Ghi chép của H.Dân – Đ.Tường
(VNTB) – Nhiều trụ bơm xăng ở không ít cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM chiều 28-10 đang hoạt động cầm chừng theo kiểu 4 trụ thì chỉ 1 trụ hoạt động; và trụ đó cũng chỉ ‘phục vụ’ một vòi bơm xăng thay vì hai như thường lệ.
“NSHPETRO nhờ sự phối hợp của cơ quan ban ngành địa phương khi phát hiện hệ thống khách hàng của NSHPETRO đóng cửa không đúng quy định, hết hàng cục bộ xin thông báo về công ty để kịp thời hỗ trợ động viên và cung cấp xăng dầu phục vụ bà con địa phương qua số điện thoại Mai Văn Thành 0907.964.168; Pham Quốc Nam 0939.725.799” – ông Mai Văn Thành, phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSHPETRO) đã ký phát hành một văn bản “kêu gọi” như vậy.
Tuy “kêu gọi” là thế, nhưng theo ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSHPETRO, cho rằng các giải pháp ổn định thị trường hiện nay cơ bản hướng đến các thương nhân đầu mối mà chưa quan tâm đại lý – người trực tiếp bán hàng hoá. “Trong khi rõ ràng họ là người chịu thiệt nhiều nhất, thua lỗ trong vài tháng họ có thể trụ được, còn tình trạng này diễn ra thời gian dài làm sao họ còn vốn để làm ăn”, ông Huy nói.
“Tôi đặt một xe bồn 6.000 lít xăng, họ chỉ giao cầm chừng 1.000 – 2.000 lít, do vậy chỉ bán vài ngày thì hết. Phân phối nhỏ giọt khiến việc mua bán rất khó khăn, mệt mỏi”, một chủ cây xăng ở trên tuyến quốc lộ 91, đoạn huyện Châu Phú, An Giang than thở.
Ông Lê Văn Thanh ở thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình có ba cửa hàng xăng dầu. Trước tình trạng được Bộ Công thương gọi là “thiếu xăng dầu cục bộ”, dẫn đến chiết khấu 0 đồng, đã diễn ra từ tháng 7 đến nay, ba cửa hàng của ông phải gánh khoản lỗ gần 300 triệu đồng mỗi tháng. “Gia đình tôi kinh doanh xăng dầu hơn 30 năm chưa gặp phải tình cảnh này bao giờ”, ông nói.
Ông Thanh cho biết công ty có ký cam kết sản lượng với doanh nghiệp đầu mối nhưng mấy tháng qua, sản lượng không được nhập đủ 100% nên ngày bán, ngày nghỉ. Trong khi đó, giá chiết khấu (giao tại kho) hiện là 50-200 đồng một lít xăng, trừ chi phí vận chuyển, kinh doanh không có lời.
Ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM), cho hay, Hợp tác xã có hai cây xăng nhưng nguồn xăng được giao về nhỏ giọt, thậm chí 2-3 ngày chỉ được 6.000 lít xăng, nên thường xuyên không đủ xăng để bán, có ngày bán đến 14 giờ là hết xăng.
Ông Lèo nói thêm rằng đó là thực tế của đúng 1 tuần lễ sau chuyến thị sát kho xăng dầu Nhà Bè của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Từ ngày 26-10, trên đường Xuyên Á, tuyến “quốc lộ”, huyết mạch quan trọng nối giữa TP.HCM đi phía tây thành phố và tỉnh Tây Ninh, ghi nhận tình trạng có tới 10 cửa hàng hoặc hết xăng hoặc bán giới hạn, trên đoạn đường chỉ hơn 10 cây số.
Ở Vân Đồn, Quảng Ninh, nhiều tàu thuyền đã phải nằm bờ khi cây xăng từ chối bán xăng dầu vào can, vào phuy, vào téc… với lý do là để chống đầu cơ. Mà chủ tàu thì không thể vác cả con thuyền hàng chục tấn đến cây xăng được.
Vậy là xăng dầu đang thiếu ở miền Nam, ở miền Tây, ở miền Trung, và cả ở miền Bắc. Bộ Công Thương, dường như đang bất lực trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu…
Thế nhưng khá bất ngờ là trong tình cảnh oái oăm trên, đăng đàn ở nghị trường Quốc hội hôm 28-10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị sửa đổi quy định trong quản lý về kinh doanh xăng dầu, trong đó “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương” gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động, thay vì liên bộ Công thương – Tài chính như lâu nay.