Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gián tiếp ‘giải tán’ dư luận viên mạng của Tuyên giáo?

ngày dư luận viên

Ngọc Lan

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gián tiếp nhắc đến các nhóm dư luận viên mạng xã hội với thói quen dùng từ ngữ – tạm gọi nhẹ nhàng là ‘vô văn hóa’ 

 

“Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội”.

(Trích bài phát biểu “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2021).

Các nhóm dư luận viên mạng xã hội với thói quen dùng từ ngữ – tạm gọi nhẹ nhàng là ‘vô văn hóa’ trong các bình luận, đã được xem là đối tượng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gián tiếp nhắc đến trong bài phát biểu mang tính chỉ đạo kể trên. Và có lẽ động thái tích cực dễ thấy nhất sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là sự kiện Facebook dẹp mạng lưới chuyên ‘đánh phá’ các nhà hoạt động Việt Nam.

Theo ghi nhận của nhà báo James Pearson trên Reuter hôm 1-12, ông David Agranovich, người đứng đầu ủy ban ngăn ngừa đe dọa toàn cầu của Facebook, cho Reuters biết công ty đã gỡ bỏ một mạng lưới tài khoản khỏi nền tảng mạng xã hội vì cho rằng nhóm này nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động Việt Nam, những người chỉ trích nhà cầm quyền.

“Những gì chúng tôi thấy là một mạng lưới các tài khoản ở Việt Nam tham gia vào loại mục tiêu phối hợp nhắm vào các nhà hoạt động và những người khác công khai chỉ trích chính phủ Việt Nam” – Agranovich cho biết, những kẻ tấn công đã sử dụng tài khoản Facebook để gửi “hàng trăm hoặc hàng nghìn báo cáo”  các mục tiêu của họ bằng các công cụ báo cáo tích hợp của Facebook.

Ông nói thêm: “Nhiều đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản giả mạo  mục tiêu của mình và sau đó sẽ báo cáo tài khoản thực của mục tiêu là tài khoản mạo danh. Một số tài khoản đã công khai đề nghị làm dịch vụ gỡ các tài khoản Facebook khác”.

Không giống như ở quốc gia láng giềng Trung Quốc, Facebook không bị chặn ở Việt Nam. Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người dùng Facebook và đây là nền tảng chính cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, Facebook cũng đã trở thành nền tảng chính cho những bất đồng chính trị, khiến Facebook và chính phủ gặp rắc rối liên tục về việc xóa nội dung được cho là “chống nhà nước”.

Vẫn theo Reuter thì Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan xử lý các yêu cầu chính phủ từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của nhà báo James Pearson.

Hôm 9-7, nhà báo James Pearson cũng ghi nhận về cách thức các nhóm dư luận viên của Bộ Quốc phòng đã ‘chống’ lại các nhà phản biện chính trị độc lập ở Việt Nam.

Bài viết trên Reuter nói rằng, Lực lượng 47, được biết đến là đơn vị chiến tranh thông tin trực tuyến của quân đội Việt Nam, bao gồm hàng ngàn binh sĩ, ngoài nhiệm vụ thông thường, họ còn được giao nhiệm vụ thiết lập, kiểm duyệt và đăng tải bài trên các nhóm Facebook ủng hộ nhà nước. Lực lượng 47 kể từ khi thành lập vào năm 2016 đã thiết lập hàng trăm nhóm và trang Facebook, đồng thời xuất bản hàng ngàn bài báo và bài đăng ủng hộ chính phủ.

Các nhà nghiên cứu truyền thông xã hội cho biết nhóm này có thể là mạng lưới ảnh hưởng lớn nhất và phức tạp nhất ở Đông Nam Á. Và  hiện lực lượng này đang đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng xung đột giữa nhà nước với “quan điểm sai trái” trên mạng Facebook.

Sau khi được Reuters tiếp cận hồi đầu tháng 7-2021, một nguồn tin Facebook cho biết công ty đã xóa một nhóm có tên “E47”, nhóm này đã huy động cả quân nhân và lẫn thường dân báo cáo  nhằm gỡ bỏ các bài đăng mà họ không thích trên  Facebook. Nguồn tin cho biết nhóm này có liên quan đến danh sách các nhóm thuộc Lực lượng 47 do Reuters xác định.

Ngay sau đó, Người phát ngôn của Facebook xác nhận rằng một số nhóm và tài khoản đã bị gỡ xuống. Một nguồn tin của công ty cho biết hành động này là một trong những yêu cầu gỡ xuống lớn nhất của Facebook được thực hiện theo chính sách báo cáo hàng loạt của hãng.

Nhưng nhiều tài khoản và nhóm của Lực lượng 47 được Reuters xác định vẫn hoạt động. Vì chúng được vận hành bởi người dùng dưới tên thật nên chúng không vi phạm các chính sách của Facebook, nguồn tin từ công ty cho biết.

Thời điểm đó, giới quan sát chính trị vẫn cho rằng Luật An ninh mạng và Lực lượng 47 được xem là những công cụ giúp nhà cầm quyền ở Việt Nam siết chặt việc kiểm duyệt trên mạng, theo các tổ chức nhân quyền quốc tế. Theo Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), các mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công của Lực lượng 47 là những blogger và những người bất đồng chính kiến trên mạng.

Phía truyền thông Việt Nam cho biết Lực lượng 47 là “hạt nhân” đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, “kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao”.

Lực lượng 47 lấy tên từ Chỉ thị 47/CT-CT ngày 8-1-2016 của Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng chống quan điểm sai trái thù địch cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội (gọi tắt là lực lượng 47). Các nhà phân tích cho rằng lực lượng này được tạo ra như một giải pháp thay thế cho việc thuê “người định hướng ý kiến” – hay còn gọi là “dư luận viên”.

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, người hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, chính là người phụ trách Lực lượng 47 lúc mới thành lập.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Trọng Chính trị hoá luật chống tham nhũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Chẳng nhớ đã bầu cho ai!

Phan Thanh Hung

VNTB – Nông thôn mới, gia đình văn hóa mới và… chấn hưng văn hóa

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo