VNTB – TP.HCM kích hoạt toàn bộ bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0 Covid

VNTB – TP.HCM kích hoạt toàn bộ bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0 Covid

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Ngày 2-12, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong tình hình mới.

 

Văn bản được phát đi trong bối cảnh số ca nhập viện và tử vong ở thành phố vẫn tiếp tục gia tăng, cùng với diễn biến dịch tại khu vực phía Nam còn phức tạp. Trên thế giới cũng xuất hiện biến chủng mới Omicron gây lo ngại.

Ông Tăng Chí Thượng yêu cầu tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc bệnh viện tách đôi) khẩn trương xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và hồi sức Covid-19 (nếu có) để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị trong tình hình mới, gửi về sở chậm nhất trước ngày 10-12.

Hiện TP.HCM có 4 bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị Covid-19, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi tiếp tục nhiệm vụ chuyên thu dung, điều trị Covid-19.

Các bệnh viện đã tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) thực hiện nhiệm vụ điều trị Covid-19 gồm Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố tiếp tục nhiệm vụ chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 ở một nửa tách đôi dành cho Covid-19.

Tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 khoảng 4.300 giường.

Về các bệnh viện dã chiến, theo lộ trình giải thể, hiện TP.HCM có 8 cơ sở đã ngừng hoạt động, gồm Bệnh viện dã chiến số 5A, 5G, số 1, số 2, số 4, số 7, số 9, số 11.

Hiện có 13 bệnh viện dã chiến còn lại vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, bao gồm: Bệnh viện dã chiến số 3, số 5, số 6, số 8, số 10, số 12, số 13, số 14, số 16, 5C, Phước Lộc, Công an Thành phố, dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi.Tổng quy mô của 13 bệnh viện dã chiến này khoảng 22.000 giường.

Thành phố đang có 16 bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện và TP Thủ Đức (tầng 2), quy mô khoảng 8.000 giường. Ngoài ra, các địa phương còn có 65 cơ sở thu nhận, điều trị Covid-19 (tầng 1), quy mô khoảng 9.000 giường.

Tại tầng 3 là đơn vị tuyến cuối điều trị Covid-19 nặng và nguy kịch, TP.HCM đang có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Nhân dân Gia định, Nhân dân 115, Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (Bộ Công an).

Các bệnh viện Trung ương được Bộ Y tế phân công tham gia hỗ trợ chuyên môn hồi sức cho TP.HCM gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược TP.HCM, Trung ương Huế. Tổng quy mô tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay khoảng 2.300 giường.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã kích hoạt Tổ điều phối chuyển tuyến do Thanh tra Sở và phòng Nghiệp vụ Y đảm trách để điều phối chuyển bệnh giữa các bệnh viện trên toàn thành phố.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của sở y tế các địa phương cho biết, từ 17g30 ngày 1-12 đến 17g30 ngày 2-12 ghi nhận 210 ca tử vong vì Covid, gồm: Tại TP.HCM có 80 ca, trong đó 9 ca từ các tỉnh chuyển đến là: Long An, Đồng Nai và Kiên Giang đều 2, Bình Dương, Đồng Tháp, Sóc Trăng đều một.

Con số tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai 23, Cần Thơ 16, An Giang 14, Kiên Giang 12, Long An 11, Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang đều 8, Bạc Liêu 6, Đồng Tháp 5, Sóc Trăng 4, Bình Thuận 3, Khánh Hòa, Gia Lai, Trà Vinh đều 2, Hà Nội, Hà Giang, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre đều một.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 179 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến chiều ngày 2-12 là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)