VNTB – “Thường dân” tích cực bị kiểm tra, ai kiểm tra cán bộ?

VNTB – “Thường dân” tích cực bị kiểm tra, ai kiểm tra cán bộ?

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Người đi kiểm tra người dân chưa chắc đã… đàng hoàng, chấp hành đúng quy định pháp luật.

 

 

Ngày 4-3-2024, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đỗ Quang Vinh (SN 1986, chủ khách sạn Palermo, ở thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) mức án 8 năm 6 tháng tù và Đỗ Thị Huyền (SN 1989, nhân viên lễ tân) 7 năm tù cùng về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Cùng vụ án, tòa tuyên phạt Đỗ Trung Hưng (SN 1991, nguyên cán bộ công an) 7 năm tù; Lê Anh Tuấn (SN 1985, nguyên cán bộ công an) 6 năm 6 tháng tù cùng về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngày 9-4-2024, Bùi Thị Ngọc Bích, cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an Hải Phòng), đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân vì sử dụng ma túy.

Và gần đây, trong một diễn biến tương tự, ngày 11/4, Ban giám đốc Công an TP.HCM có chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những cán bộ chiến sĩ trong ngành có sai phạm.

Lý do là có một số cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) tham gia “tiệc ma tuý”, đã bị tước danh hiệu công an nhân dân và đang bị điều tra hình sự.

Được biết hơn 10 ngày trước, khi phối hợp kiểm tra một khách sạn ở khu vực giáp ranh, công an quận Bình Thạnh và Công an phường 3, quận Phú Nhuận đã phát hiện khoảng 10 người đang sử dụng ma túy. Phần lớn trong số này là cán bộ, chiến sĩ CSGT công tác tại Công an quận 1, quận Phú Nhuận.

– Đúng là đời có lắm chuyện bi hài, chẳng biết là nên cười hay nên khóc?

– Cười với khóc mà cũng không biết “xài” cái cảm xúc nào sao? Chuyện gì mà làm anh Tám bực bội dữ vậy?

– Thì câu chuyện các chiến sĩ cảnh sát giao thông sử dụng ma túy bị phanh phui chứ đâu.

– Úi, chuyện đó thì rõ mười mươi là phải khóc rồi. Sao cười nổi anh? Đường đường là người “chấp pháp” trên nhiều con đường mà lại vi phạm pháp luật, cười gì nổi?

– Cười ở đây không phải cười sảng khoái, mà nói theo kiểu của khu phố mình, cười chua chát, cười méo xẹo đó chị Bảy. Đúng như chị đó, là người đi kiểm tra người ta, bắt dân thổi nồng độ cồn, đi kiểm tra ma túy của những người tham gia giao thông mà họ lại như vậy. Chán hết biết!

– Mà nói nghe, nhân câu chuyện này, tui chợt nhớ lại câu chuyện ngày xưa thằng cháu nó đi học, nó về kể. Lúc gần thi tốt nghiệp, trong lớp được giáo viên chia làm hai phe. Một phe đi khảo bài, một phe bị khảo bài. Phe bị khảo bài chịu quá nhiều áp lực, mà lại bất công. Học sinh phe bị khảo bài một ngày có thể bị kêu lên 2-3 lần. Còn phe kia thì nghiễm nhiên thảnh thơi. Làm căng quá, tới lúc tụi bị khảo bài chấp nhận viết kiểm điểm, cúp học. Bữa đó không ai lên khảo bài, giáo viên cho phe đi khảo bài làm bài kiểm tra, cuối cùng lòi ra, tụi nó có chịu học bài nào đâu. Y chang như vụ này, đi kiểm tra người dân, mà chưa chắc người kiểm tra đã… đàng hoàng, chấp hành đúng quy định pháp luật.

Cũng xin được nhắc lại câu chuyện cũ, đến giờ vẫn còn rất tích cực “ra quân” thực hiện. Nhằm tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Ừ thì người dân bị dừng xe bất chấp có ảnh hưởng đến cuộc sống, đến chén cơm, đến gia đình của họ hay không để kiểm tra cái gọi là nồng độ cồn, vậy thì ai là người kiểm tra các chiến sĩ cảnh sát giao thông cầm ống thổi đứng ở các ngã đường?

Có chắc là tất cả những chiến sĩ tham gia kế hoạch thổi nồng độ cồn đó sẽ không có cồn trong người hay tối hôm qua không có đi nhậu hay không? Ai là người sẽ kiểm tra, ai là người sẽ thật sự công tâm đưa ra kết quả chính xác nhất?

Liệu rằng, phận dân đen có thể biết được câu trả lời?

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)