(VNTB) – Ở trong nước thì cho người bôi nhọ, chửi bới Mỹ; đi tới Mỹ thì lại ca ngợi, nịnh bợ người Mỹ và nước Mỹ
Lần đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tô Lâm chắc chắn sẽ mong muốn được tiếp đãi trọng thể. Nhưng ngày đầu tiên, chỉ có Đảng Cộng sản Hoa Kỳ tiếp kiến Tô Lâm một cách sơ sài.
Hoa Kỳ là một nước dân chủ đa đảng, nhưng không phải đảng nào cũng lớn và đủ sức cạnh tranh ghế tại nghị viện. Theo số liệu của BBC thì Đảng Cộng sản Hoa Kỳ chỉ có số lượng khoảng 3000 đảng viên. Trong khi đó, Đảng Dân chủ có hơn 47 triệu đảng viên, Đảng Cộng hòa thì hơn 33 triệu đảng viên, còn Đảng Tự do có hơn 330 ngàn đảng viên. Còn theo báo chí Việt Nam thì đảng Cộng sản Hoa Kỳ có khoảng 15 ngàn đảng viên, dù số liệu nào thì nó cũng là quá ít và không có ảnh hưởng về mặt chính trị tại xứ cờ hoa.
Ngoài việc gặp Đảng Cộng sản Hoa Kỳ thì Tô Lâm cũng chỉ có thể gặp một vài đại diện của các công ty công nghệ tại Hoa Kỳ. Nhưng thực tế cuộc gặp này là do phía Việt Nam tổ chức, mời các tập đoàn Hoa Kỳ tới để kêu gọi đầu tư, chứ không phải phía Hoa Kỳ đứng ra tổ chức và mời Tô Lâm. Cho nên các công ty này chỉ cử những đại diện tầm trung tới nói chuyện, chứ không thấy chủ tịch tập đoàn hoặc CEO nào tới trong buổi nói chuyện.
Có lẽ đã biết trước sẽ không được chiêu đãi nồng hậu, nên Tô Lâm đã chuẩn bị sẵn bài phát biểu nịnh bợ công đức của Hoa Kỳ với hy vọng được gặp gỡ trực tiếp tổng thống Joe Biden, hoặc ít nhất là phó tổng thống Kamala Harris để có cái mà khoe với người dân trong nước.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 1 năm Việt Nam được Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Tô Lâm đã dùng những từ có cánh để nói về mối quan hệ Việt – Mỹ, trái ngược hẳn với những lời chửi bới tuyên truyền chống Mỹ, chống cách mạng màu trong nước.
Cụ thể, ở phần nói về lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, Tô Lâm đem Hồ Chí Minh ra làm ví dụ lịch sử:
“Gần 80 năm trước, Việt Nam độc lập đồng minh hội, theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ động tìm cách hỗ trợ các phi công Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II. Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.
“Trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 14 bức thư đến các Lãnh đạo Mỹ để trao đổi về tình hình Đông Dương và tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong bức thư đề ngày 16-2-1946 gửi Tổng thống Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Mỹ”.
Hồ Chí Minh đã dùng 15 năm cuối đời để chửi bới, chỉ trích nước Mỹ với tất cả những ngôn từ hạ tiện, dơ bẩn nhất. Nên việc dùng Hồ Chí Minh để nói về mong muốn quan hệ hợp tác với Mỹ cho thấy Tô Lâm đang rất tráo trở. Nhưng nếu không đưa ông Hồ ra làm bình phong thì không được, vì nếu thừa nhận ông Hồ chống Mỹ thì bây giờ hợp tác với Mỹ thì lại đi ngược với “những lời bác Hồ dạy”, khác nào nói ông Hồ sai lầm, vậy thì làm sao giải thích với người dân trong nước.
Tiếp theo, Tô Lâm cho rằng “quan hệ giữa hai nước đã trở thành hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh”.
“Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ chưa từng thấy, từ cựu thù chúng ta trở thành bạn rồi Đối tác toàn diện vào năm 2013, và sau 10 năm triển khai Đối tác toàn diện, hai nước đã đạt nhiều bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Đó là cơ sở vững chắc để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây thực sự là đỉnh cao của tiến trình hàn gắn và phát triển quan hệ song phương, đồng thời là thành quả kết tinh của vô vàn nỗ lực hàn gắn, xây dựng lòng tin bền bỉ trong suốt ba thập niên qua của nhiều thế hệ lãnh đạo, bạn bè trong chính quyền, quốc hội hai nước và nhân dân hai nước, trong đó có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ”.
Như vậy, Tô Lâm chẳng những nịnh bợ Mỹ mà còn nhắc tới sự đóng góp của bà con Việt Kiều tại Mỹ, những người Việt tị nạn cộng sản. Tới đây có thể thấy rõ sự tráo trở và chính sách ngoại giao hai mặt của người đứng đầu đảng. Ở trong nước thì Việt Nam tuyên truyền chửi bới người Việt tại Mỹ là đu càng, ba que, mất nước. Đặc biệt là trong những tháng gần đây, Việt Nam còn bôi nhọ đại học Fulbright là âm mưu diễn biến hòa bình, làm cách mạng màu. Và bây giờ đi Mỹ thì lại cầu cạnh, nịnh bợ.
Chắc chắn người Mỹ không dễ mắc bẫy, để nghe vài câu nịnh bợ của Tô Lâm mà tưởng rằng Tô Lâm sẽ thay đổi chiến lược ngoại giao hay thay đổi cách vận hành cơ chế chính trị độc tài. Muốn có một mối quan hệ bền chặt với người bạn lớn như Hoa Kỳ thì Tô Lâm và đảng cộng sản phải bày tỏ sự chân thành, thật lòng. Nhưng điều đó chắc chắn là không thể, vì có người cộng sản nào mà không giả dối, gian xảo đâu!
____________________
Tham khảo: