Cảnh Chân
(VNTB) – Tô Lâm gọi Mỹ là “Hoa Kỳ”, nhưng vẫn là những lời lẽ kêu gọi hoà hợp như những lãnh đạo cộng sản khác, vẫn đi dưới sự lãnh đạo của Đảng, vẫn theo con đường XHCN…
Tô Lâm vừa có bài viết nhân dịp lễ 30/4 mang tên “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Bài viết chia là 5 phần chính, nhưng dư luận viên CSVN chỉ trích dẫn một nửa phần thứ 4 để tuyên truyền dắt mũi người dân. Khiến một số người đọc lướt qua cứ tưởng người đứng đầu CSVN thật sự muốn hoà hợp hoà giải.
Nói riêng về phần thứ 4 này trước, có tựa đề “Nửa thế kỷ khôi phục, hàn gắn và phát triển”. Tóm ý phần này, Tô Lâm dành 3 đoạn để nói về hy sinh, mất mát của dân tộc và nỗ lực hoà hợp hoà giải của CSVN. Dư luận viên chỉ tuyên truyền 6 đoạn phía dưới. Rằng Tô Lâm đã đi và thấy nhiều sự khác biệt về quan điểm chính trị nhưng vẫn đều là con dân đất Việt.
Trích ra có một số ý đáng quan tâm trong phần tuyên truyền này là Tô Lâm viết sẽ “tôn trọng sự khác biệt về quan điểm chính trị”. “Không lý do gì để chia rẽ, hận thù”. Kêu gọi “hoà hợp”, “chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng”. “Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài”. “Không thể viết lại lịch sử, nhưng có thể hoạch định lại tương lai”.
Nói chung Tô Lâm tỏ ra là CSVN luôn đúng, bao dung, biết lắng nghe, tôn trọng khác biệt, muốn viết lại tương lai. Đây là tự ca ngợi Đảng Cộng Sản, tỏ ra quân tử, tuyên truyền để người dân thấy Đảng luôn muốn có ý tốt.
Nhưng, đối chứng với thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Nếu tôn trọng sự khác biệt thì Việt Nam đã không có tù nhân chính trị. Tôn trọng sự khác biệt thì đã không độc quyền quản lý nhà nước, độc đảng, độc tài cầm quyền. Nếu nhà nước “dám” lắng nghe thì đã không tung lực lượng an ninh mạng đi canh từng tài khoản mạng xã hội, trù dập, đe doạ người dân nói lên sự thật. Ví dụ, mới đây nhất là cô MC Bích Hồng của đài SCTV, chỉ vì than phiền do kẹt xe mà đã bị “phong sát”, đuổi việc. Nếu không chia rẽ, hận thù thì tuyên giáo Việt Nam đã không dùng những từ như “nguỵ”, “phản động”, “Cali”, “ba sọc”, “khát nước”… để chụp mũ người dân phản biện.
Nếu Tô Lâm thật sự “hoạch định lại tương lai” thì có dám xoá bỏ điều 4 Hiến pháp, thực hiện phúc quyết toàn dân, trưng cầu dân ý, chấp nhận đa đảng, tự do bầu cử, tự do ứng cử không?
Nhiều đời lãnh đạo CSVN đã từng nói như Tô Lâm nói, và bây giờ Tô Lâm cũng y như vậy. Thì tức là các đời lãnh đạo trước nói nhưng không làm được, nói một đường làm một nẻo, lừa dân. Để tới lúc này Tô Lâm vẫn phải lặp lại chuyện tôn trọng, hoà hợp, lắng nghe. Và với hệ thống tuyên giáo, dư luận viên như hiện nay thì chắc chắn Tô Lâm cũng sẽ như những người tiền nhiệm: lừa dân, nói một đường làm một nẻo.
Quay lại toàn văn bài viết, hai đoạn đầu là phần mở bài. Tô Lâm ca ngợi chiến thắng vĩ đại, giải phóng miền Nam, khát vọng hoà bình dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Phần này có một câu cuối đáng chú ý là “giành lại độc lập vào năm 1945, đánh đuổi thực dân vào năm 1954 và thống nhất đất nước vào năm 1975”. Không nói tới Pháp, Mỹ, và cũng không nói tới cuộc chiến chống Trung Quốc 1979. Cũng dễ hiểu, hiện nay “cây tre Việt Nam” không muốn mích lòng ai trong giai đoạn khó khăn này.
Phần 2 có tựa đề “Thắng lợi của dân tộc anh hùng”. Trong đó nhắc tới lời ông Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (đây cũng là tựa đề chính của toàn bộ bài viết). Đoạn cuối của phần này có viết: “đó là chiến thắng của công lý trước cường quyền”. Dù không viết thẳng ra, nhưng Tô Lâm có ẩn ý rằng CSVN là công lý, còn Mỹ và VNCH là cường quyền. Viết mấp mé như cũng cho thấy Tô Lâm ngại nhắc thẳng tên “cường quyền” trong lúc phải ngoại giao cây tre để xin Mỹ giảm thuế.
Phần 3 có tên “Ý chí, tâm nguyện thống nhất đất nước”. Nói về 30 năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc (1945-1975). Cũng không ghi tên ai, nhưng tự hiểu là Pháp và Mỹ. Hai nước này hiện cũng đã nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Hoá ra làm đối tác ngoại giao cấp cao nhất rồi, nhưng CSVN vẫn coi họ là kẻ thù, kết bạn chỉ để xin tiền, chứ trong bụng vẫn nuôi thù.
Đoạn cuối của phần 3 có nhắc tới “các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã đồng hành, giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm tháng giải phóng dân tộc”. Tức là cảm ơn Trung Quốc, Liên Xô.
Phần 4 thì đã phân tích ở trên.
Phần 5, phần cuối, có tên “Nhìn về phía trước – kế tục và kiến tạo, đổi mới và phát triển”. Nội dung cũng chung chung na ná những bài phát biểu của các lãnh đạo cộng sản xưa nay. Vẫn là đoàn kết xây dựng đất nước phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa… Tới đây thì có thể thấy sẽ không có gì thay đổi với bộ máy cầm quyền cũ, con đường cũ.
Kết lại, bài viết này của Tô Lâm cũng mang hơi hướng cũ. Nhưng có một điểm mới là không nhắc trực tiếp tới tên cựu thù Pháp, Mỹ-Nguỵ như thường thấy, cũng không có tên Trung Quốc, Liên Xô. Như đã nói ở trên, Việt Nam đang ở thế kẹt, cần đàm phán xin Mỹ giảm thuế nên chuyện này cũng dễ hiểu. Cộng sản mà qua giai đoạn khó khăn thì đâu lại vào đó. Hãy nhớ lời khuyên của cố tổng thống VNCH, Nguyễn Văn Thiệu: “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn thật kỹ những gì cộng sản làm”!
————————
Tham khảo
(1)https://congthuong.vn/toan-van-bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-385100.html