Phú Nhuận
(VNTB) – Nhiều doanh nghiệp bất động sản ‘chết’ vì không có dòng tiền…
Tại Hội nghị tín dụng bất động sản hôm 8-2-2023, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, than van rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản ‘chết’ vì không có dòng tiền…
Ông Lê Hoàng Châu đưa ra nhận định đang có nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 – 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền có thể dẫn đến tình trạng ‘chết trên đống tài sản’.
Doanh nghiệp bất động sản cứ lỗ là kêu gọi giải cứu, chơi kỳ vậy?
Người đứng đầu (và ông này ‘đứng khá lâu’ suốt mấy nhiệm kỳ) Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn. Bên cạnh đó, các khoản vay tín dụng đến hạn sẽ kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.
HoREA cũng cho rằng hiện người mua nhà khó vay vốn tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31-12-2022 dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản cao hơn các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Trong 100 đồng hệ thống ngân hàng cho vay trong năm 2022 có tới 21,2 đồng cho vay bất động sản, có doanh nghiệp bất động sản năm 2022 có dư nợ vay ngân hàng tăng hơn 300%, có doanh nghiệp tăng hơn 70%, vì vậy trong một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần làm rõ vì sao từ tháng 10-2022 đến nay tín dụng bất động sản lại khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đưa ra các số liệu: Dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua với tỷ lệ nợ xấu 1,81%. Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tăng nhẹ trong năm 2022 từ mức 1,67% vào cuối năm 2021.
Trách nhiệm đến đâu của “Đại diện chủ sở hữu” được Hiến định?
Trên cương vị là “Đại diện chủ sở hữu” trong vai trò quản lý nhà nước theo Hiến định cũng như Luật Đất đai, ông Nguyễn Văn Sinh – thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, ngày 17-11-2022, Thủ tướng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản của địa phương, doanh nghiệp do bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng.
“Hiện Bộ Xây dựng đã dự thảo, lấy ý kiến và hoàn thiện hai dự án về Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2023) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong khi chờ sửa Luật nhà ở” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông báo về tiến độ làm việc của Tổ công tác.
Cũng liên quan chuyện “Đại diện chủ sở hữu” trong vai trò quản lý nhà nước, tại hội nghị tín dụng bất động sản hôm 8-2-2023, bà Đỗ Thị Phương Nam, giám đốc phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland, cho biết tháng 11-2022 cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Novaland đã kết hợp với một hãng luật và Công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young để tiến hành tái cấu trúc.
“Khi tái cơ cấu nợ với các tập đoàn quốc tế, chúng tôi thuyết phục họ đây là “rủi ro hệ thống nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời”, hay đây là “rủi ro thị trường” để tiến đến tái cơ cấu các khoản nợ, giải quyết trong êm đềm, không rơi vào tình trạng không trả được các khoản nợ đến hạn, dẫn đến vi phạm các khoản vay” – bà Phương Nam nói.
Novaland cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24 – 36 tháng.
Đại diện Novaland cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các chủ trái phiếu…
Hệ lụy của ‘chống tham nhũng’ trong nội bộ Đảng?
Quan sát diễn biến trên thị trường địa ốc, có ý kiến cho rằng những chuyên án bắt bớ tham nhũng trong bộ máy công quyền liên quan các dự án bất động sản chính là ‘giọt nước tràn ly’ trong tất cả các mối bùng nhùng ở trên.
Điều này cho thấy một lần nữa rất cần coi lại; bởi trong Hiến pháp và trong Luật Đất đai đều xác định “toàn dân” là chủ thể sở hữu đất đai của quốc gia. Tuy nhiên, “toàn dân” lại không phải là một chủ thể pháp lý xác định, chưa được chế định rõ là “ai” và chưa luật định được rõ quyền, trách nhiệm và lợi ích chung của chủ sở hữu “toàn dân” là thế nào. Đây là một “khoảng mờ” cần phải được làm rõ.