cách để rời bỏ đất nước mà không hề ngoái đầu nhìn lại.
Ngày 29/12/2022, trong cuộc họp tại văn phòng Quốc Hội thảo luận về tình trạng các học sinh du học cấp Trung Học và Đại Học, sau khi tốt nghiệp đã không trở về nước, Thứ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng đã nhìn nhận với các đại biểu Quốc Hội rằng:
“Tôi nghĩ, con em của nhiều người ngồi ở đâydu học cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, hai đứa con du học quyết định không trở về”
Vì đâu có tình trạng này? Chiến tranh, nghèo đói cũng không làm người ta rời bỏ quê hương mình. Khi cuộc chiến biên giới bùng nổ vào năm 1979, hàng hàng lớp lớp thanh niên ưu tú sẵn sàng viết đơn bằng máu để xin ra chiến trường. Dù khó khăn, gian khổ người ta vẫn gắn bó, vẫn hãnh diện về dân tộc mình. Tôi nhớ có lần đọc được trong facebook của một em sinh viên nói: “Tôi tự hào vì mỗi tên đất, tên đường ở xứ tôi đều viết bằng tên người chứ không phải đánh số.” Nhưng chỉ vài tuần trước đây, một bài trên trang mạng BBC viết rằng: “Tác giả muốn rời bỏ Việt Nam để con cái mình khi lớn lên được sống làm người tử tế”.
Tôi có dịp gặp một số thanh niên Việt Nam ở Philippines. Họ trẻ, tốt lành và trong sáng, nhưng họ quay lưng hẳn và không muốn nhắc đến tình hình xã hội, chính trị tại đất nước mình. Sự gian dối, giả trá khắp nơi đã làm các em chán nản. Một em chia sẻ với tôi là hầu hết các bạn của em đều cảm thấy bất lực, và luôn tìm cách rời khỏi Việt Nam.
Tôi gặp em H, một thiếu nữ sống một mình ở đất nước xa lạ này. Em sống và chống trả với những bất trắc, bão tố do tình trạng cư trú bất hợp pháp của mình. Gã chủ nhà muốn xâm hại em, thản nhiên cầm điện thoại và hăm dọa nếu em không thuận hắn sẽ báo cảnh sát. Rất may, H là một thiếu nữ thông minh và mạnh mẽ, em đã vượt thoát được.
Tại Thái Lan, tôi gặp chị L, người phụ nữ gầy ốm, da ngăm đen, đứng bán một xe nước dừa bên hè phố. Ban đầu có lẽ nghe chúng tôi nói tiếng Việt, không nhịn được, chị cất tiếng hỏi tôi có phải người Việt Nam không. Thấy người đồng hương tôi vồn vã hỏi thăm, nhưng thấy thái độ chị lẩn tránh và đáp lại bằng tiếng Thái, tôi đoán có lẽ chị đang có vấn đề về di trú. Bốn mươi năm trước, tôi đã gặp một người mẹ cắt ruột đẩy đứa con 6 tuổi của mình ra biển để mong nó tìm được tương lai. Ngày nay, tôi gặp người mẹ khác, cũng thắt ruột bỏ lại đứa con gái năm tuổi của mình cho bà ngoại, để đi kiếm sống ở nước ngoài, đi “tha hương cầu thực”.
Khi đã tin cậy, chị níu chặt lấy cánh tay tôi luôn miệng nói chuyện, quên cả bán hàng. Được một lúc chị móc trong túi áo ra 25 baht tôi vừa trả tiền nước, đưa lại. Chị ngượng ngùng bảo tình cảm mà lấy tiền tối về không ngủ được. Tôi xúc động vì sự tốt lành, vì cái ân tình chị dành cho tôi, một người xa lạ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấu hiểu tấm lòng tha thiết của chị đối với người Việt, đối với quê hương như thế nào. Vậy mà có đến mấy lần, chị nói với tôi là chị không muốn trở về Việt N nữa. Xin ghi lại một đoạn đối thoại của tôi với người phụ nữ này để hiểu vì sao chị không muốn trở về Việt Nam. Tôi cố tình hỏi tiếp:
“Nhưng khi để dành đủ tiền rồi chị về quê mình chứ?”
“Tôi không về đâu”.
“Tại sao lại không về?”
“Ở đây người Thái họ hiền lắm, họ thương mình. Mình đẩy xe đi bán từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về được đến nhà. Đi ban đêm cũng không sợ… Ở đây từ những người thấp nhất trong xã hội như xe ôm hay cảnh sát họ đều giúp đỡ mình hết mình”.
“Nhưng mai mốt chị về thăm con, người khác dành mất chỗ bán của chị thì sao?”
“Không sao đâu, không có mình thì họ bán, khi họ thấy mình đẩy xe tới, họ tự động đẩy xe đi chỗ khác”.
Những dự thảo văn kiện đại hội đảng có bao giờ đặt ra vấn đề vì lẽ gì mà người dân nghèo, lương thiện lại không cảm thấy an toàn ở quê hương mình? Những người như chị bán nước dừa, hay cháu H đâu cần biết gì đến dân chủ hay nhân quyền? Họ cũng không cần biết ngày mai ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành Tổng Bí Thư. Họ chỉ cần một môi trường sống ổn định, an lành. Nơi hàng ngày không phải nơm nớp lo sợ gặp cảnh sát giao thông hay quân cướp giật. Nơi họ kiếm được miếng ăn hàng ngày và không phải im lặng trước những điều tai ác.
Đến bao giờ người dân mình khi “Rời Bỏ” quê hương đều ôm giấc mơ sẽ “Trở Về” để sớt chia những gian nan và dựng xây lại đất nước?
Tôi tự hỏi, những người như Thứ trưởng Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng, các vị Đại Biểu Quốc Hội, những đảng viên “chân chính”… họ nghĩ gì? Họ phục vụ cho ai? Một chính quyền dù có theo đuổi mục đích, lý tưởng cao đẹp gì đi chăng nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà con em họ, khi mà mọi người dân, từ trí thức cho đến chị bán nước dừa, cũng đều muốn rời bỏ Việt Nam.
Tôi cho rằng, các vị lãnh đạo, những người trong bộ máy cầm quyền, hay trong trận đấu đá tranh giành quyền lực năm 2016 – từ anh Công An quèn quen bóp cổ dân, đến các nhân sự tứ trụ triều đình tương lai, cần có câu trả lời chính đáng cho chính mình, và cho những người dân hiền lành, chất phác, đang phải sống lưu vong khắp nơi trên thế giới. (tóm lược bài viết của tác giả Nguyệt Quỳnh 2015 trong e-mail dienbienhoabinh@….)
Tóm tắt chung
Hoa Kỳ tiếp tục ngăn chặn Trung Cộng nhập cảng chip điện tử để sử dụng trong quân sự, trong khi Liên Minh AUKUS thúc đẩy kế hoạch giúp Australia sản xuất đội tiềm thủy đỉnh hạt nhân chống lại thách thức của Trung Cộng. Cũng vì những thách thức từ Trung Cộng, mà Đại Hàn hòa giải với Nhật Bản, và ngay sau đó, hai quốc gia này cùng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ như một “NATO nhỏ” ở Châu Á. Còn lãnh đạo Việt Cộng ôm chặt “16 chữ vàng và 4 tốt” của lãnh đạo Trung Cộng trao cho, vì run sợ mất đảng chớ không sợ mất nước mất dân, nên người dân âm thầm tìm mọi phương cách rời khỏi Việt Nam mà không hề luyến tiếc, dù Việt Nam là quê hương cội nguồn.
Texas, ngày 1 tháng 5 năm 2023
1 comment
Dang “Cuo…” nay dau can den nguoi dan trong nuoc boi vi dan cang di ra nuoc ngoai nhieu thi “dang” nay cang thich, nguoi ta cang gui tien nhieu ve giup do gia dinh ho cang co nhieu ngoai te de tha ho an cuop.