Việt Nam Thời Báo

VNTB – TP.HCM sẽ chích mũi 3 phòng Covid từ trung tuần tháng 12

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Sở Y tế TP.HCM vừa gửi đề xuất sẽ chích vắc xin phòng Covid mũi 3 cho người dân TP.HCM kể từ ngày 10-12-2021.

 

Theo đó, TP.HCM sẽ chích vắc-xin liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cụ thể như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng… Các trường hợp này được yêu cầu phải chích mũi vắc-xin cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên.

Còn với liều nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên, đã chích mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Trong đó, TP.HCM ưu tiên người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Sở Y tế đề xuất bắt đầu kế hoạch chích này từ 10-12. Tùy theo nguồn vắc-xin, sở dự kiến chia 2 giai đoạn, cụ thể, tháng 12-2021 tập trung chích cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã chích đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; và người đã chích đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Trong năm 2022, TP.HCM tiếp tục chích cho người đã chích đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục chích cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người trên 18 tuổi sống tại TP.HCM vào cuối năm 2022.

Về loại vắc-xin, nếu các mũi trước đó cùng loại vắc-xin thì chích mũi bổ sung, mũi nhắc cùng loại hoặc vắc-xin mRNA. Nếu mũi chích trước đó đã chích các loại vắc-xin khác nhau thì chích mũi bổ sung, mũi nhắc bằng vắc-xin mRNA. Nếu chích liều cơ bản (hoặc bổ sung) là vắc-xin của Sinopharm (Trung Quốc) thì có thể chích mũi nhắc cùng loại, hoặc vắc-xin vector virus (AstraZeneca).

Một nghiên cứu ở Anh cho thấy hai mũi vắc-xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% sau 1 tháng, nhưng đến 5 hoặc 6 tháng sau chỉ còn 74%. Trong khi đó, vắc-xin Oxford/ AstraZeneca giảm hiệu quả từ 77% xuống 67%. Kết quả nghiên cứu này cũng được thể hiện trong các phân tích của Moderna và Pfizer, vốn chưa được đánh giá đồng đẳng.

Moderna phát hiện rằng các ca mắc ở những người chích ngừa đầy đủ đã tăng từ 88 trên tổng số 11.431 người đã chích mũi hai từ tháng 12 đến tháng 3, lên 162 ca trên tổng số 16.747 người được chích 5 tháng trước – mức tăng khoảng 36%.

Trong khi đó, Pfizer tiết lộ vắc-xin của họ giảm hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng từ 96% xuống còn 83,7% sau bốn tháng. Cũng giống như khả năng bảo vệ được hình thành thông qua việc nhiễm bệnh tự nhiên, có vẻ như mức độ miễn dịch nhờ vắc-xin sẽ giảm dần dần – mặc dù vẫn chưa rõ liệu điều này có quan trọng hay không.

Một nghiên cứu về những người trên 60 tuổi được chích đầy đủ cho thấy những ai đã được chích nhắc lại 5 tháng sau mũi thứ hai có miễn dịch mạnh hơn nhiều – khả năng mắc Covid-19 thấp hơn 11 lần, và ít có khả năng bệnh nặng hơn 19 lần so với những ai chưa chích mũi 3.

Tương tự, dữ liệu của chính Pfizer cho thấy mũi nhắc lại có thể khôi phục hiệu quả của vắc-xin lên 95%. Và có những mẩu bằng chứng khác từ khắp nơi trên thế giới. Tương lai, các liều chích vắc-xin nhắc lại để chống Covid-19 có thể sẽ được cập nhật hàng năm để đối phó được với các biến thể mới của virus corona, giống như vắc-xin ngừa cúm.

Trong một diễn biến được ghi nhận là rất tích cực, Bộ Y tế Việt Nam đang mở chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đối với Covid-19. Cụ thể là 20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ dễ có nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong:

1. Đái tháo đường; 2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; 3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); 4. Bệnh thận mạn tính; 5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; 6. Béo phì, thừa cân; 7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); 8. Bệnh lý mạch máu não; 9. Hội chứng Down; 10. HIV/AIDS;

11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ; 12. Bệnh hồng cầu hình liềm; 13. Bệnh hen suyễn; 14. Tăng huyết áp; 15. Thiếu hụt miễn dịch; 16. Bệnh gan; 17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện; 18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; 19. Các loại bệnh hệ thống; 20. Các bệnh nền của trẻ em, theo Quyết định số 5155/QĐ-BYT của Bộ Y tế về điều trị Covid-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc Covid-19.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có khởi tố vụ án về trục lợi quyền tự do tôn giáo của trụ trì chùa Ba Vàng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB- Thiên hạ luận: nên tuyên truyền đầy đủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đối mặt làn sóng tái bùng dịch Covid-19 lần thứ 4

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo