Nguyễn Huyền
(VNTB) – Nếu thị trưởng không phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ tốt hơn nhiều.
Ở Việt Nam cho đến hiện tại là không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị trong quốc hội, do đó nếu thị trưởng là đảng viên đảng cộng sản, thì về nguyên tắc thị trưởng phải tuân thủ theo chỉ đạo của bí thư thành ủy ở địa phương có chức danh thị trưởng thay cho chủ tịch ủy ban nhân dân.
Mới đây, tại hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng” ở đô thị cho phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Từ yêu cầu trên cho thấy rằng cơ bản có hai vấn đề rất khó để gọi là “nghiên cứu kinh nghiệm các nước”, vì thứ nhất, thị trưởng là người có quyền hạn cao nhất trong bộ máy chính quyền thành phố, điều hành trực tiếp hoạt động của chính quyền thành phố.
Như vậy, thị trưởng thâu tóm vai trò của bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố vào một. Và như vậy thì xem ra khả năng mâu thuẫn với tuyên bố lâu nay là đảng lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, chứ đảng không làm thay công việc của nhà nước.
Thứ hai là cách thức chọn thị trưởng khác với cách chọn bí thư thành uỷ và chủ tịch thành phố. Thị trưởng được cử tri toàn thành phố bầu chọn trực tiếp bằng lá phiếu dân chủ, không liên quan gì đến khẩu hiệu quen thuộc “đảng cử – dân bầu”. Khi đó, bầu cử thị trưởng buộc phải có tranh cử rõ ràng, phải có luật bầu cử minh bạch về phổ thông đầu phiếu.
Trong khi đó thì bí thư thành ủy tuy về hình thức là do Ban chấp hành Đảng bộ thành phố bầu ra, nhưng trước hết phải thỏa mãn các yêu cầu: phải là ủy viên trung ương Đảng hay ủy viên Bộ chính trị, nhất thiết phải được Bộ chính trị đề cử, sau đó Ban chấp hành Đảng bộ thành phố bỏ phiếu bầu theo đúng người được Bộ chính trị đề cử.
Thống kê cho thấy hầu như 100% kết quả bỏ phiếu của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhất trí với đề cử của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND thành phố cũng cần phải là ủy viên Trung ương Đảng đối với Hà Nội và TP.HCM, và dĩ nhiên đây cũng do Bộ Chính trị đề cử, sau đó Hội đồng Nhân dân thành phố bỏ phiếu. Hội đồng Nhân dân thành phố cũng thường nhất trí hoàn toàn với đề cử của Bộ Chính trị.
Trên thế giới chưa ghi nhận quốc gia “không cộng sản” nào có cách thức bỏ phiếu bầu chọn chủ tịch UBND tỉnh, thành phố như Việt Nam. Điều này cũng tương tự như các quốc gia có nền kinh tế thị trường thì hiện chỉ mỗi Việt Nam là thêm yêu cầu “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Khi đã gọi “tòa thị chính – thị trưởng” thì có nghĩa đó là kiểu “chính quyền đô thị”.
Ghi nhận về chính quyền đô thị ở Mỹ do các tiểu bang tự quyết định và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, vì nó thực hiện những nhiệm vụ thiết yếu trong việc quản lý và cung cấp các dịch vụ xã hội. Do mức độ đô thị hóa cao, nên chính quyền đô thị được coi là hình thức chính quyền địa phương quan trọng nhất.
Chính quyền đô thị có 3 hình thức chính:
– Thị trưởng – hội đồng: đây là hình thức có từ lâu đời và phổ biến ở Mỹ cho đến đầu thế kỷ 20. Cấu trúc của chúng tương tự như chính quyền liên bang và tiểu bang.
Thị trưởng được bầu trực tiếp và đứng đầu hành pháp, trong khi hội đồng được bầu như là cơ quan lập pháp. Thị trưởng có quyền bổ nhiệm các viên chức thuộc về các cơ quan hành pháp (các phòng, ban, sở); hội đồng chủ yếu làm công việc lập pháp: thông qua các quy định, pháp lệnh, ngân sách, thuế suất của địa phương.
– Ủy ban: hình thức này kết hợp cả hành pháp và lập pháp vào một nhóm người, tức là ủy ban, được bầu trực tiếp. Mỗi ủy viên đồng thời chịu trách nhiệm một đơn vị hành pháp (sở hay ban, phòng). Người đứng đầu ủy ban được gọi là thị trưởng nhưng không có thực quyền lớn hơn so với các ủy viên khác, vì vậy khác hẳn các thị trưởng trong mô hình thị trưởng – hội đồng.
– Thuê giám đốc: với hình thức này, người dân bầu ra hội đồng thành phố. Hội đồng chỉ thực hiện hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách.
Việc quản lý và thi hành chính sách được giao cho một nhà quản lý chuyên nghiệp, tương tự như mô hình của các công ty. Thông thường, nhà quản lý này không có nhiệm kỳ (vì được thuê) và phải thể hiện được khả năng quản lý thì mới có thể được tiếp tục thuê.
Tại Mỹ có nhiều thị trấn và thành phố được điều hành như một doanh nghiệp, thậm chí có thể phá sản nếu không đủ chi trong nhiều năm. Mặc dù hình thức này mới xuất hiện gần đây nhưng đang có triển vọng và phát triển nhanh tại Mỹ bởi nó thể hiện được tính chuyên nghiệp trong quản lý, đồng thời cũng đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu của người dân mà hội đồng thành phố là đại diện.
Trong hình thức này, nhà quản lý (được hội đồng thuê) có những quyền điều hành độc lập khá lớn được xác định rõ trong luật pháp quy định của địa phương; hội đồng dân cử trong mô hình này có khi chỉ gồm 3 người, chủ yếu theo dõi việc thực hiện chính sách mà bản thân chính sách này đã tương đối ổn định trong nhiều năm.
Mô hình này được người dân Mỹ đánh giá cao về tính hiệu quả trong điều hành nhà nước ở địa phương.
Như vậy, nếu Việt Nam thật sự muốn “nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “tòa thị chính – thị trưởng ở đô thị” thì có thể dễ dàng tìm hiểu từ kinh nghiệm nước Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác như Anh, Pháp, Úc,… Thế nhưng khi thêm yêu cầu “đặc thù Việt Nam” thì sẽ là nan đề, vì gần như không có hình mẫu nào tương tự về thể chế chính trị độc tài toàn trị đang thành công trong “chính quyền đô thị” với vai trò của “tòa thị chính – thị trưởng”.
Vấn đề trên thể hiện rõ nét ở “Đối thoại Hữu nghị – Friendship Dialogue, FD” vừa được TP.HCM tổ chức hồi thượng tuần tháng 12 này. Hội nghị quy tụ đại diện của 24 địa phương thuộc 12 nước: Lào, Campuchia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Nga, Belarus, Đức, Hà Lan và Mỹ.