VNTB – Thượng tọa Thích Chân Quang đã chính trị hóa đạo Phật

VNTB – Thượng tọa Thích Chân Quang đã chính trị hóa đạo Phật

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Tôn giáo nào không có được tờ giấy phép công nhận của nhà nước thì đó là tổ chức… “phản động” (!?).

 

Ở lớp tập huấn mang tên “Khóa bồi dưỡng nhiệm vụ trụ trì”, Phật lịch 2567 với diễn giả được treo bảng tên “TT.TS Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang”, tổ chức tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi, Vĩnh Long ngày 25-7-2023 do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức; và clip được trích đăng lại với tựa đề “Cẩn thận trước các âm mưu phá đạo” hôm 1-6-2024 trên kênh youtube Pháp Quang – Sen Hồng, cho thấy quan điểm được xác nhận của diễn giả, là đạo Phật ở Việt Nam đồng nghĩa với nền chính trị của thế chế. Theo đó, bất kỳ tôn giáo nào không tán đồng, không cùng quan điểm với nền chính trị đó, dưới góc nhìn của diễn giả Thích Chân Quang, đều là “âm mưu phá đạo”.

Quan điểm này có thể hiểu là góc nhìn cá nhân của một trụ trì chùa có học hàm tiến sĩ luật của Trường Đại học Luật Hà Nội vốn được trình bày ở luận án “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức Thích Chân Quang. Và góc nhìn này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tán thành.

Cá nhân người viết cho rằng nội dung ở khóa tập huấn kể trên, như tên gọi “Khóa bồi dưỡng nhiệm trụ trì”, diễn giả Thích Chân Quang đã thiếu thận trọng khi sử dụng câu từ mang tính nhận định – trích:

Có những sự cạnh tranh thầm lặng nhưng gay gắt giữa các tôn giáo. Tôn giáo thì ta có các tôn giáo bạn, tôn giáo bạn nghĩa là những tôn giáo mà được nhà nước công nhận, có giấy phép, người ta gọi đó là tôn giáo bạn, cũng giống như mình có phép. Cũng có một số đạo lạ, không hợp pháp mà cũng đang tìm cách lôi kéo quần chúng. Mấy cái đạo lạ mà không hợp pháp đó thường là phía sau lưng họ có những ý đồ xấu, họ phản động. Họ lôi kéo quần chúng rồi họ chống nhà nước.

Mấy cái đó, họ cũng cạnh tranh với đạo Phật ghê gớm, họ giả vờ mang hình thức đạo Phật để lôi kéo tín đồ đạo Phật sau đó họ chuyển thành cái đạo của họ. Đó là cái mánh khóe, đó là cái mánh khóe của họ.

Một số thế lực tình báo chính trị cũng tìm cách chống phá đạo Phật, họ có cái lý do gì đó họ cũng không thích đạo Phật, mà trong số lý do đó là vì sao, vì đạo Phật đồng hành với dân tộc qua các lịch sử chiến tranh kháng chiến, đạo Phật ta luôn luôn đứng về phía dân tộc. Cho nên muốn đánh đạo Phật ta, thì phải đánh đạo Phật trước…” (dừng trích).

Có một chi tiết cần lưu ý là mở đầu lớp tập huấn này, diễn giả Thích Chân Quang yêu cầu sau “khóa học nâng cao”, các học viên phải “làm bài thu hoạch”, sau thời gian làm bài 15 ngày và nộp chấm điểm để dựa vào đó đánh giá kết quả, phát thưởng. Yêu cầu là “bài làm dưới 10 trang A4 là zero điểm”.

Như lập luận của diễn giả Thích Chân Quang thì lằn ranh “tôn giáo bạn” – “tôn giáo thù địch” là một “sát-na” (*) của chính quyền; khi mà hôm qua “cấp phép”, thời gian sau thì “thu hồi” như đối với “Hội Thánh Đức Chúa Trời”.

Và nếu căn cứ vào tờ giấy phép này thì bất kỳ tổ chức Phật giáo nào không đồng ý gia nhập, quy thuận dưới trướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đều là “tôn giáo thù địch”, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức vẫn được xem là, nói theo cách của diễn giả Thích Chân Quang: “sau lưng họ có những ý đồ xấu, họ phản động. Họ lôi kéo quần chúng rồi họ chống nhà nước.

Hiểu một cách khác, diễn giả Thích Chân Quang muốn lưu ý với các trụ trì chùa ở “khóa bồi dưỡng nhiệm vụ” này là hãy coi chừng, bởi đi tu cũng dễ… đi tù nếu dám ngờ vực vào thể chế chính trị của nhà chức trách đương quyền (!?).

 

_____________________

Chú thích:

(*) Sát-na, tiếng Phạn là Khana hoặc ksana. dịch nghĩa ra là “Niệm khoảnh”, nghĩa mà ý niệm trong một khoảnh khắc rất ngắn. Có rất nhiều tư liệu nói về độ ngắn dài của sát-na, cụ thể: Theo Câu Xá Luận, ở quyển 12 có viết: Một trăm hai mươi sát na mới bằng một Đát sát-na, sáu mươi Đát sát-na mới bằng một Lạp Phược, ba mươi Lạp Phược mới bằng một Mâu hộ Lật Đà, mà 30 Mâu hô Lật Đà là bằng một ngày một đêm. Như vậy, theo như Câu Xá Luận thì sát-na tương đương 0.013 giây, hay 1 giây có thể có gần 100 sát na.

Theo ngôn ngữ Phật giáo thì “sát-na” là một khoảng thời gian rất nhỏ, nhưng trong mỗi sát-na đều tồn tại sự sinh sự diệt.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    CTS Victoria 4 weeks

    Những thầy tu mà chưa hiểu chính tà trong lòng của mình thì có nói gì cũng bằng thừa. 
    Là một LS, không biết dùng pháp lý để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tôn trọng nhân quyền thì chỉ là giả dối với chính mình và lường gạt những tín đồ trong chốn u minh.