VNTB – Tính tuổi nghỉ hưu để nhận bảo hiểm xã hội: nên tăng hay giảm?

VNTB – Tính tuổi nghỉ hưu để nhận bảo hiểm xã hội: nên tăng hay giảm?

Thới Bình

 

(VNTB) – Nghỉ hưu sớm để có thể sử dụng quãng đời sau nghỉ hưu được làm những gì mà mình mong muốn…

 

Trong góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã xuất hiện không ít ý kiến cho rằng cần phải giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động.

Hiện tại, quy định đối với người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hay bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Còn đối với những người lao động có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt thì có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu và tuổi nhận bảo hiểm xã hội

Có một lưu ý đó là tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, Việt Nam mới bắt đầu bước vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (được thực hiện từ năm 2021) để đến năm 2028 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 62 tuổi và đến năm 2035 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 60 tuổi.

Xét về “nội dung”, mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu là có thể hiểu bởi người lao động sức khỏe đã giảm sút nhiều nên muốn tuổi nghỉ hưu thấp để có thể nhận tiền lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội sớm; khi ấy nếu tiếp tục làm việc thì có phần thu nhập tăng thêm ngoài lương hưu.

Trong chiều ngược lại, doanh nghiệp đa phần không muốn sử dụng người lao động tuổi cao vì năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc không tương xứng với tiền lương họ phải trả, mà muốn sử dụng lao động trẻ, khỏe.

Theo một khảo sát từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thì với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60, sẽ có 400.000 người/năm tiếp tục làm việc, trong khi vẫn có khoảng 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, gây ra tình trạng tắc nghẽn thị trường lao động.

Chuyên gia về lao động, ông Mai Đức Thiện nói rằng tính toán bình quân mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động, và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/ năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn.

Sức khỏe người lao động khó thể chờ…

Theo một đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Ở góc độ của công nhân sản xuất trực tiếp với những người tham gia gián tiếp trong xuất khẩu sản phẩm, đặc thù những ngành như thủy sản, dệt may hoặc da giày, trong nhiều năm qua, tỷ lệ người chờ đủ được số tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành thì  tỷ lệ đó rất là nhỏ, chỉ khoảng 10 đến 20 năm.

Một luật sư chuyên về lao động, nhận xét rằng quy định của tuổi về hưu dùng để làm căn cứ cho quỹ bảo hiểm xã hội của nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi là phù hợp hơn, bởi với những công việc đặc thù như công nhân trong các nhà máy sản xuất, giáo viên mầm non… thì chỉ sau 40 tuổi, sức khỏe của họ đã giảm sút nghiêm trọng, phần lớn không thể đảm nhận tốt công việc nếu phải làm việc tới ngoài 50 tuổi.

Chưa hết, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu trong giải quyết các vấn đề bảo hiểm xã hội như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của mỗi người, bởi cuộc đời một con người cũng không dài, độ tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang ở mức 70,6.

Tất cả người lao động đã dành thời gian đẹp nhất của cuộc đời cho công việc, cho đi làm. Vì vậy, đa số họ mong muốn tuổi nghỉ hưu sớm để có thể sử dụng quãng đời sau nghỉ hưu được làm những gì mà mình mong muốn, làm cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn là việc phải tiếp tục kéo dài chuỗi ngày lao động ở lúc mà sức khỏe đã đi vào bên kia sườn dốc của cuộc đời…

Người viết cho rằng để dung hòa, nhà nước chỉ nên khuyến khích tăng tuổi hưu những ngành nghề đặc thù ở các vị trí quản lý, đối với công chức nhà nước, lãnh vực mà có nhiều người dù đến 70 tuổi vẫn còn sức lực và khả năng cống hiến, không nên tăng tuổi hưu theo kiểu cào bằng vì có thể sẽ gây ra hiệu ứng ngược.

Tại sao chúng ta không mở vấn đề ra theo hướng làm đủ một khoảng thời gian nào đó, đến tuổi hưu 55 với nữ, 60 với nam của thể trạng sức khỏe người Việt, họ vẫn được lựa chọn để tùy ý nghỉ hưu hoặc ở lại làm việc tiếp. Đặc biệt, những chức danh quản lý vẫn có thể cống hiến lâu dài, chứ không phải là chuyện đam mê trong níu kéo những vị trí quyền lực…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)